Các phóng viên báo chí tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí phục vụ Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Dưới ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và dịch bệnh Covid-19, mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế đều biến chuyển mạnh mẽ. Trong hoàn cảnh phải giới hạn tương tác trực tiếp, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của những tiến bộ về công nghệ thông tin, quá trình chuyển đổi số đã len lỏi và dần chi phối nhiều hoạt động của con người.
2021 là năm thứ 2 chứng kiến những tác động kéo dài của dịch bệnh Covid-19 lên mọi mặt của đời sống chính trị - xã hội, trong đó có ngoại giao. Trong một lĩnh vực mà sự tiếp xúc trực tiếp có vai trò quyết định đến thành quả như hoạt động ngoại giao thì “giãn cách” là một thách thức không nhỏ. Thách thức này cũng là một chướng ngại phải vượt qua đối với công tác thông tin đối ngoại - một trong những lực lượng tuyến đầu của hoạt động Ngoại giao Việt Nam.
Trước nhiệm vụ của thời đại mới
Cũng như với toàn cầu hóa, không một quốc gia nào có thể đứng bên ngoài những diễn biến và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với đặc trưng nổi bật là sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin.
Nhận thức được xu thế này của thời đại, Chính phủ đã sớm phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong việc xây dựng một kế hoạch chuyên đề về chuyển đổi số.
Với ba trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia có giá trị định hướng để Việt Nam chuyển mình, tận dụng triệt để những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.
Đây là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, cần được triển khai thống nhất và xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Với tư cách là “mặt trận chiến lược”, “mũi chủ công” quan trọng của đất nước, ngành đối ngoại Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế và nhiệm vụ chiến lược ấy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chia sẻ về vai trò của ngành ngoại giao trong sự phát triển của quốc gia: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng”. Nói theo cách của Người, thì “người đánh chiêng” không ai khác, chính là lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại.
Đây là lực lượng tuyến đầu thực hiện Ngoại giao tâm công, đưa những ấn tượng mang tên “Việt Nam” vào tâm thức của thế giới, từ đó tạo nên thiện cảm, góp phần định hình vị thế quốc gia trong tiến trình hội nhập toàn cầu. Trong một nhiệm vụ mà “thông tin” chính là vũ khí đắc lực như vậy, việc “chuyển đổi số” và tận dụng những cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ thông tin chính là bước chuyển mình then chốt.
Phóng viên tác nghiệp tại sự kiện Hội nghị Cấp cao ASEAN 37. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Báo chí đối ngoại thời Covid
Thông tin đối ngoại là một mặt trận với lực lượng chủ chốt là đội ngũ những người làm báo chí đối ngoại - những “con thoi” dệt nên bức tranh thông tin với những mảng miếng đan xen, đa sắc và luôn biến động phức tạp.
Đây là lực lượng chính trong hoạt động thông tin, tuyên truyền những đường lối, chủ trương của Đảng và lập trường của Việt Nam cho nhân dân thế giới, giúp thế giới đến gần và hiểu rõ hơn đất nước, con người Việt Nam.
Song song với nhiệm vụ cung cấp và định hướng thông tin, những người làm báo chí đối ngoại còn liên tục phải đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ “bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chia sẻ về vai trò của ngành ngoại giao trong sự phát triển của quốc gia: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng”. Nói theo cách của Người, thì “người đánh chiêng” không ai khác, chính là lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại. |
Trong bối cảnh dịch bệnh, dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ thông tin, nhiệm vụ mới đặt ra cho đội ngũ phóng viên đối ngoại là phải chuyển đổi “phương thức tác chiến” sao cho phù hợp với tình hình mà vẫn đảm bảo hiệu quả.
Đây là một trọng trách không nhỏ, khi mà càng sống trong giãn cách, con người lại càng “đói” thông tin. Những phóng viên đối ngoại, vì thế, vừa phải đương đầu với việc bị Covid-19 “tước bỏ” ít nhiều quyền năng tương tác trực tiếp, vừa phải đảm bảo cung cấp kịp thời, trung thực và đúng đắn một lượng thông tin khổng lồ.
Bên cạnh đó, việc con người được tự do chia sẻ và tiếp nhận thông tin trên những nền tảng số khiến việc đấu tranh với tin giả và những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trở nên phức tạp và cấp thiết hơn. Trong tình thế này, không những lực lượng phóng viên đối ngoại Việt Nam không bị “vây khốn”, mà còn chứng tỏ được bản lĩnh, khả năng làm mới mình và làm chủ tình hình.
Trong tháng Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (4/2021), đội ngũ báo chí đối ngoại đã cung cấp một lượng thông tin ấn tượng, gồm trên 3.200 tin, bài dưới nhiều hình thức, đáp ứng kịp thời và hiệu quả nhu cầu thông tin của dư luận trong nước. Mặc dù bị cản trở bởi dịch bệnh, nhưng những hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam vẫn được đưa tin đầy đủ, như Hội nghị các nhà Lãnh đạo Cấp cao ASEAN (4/2021) hay Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc tại Trùng Khánh (6/2021).
