📞

Chuyển đổi số: Quá trình quan trọng góp phần nâng cao chất lượng báo chí trong kỷ nguyên mới

Diệu Linh 16:36 | 22/11/2024
Báo chí trong kỷ nguyên mới phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của công chúng, theo kịp sự phát triển của thời đại, công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
Hội nghị báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. (Ảnh: Trần Hải)

Sáng 22/11, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị “Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững” khu vực phía Bắc.

Báo chí trong kỷ nguyên mới phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Nguyễn Đức Lợi cho biết, chỉ còn hơn một năm nữa, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV sẽ diễn ra, những định hướng lớn nhằm phát triển đất nước đã và đang là những nội dung quan trọng được thảo luận để xây dựng dự thảo Văn kiện trình Đại hội. Đặc biệt là tầm nhìn đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam do Tổng bí thư Tô Lâm đề ra.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: “Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thăng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước nhanh và bền vững; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Nguyễn Đức Lợi phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)

Ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh, trong giai đoạn quan trọng này, khi đất nước đứng trước cơ hội lịch sử để bứt phá, báo chí cũng phải vươn mình thay đổi, đồng hành cùng đất nước. Báo chí trong kỷ nguyên mới phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của công chúng, theo kịp sự phát triển của thời đại, công cuộc chuyển đổi số của đất nước.

Các giải pháp nâng cao chất lượng báo chí, hỗ trợ cho các phóng viên, nhà báo thực hiện nhiệm vụ của mình là rất cần thiết vào giai đoạn này, để các nhà báo có thể cho ra đời nhiều tác phẩm hay, góp phần trong công cuộc phát triển bền vững của đất nước, phụng sự nhân dân.

Chuyển đổi số: Vấn đề sống còn của báo chí

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chính trị của báo chí: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Trong đó, tính chuyên nghiệp và hiện đại theo yêu cầu của Đảng có nghĩa là báo chí cách mạng của Việt Nam cũng phải phấn đấu, bắt kịp với các xu hướng phát triển chung của thế giới, một trong số đó chính là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số.

Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây đã có bài viết quan trọng, mang tầm chiến lược: "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới".

Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia được nêu rõ trong nhiều Nghị quyết và văn kiện Đại hội Đảng.

Diễn giả trình bày tham luận về phát triển báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số. (Ảnh: Trần Hải)

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Ông Nguyễn Đức Lợi cho hay, thực tiễn cho thấy công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên, mạnh mẽ và sâu rộng tới lĩnh vực báo chí, truyền thông. Việc sử dụng công nghệ số để làm báo đã trở thành vấn đề sống còn của báo chí.

Cập nhật thêm các loại hình tác phẩm dự thi Giải Báo chí quốc gia

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi thông tin, để kịp thời cập nhật những xu thế mới trong cách làm báo, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia Lê Quốc Minh đã ký ban hành Điều lệ Giải Báo chí quốc gia (sửa đổi). Theo đó, bổ sung thêm các giải: Sản phẩm báo chí đa phương tiện và Sản phẩm báo chí sáng tạo.

Thông tin về tiêu chí báo chí chất lượng cao đáp ứng yêu cầu Điều lệ Giải báo chí quốc gia lần thứ XIX, năm 2024, đại diện Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã chia sẻ về quy định đối với các loại hình báo chí. Trong đó, sản phẩm báo chí đa phương tiện là: Tác phẩm, sản phẩm báo chí sử dụng dữ liệu đa phương tiện và áp dụng quy trình sản xuất, kỹ thuật, công nghệ truyền thông số trong quá trình sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất, có định dạng độc lập như: Infographic, Video clips, Podcast, Gói tin tức đa phương tiện, sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí tương tác...

Các đại biểu đặt câu hỏi tại hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)

Sản phẩm báo chí sáng tạo là các tác phẩm, sản phẩm, chương trình báo chí có tính sáng tạo, đột phá, qua đó thể hiện rõ tác giả, nhóm tác giả có giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng suất lao động nghề báo, tiết kiệm chi phí sản xuất, tác động tới đúng nhóm công chúng, tác động hiệu quả đến các tầng nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng, tăng cường sự tham gia tương tác của công chúng hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia, vùng miền và địa phương.

Hoàn thiện và mở rộng Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao

Bên cạnh Giải Báo chí Quốc gia, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tin tưởng, giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao ở Trung ương, địa phương giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 08/4/2021.

Sau gần 4 năm thực hiện, Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các cấp Hội Nhà báo giai đoạn 2021 - 2025 đã có nhiều thành công tốt đẹp trong việc hỗ trợ các phóng viên, nhà báo và các cơ quan báo chí.

Theo đó, trong 3 năm (2021-2023), Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương là 11,46 tỷ đồng cho 18 Liên chi hội và 103 Chi hội Nhà báo; từ đó hỗ trợ gần 4.000 lượt tác giả, nhận được 3.875 tác phẩm chất lượng cao thuộc các loại hình báo chí.

Trong khi đó, Chương trình hỗ trợ Hội Nhà báo các địa phương trong cả nước là 27,7 tỷ đồng; Hội Nhà báo các địa phương hỗ trợ trực tiếp cho trên 4.000 lượt tác giả là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam ở các địa phương; nhận được 4.263 tác phẩm chất lượng cao thuộc các loại hình báo chí.

Chương trình cũng tổ chức các hội nghị, hội thảo nghiệp vụ báo chí giúp các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng tác phẩm; hỗ trợ nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các đầu sách để công bố, quảng bá và lưu trữ tác phẩm báo chí chất lượng cao.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)

Đặc biệt, quá trình thực hiện Chương trình, nhiều tác phẩm chất lượng cao được hưởng kinh phí hỗ trợ đã đoạt Giải báo chí Quốc gia và Giải báo chí các địa phương, giải báo chí các bộ, ngành, đoàn thể. Thực tế cho thấy, các tác phẩm đoạt giải cao (A,B,C) của Giải báo chí Quốc gia những năm qua đều là tác phẩm báo chí chất lượng cao đã được hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Đức Lợi, trong bối cảnh báo chí đối mặt với nhiều thách thức mới, việc hỗ trợ báo chí chất lượng cao càng trở nên cấp thiết. Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao đã phần nào đáp ứng được nhu cầu này, giúp các nhà báo có thêm điều kiện để sáng tạo. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng, chương trình cần được tiếp tục hoàn thiện và mở rộng.

Nhiều cấp Hội Nhà báo tiếp tục đề xuất Cơ quan Trung ương Hội quan tâm, tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn nghiệp vụ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao từ nguồn ngân sách báo chí chất lượng cao để các hội viên - nhà báo, đặc biệt là những hội viên ở những tỉnh khó khăn có điều kiện tiếp cận những nội dung và kỹ năng làm báo hiện đại.

Sau hơn 3 tiếng trình bày và thảo luận, hội nghị được nghe các ý kiến tham luận, đánh giá của đại biểu các Liên Chi hội, Chi hội cơ quan báo chí Trung ương và 25 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc về vai trò và nhiệm vụ của báo chí trong tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững đất nước.

Đồng thời kiến nghị những giải pháp chuyển đổi số báo chí, phát triển đa dạng sản phẩm báo chí số; tăng hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả báo chí đối với sự phát triển bền vững của các địa phương nói riêng và của đất nước nói chung.