📞

Chuyển đổi số - tạo sức bật mới cho phát triển đô thị Hà Nội

Quỳnh Anh Nguyễn 15:54 | 31/10/2024
Baoquocte.vn. Chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là chìa khóa để Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chuyển đổi số tạo sức bật mới cho phát triển đô thị Hà Nội. (Ảnh: Linh Chi)

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định phát triển đô thị thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước, một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Trong khi đó, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định hướng tới xây dựng Thủ đô cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Để phát triển Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065 xác định: Xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Cụ thể hóa mục tiêu phát triển đô thị thông minh

Hà Nội không ngừng vươn lên, từng bước khẳng định vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước. Những thành tựu phát triển của Thủ đô không chỉ thể hiện qua sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, qua diện mạo hiện đại của đô thị, mà còn được minh chứng qua những chủ trương chính sách, chiến lược phát triển dài hạn, hướng tới một thành phố thông minh, xanh, bền vững.

"Hà Nội cần nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số trong công tác quy hoạch; có quy hoạch hạ tầng dữ liệu để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số toàn diện cho thành phố. Đây sẽ là giải pháp rút ngắn thời gian để tạo bước đột phá, phát triển Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại".

Theo TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, 70 năm qua, Hà Nội đã 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính và 7 lần quy hoạch chung được phê duyệt, thể hiện công tác quy hoạch luôn luôn tiếp cận đồng bộ, khách quan, nghiêm túc và bám sát định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, công tác quy hoạch kiến trúc và quản lý đô thị Hà Nội luôn được thực hiện linh hoạt, đổi mới nhưng vẫn còn tồn tại, nhất là khâu huy động nguồn lực và cách tổ chức thực hiện.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, ThS. KTS. Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho hay, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/Q Đ-TTg ngày 26/7/2011 xác định cấu trúc đô thị TP. Hà Nội theo mô hình mạng lưới đô thị bao gồm: 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, 3 thị trấn sinh thái, 9 thị trấn huyện lỵ; duy trì các vùng nông thôn (hành lang xanh) là các vùng đệm giữa các đô thị hạn chế mở rộng đô thị theo mô hình "vết dầu loang" cải thiện môi trường sinh thái cho khu vực đô thị.

Chuyển đổi số - tạo sức bật mới cho phát triển đô thị Hà Nội. (Ảnh: Trần Dương)

Các chuyên gia cũng đề xuất giải pháp đột phá nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội theo mô hình đô thị thông minh, thành phố sáng tạo, phát triển xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh, công tác quy hoạch nói chung phải tiếp cận đa ngành, cần tiếp tục nâng tầm trách nhiệm của nhân dân và các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp. Ngoài ra, để đạt mục tiêu phát triển đến năm 2030, Hà Nội là một đô thị đặc biệt, Thành phố cần quan tâm phát triển hài hoà giữa đô thị và nông thôn; tiếp tục nghiên cứu xác định đúng vị thế và giá trị truyền thống của Hà Nội.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị (thống nhất chỉ đạo tại Kết Luận số 80-KL/TW ngày 24/5/2024). Hai quy hoạch này đã nghiên cứu giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại và kế thừa Quy hoạch chung Thủ đô năm 2011 bổ sung những điều kiện phát triển mới.

"Thành phố thông minh không chỉ là giải pháp để giải quyết những thách thức về dân số, môi trường, giao thông và quản lý tài nguyên, mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tối ưu hóa quản lý đô thị và phát triển xanh, toàn diện, bền vững".

Trên cơ sở đó, UBND TP. Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác lập, phê duyệt các quy hoạch triển khai cụ thể hóa quy hoạch chung, đồng thời hoàn chỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị để từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của TP. Hà Nội. Đồng thời, triển khai thực hiện Luật Thủ đô 2024, UBND TP. Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch xây dựng các quy định cụ thể, trình HĐND TP. Hà Nội thông qua để triển khai thực hiện trong thực tiễn, với những cơ chế chính sách mạnh mẽ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong từng lĩnh vực, quy định rõ trách nhiệm cụ thể.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu

Theo nhiều chuyên gia, Hà Nội cần nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số trong công tác quy hoạch; có quy hoạch hạ tầng dữ liệu để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số toàn diện cho thành phố. Đây sẽ là giải pháp rút ngắn thời gian để tạo bước đột phá, phát triển Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại.

Trong một phát biểu, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của CMCN 4.0, Hà Nội xác định việc xây dựng một đô thị thông minh là điều cấp thiết. Thành phố thông minh không chỉ là giải pháp để giải quyết những thách thức về dân số, môi trường, giao thông và quản lý tài nguyên, mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tối ưu hóa quản lý đô thị và phát triển xanh, toàn diện, bền vững.

Chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là "chìa khóa" để Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững, tăng năng lực cạnh tranh cũng như nâng cao chất lượng sống cho người dân. Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển, chuyển đổi số không chỉ giúp xây dựng một hệ thống dịch vụ công minh bạch, hiện đại và hiệu quả, mà còn góp phần vào quá trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô và của đất nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải, trong tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu trở thành một đô thị thông minh, hiện đại và bền vững, thành phố kết nối toàn cầu, Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc chuyển đổi số, đề án 06 của Chính phủ, ứng dụng công nghệ số, xây dựng cơ sở dữ liệu số kết nối, các nền tảng số, phát triển hệ sinh thái thanh toán thông minh là yếu tố then chốt.

Cũng theo ông Hà Minh Hải, với những nền tảng đã đạt được, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Thành phố và sự đồng lòng của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Hà Nội sẽ tiếp tục tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào sự phát triển bền vững, toàn diện của đất nước.