Hoàn cảnh tác nghiệp mới đã thử thách và rèn luyện khả năng “đa nhiệm” của những phóng viên đối ngoại: giờ đây, bên cạnh việc đưa tin đơn thuần, mỗi phóng viên đối ngoại đều phải thành thục kỹ năng quay phim, chụp ảnh, sử dụng thuần thục các phương tiện truyền thống mới, các nền tảng mạng xã hội, và tổ chức tin bài mình theo những hình thức mới - tất cả đều được tiến hành dưới áp lực thời gian.
Dịch bệnh và áp lực đổi mới vừa là thách thức, vừa là cơ hội để đội ngũ phóng viên đối ngoại được cọ xát, nâng cao nghiệp vụ, bản lĩnh của mình. Trong nửa đầu năm 2021 vừa qua, báo chí đối ngoại Việt Nam đã chứng minh rằng mình đã tận dụng được cơ hội đó.
Ghi nhận về những đóng góp nổi bật của đội ngũ phóng viên đối ngoại, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định, trong những hoàn cảnh tác nghiệp khó khăn, “phóng viên Việt Nam đã thể hiện khả năng, kỹ năng, nghiệp vụ và bản lĩnh không thua kém báo giới quốc tế”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại họp báo thường kỳ theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tình hình mới, bối cảnh mới, cách làm mới
Không chỉ lực lượng phóng viên đối ngoại đứng trước sức ép phải chuyển mình, mà quá trình chuyển đổi số còn trở thành yêu cầu chung của toàn bộ hệ thống thông tin đối ngoại. Tình hình mới đã “thổi” vào hoạt động thông tin đối ngoại một luồng gió mới, được thể hiện rõ ràng qua việc tổ chức những cuộc họp báo trực tuyến, qua việc thành lập “trung tâm báo chí ảo”, hay sự hoạt động tích cực của các nhà lãnh đạo về đối ngoại trên các nền tảng mạng xã hội.
Nổi bật, dù chỉ bước sang nhiệm kỳ mới được vài tháng, nhưng tài khoản Twitter của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đến nay có gần 2000 người theo dõi, với gần 570 nghìn lượt tương tác, có những ngày đăng tới 8 tweet (27/4) với hơn 220 nghìn lượt tương tác.
Các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cũng tích cực sử dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền đối ngoại, hướng tới hình thành một “hệ sinh thái mạng xã hội” nhằm thúc đẩy công tác thông tin đối ngoại phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.
Nhằm khắc phục khó khăn cho những phóng viên nước ngoài không thể đến Việt Nam để đưa tin về Đại hội Đảng XIII (01/2021), “Trung tâm báo chí ảo” đã được thành lập, cấp tài khoản cho gần 100 phóng viên nước ngoài ở 30 quốc gia trên thế giới tham gia tác nghiệp trực tuyến tại Đại hội.
Sáng kiến này nhận được sự hoan nghênh và ghi nhận của đội ngũ phóng viên quốc tế, cho rằng đây là phương án thuận lợi nhất để dù không vào được Việt Nam, họ vẫn thuận lợi tác nghiệp và tiếp cận được các thông tin quan trọng.
Bên cạnh đó, công tác phát ngôn của Bộ Ngoại giao vẫn được duy trì đều đặn bất chấp dịch bệnh. Kể từ đầu năm 2021, Bộ Ngoại giao Việt Nam duy trì 12 cuộc họp báo thường kỳ của Người phát ngôn với đội ngũ báo chí, trong đó có 5 cuộc được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Trong các cuộc họp báo, bên cạnh việc thông tin kịp thời cho đội ngũ phóng viên trong nước và quốc tế về tình hình chính trị - xã hội của đất nước, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng đã bày tỏ lập trường của Việt Nam về những vấn đề quan trọng, như phản đối phong trào phân biệt đối xử người châu Á ở Hoa Kỳ, khẳng định không có sự phân biệt đối xử với người nước ngoài trong tiêm chủng, đồng thời bác bỏ những thông tin sai trái trong các báo cáo về nhân quyền.
Nhờ sự thích ứng kịp thời trên nền tảng trực tuyến, không một cuộc họp báo nào với đội ngũ báo chí bị hủy bỏ, nhờ vậy mà quá trình thông tin, đối chất và đấu tranh dư luận vẫn diễn ra xuyên suốt, kịp thời và hiệu quả, bất chấp những cản trở của dịch bệnh.
***
Bước vào kỷ nguyên mới, Việt Nam đang cùng thế giới trải qua những thay đổi chưa từng có, với những thách thức và cơ hội đan xen, đòi hỏi khả năng chuyển đổi và làm mới mình không ngừng nghỉ. Văn kiện Đại hội XIII đã nhấn mạnh nhiệm vụ “đổi mới, sáng tạo” đối với đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhằm chủ động thích ứng với những chuyển biến của tình hình.
Thực tế nửa đầu năm 2021 đã chứng minh rằng, với khả năng “số hóa” toàn diện, kịp thời, lực lượng thông tin đối ngoại của đất nước đã và đang nỗ lực hết mình để thực hiện nhiệm vụ đó.
Trên con đường “nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”, Việt Nam có cơ sở để đặt niềm tin, kỳ vọng vào đội ngũ thực hiện công tác thông tin đối ngoại, những “người đánh chiêng” nhiệt huyết và không ngừng hoàn thiện, để “tiếng chiêng” ngoại giao Việt Nam tiếp tục là một thanh âm đẹp, cộng hưởng hài hòa vào bản đại tổng phổ của các quốc gia, dân tộc khắp năm châu.