Ngư dân Palestine mưu sinh trên một chiếc thuyền ở Rafah. (Nguồn: Reuters) |
Những hàm ý mới
Sau gần 5 tháng, cuộc chiến đẫm máu giữa Hamas và Israel ở Dải Gaza đứng trước những chuyển động đáng chú ý, từ nhiều bên, với nhiều hàm ý. Trước hết từ những “người trong cuộc”. Ngày 17/2, người đứng đầu lực lượng Hamas, ông Ismail Haniyeh tái khẳng định đề xuất lệnh ngừng bắn hoàn toàn tại Dải Gaza với một số điều kiện. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lập tức bác bỏ, gọi đó là ảo tưởng. Bất chấp quan ngại quốc tế, Israel vẫn tiếp tục kế hoạch tiến công thành phố Rafah ở cực Nam Dải Gaza, loại bỏ tận gốc Hamas, giành chiến thắng hoàn toàn.
Lo ngại trước thảm họa ở Dải Gaza và nguy cơ cuộc chiến lan ra khu vực, nhiều nước sốt sắng thúc đẩy nỗ lực ngoại giao tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột. Nhưng các cuộc đàm phán giữa Qatar, Ai Cập, Mỹ và Israel vẫn chưa có tia hy vọng nào.
Bế tắc, cộng đồng quốc tế hướng sự chú ý vào Mỹ, đồng minh chiến lược của Israel. Đáp lại, Mỹ có một vài động thái tạo ấn tượng về sự điều chỉnh lập trường “cân bằng hơn” đối với xung đột ở dải Gaza. Washington ủng hộ quyền đáp trả của Israel nhưng nhắc nhở Tel Aviv đừng hành động “quá tay”, giảm tổn thất cho người Palestine khi tiến công Rafah. Lần đầu tiên, Mỹ nói đến lệnh ngừng bắn nhân đạo ở Dải Gaza. Đặc biệt, Mỹ cùng với Anh, Pháp bắn tin có thể công nhận nhà nước Palestine độc lập.
Hy vọng của cộng đồng quốc tế vừa nhen nhóm lại bị dội gáo nước lạnh. Ngày 20/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không có tiếng nói chung trong cuộc bỏ phiếu dự thảo nghị quyết về Dải Gaza do Algeria đề xuất. Mỹ là nước duy nhất bỏ phiếu chống. Đây là lần thứ ba, Mỹ phủ quyết các dự thảo nghị quyết về Gaza, Palestine.
Với sự phủ quyết của Mỹ, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không thông qua nghị quyết về ngừng bắn tại Dải Gaza theo đề xuất của các nước Arab, dẫn đầu là Algeria. (Nguồn: Al Jazeera) |
Tính toán của Mỹ
Dư luận quốc tế không bất ngờ nhưng thất vọng. Nhiều nước cho rằng việc phủ quyết của Mỹ “bật đèn xanh” cho Israel tiếp tục tiến công Dải Gaza. Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân bày tỏ, Bắc Kinh không hài lòng với việc phủ quyết của Washington. Đại sứ Ai Cập Osama Mahmoud Abdel Khalek thẳng thắn gọi hành động của Mỹ là ví dụ điển hình của “tiêu chuẩn kép”…
Có 3 lý do giải thích động thái dường như không nhất quán của Mỹ. Một, nội dung đầu tiên, quan trọng nhất trong đề xuất của Algeria là các bên ngay lập tức tuân thủ lệnh ngừng bắn nhân đạo. Algeria phản đối việc cưỡng bức người dân Palestine rời khỏi nơi cư trú, gián tiếp bác bỏ kế hoạch di dân của Israel để tránh dư luận quốc tế khi tấn công Rafah. Điều này chắc chắn bị Israel phản đối còn theo Washington, sẽ cản trở đàm phán giữa Mỹ, Israel và một số quốc gia Arab.
Hai, Mỹ muốn khẳng định chỉ có họ mới có thể đưa ra một giải pháp cả gói, lâu dài cho xung đột giữa Israel và Hamas. Đề xuất của Mỹ cũng bao gồm 3 vấn đề cơ bản như của Algeria (ngừng bắn, thả con tin và hỗ trợ nhân đạo). Nhưng thứ tự ưu tiên cũng như điều kiện khác nhau. Mỹ nhấn mạnh “ngừng bắn ngay khi có thể” và có điều kiện. Hamas phải thỏa hiệp, trước hết là thả con tin. Trong thời gian đó, Israel vẫn có thể tiếp tục hành động quân sự theo mục tiêu đề ra.
Ba, trước áp lực quốc tế ngày càng tăng, Mỹ không thể không hành động, nếu không muốn đánh mất vị thế lãnh đạo, “người cầm trịch”. Tiếp tục hậu thuẫn Israel vô điều kiện, Mỹ sẽ khó xử về chính trị thế giới và pháp lý quốc tế. Sự điều chỉnh của Mỹ ít nhiều gây khó chịu cho Israel, nhưng cơ bản không ảnh hưởng lớn đến đồng minh chiến lược và chính sách của Mỹ ở Trung Đông. Mỹ vẫn cam kết hỗ trợ mọi mặt cho đồng minh. Tuyên bố ủng hộ nhà nước Palestine độc lập và hành động thực tế có khoảng cách rất xa.
Máy bay trực thăng của Israel bay qua Khan Younis, Gaza, ngày 15/2. (Nguồn: AP) |
Bước nhỏ trong hành trình dài
Các động thái trên có điểm mới, nhưng sâu xa vẫn thể hiện những vấn đề cũ, có tính quy luật. Chiến tranh, xung đột, bất ổn, chia rẽ do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân cơ bản là sự cạnh tranh địa chính trị, tranh giành lợi ích chiến lược quyết liệt giữa các thế lực, nhất là các nước lớn. Đó là việc không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và hiến chương Liên hợp quốc; thiên về giải quyết mâu thuẫn, bất đồng bằng vũ lực. Không nhà cầm quyền nào công khai bác bỏ luật pháp quốc tế, nhưng luôn tìm cách giải thích, biện minh cho hành động bạo lực, đe dọa sử dụng bạo lực của mình.
Xung đột ở Dải Gaza, rộng ra là vấn đề Palestine không chỉ phụ thuộc vào cuộc đấu tay đôi giữa Hamas, Israel, mà còn chịu tác động từ cuộc đấu tranh giữa các phe phái ở Palestine, Israel và hành động của các nước trong và ngoài khu vực. Ngày càng nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và một số đồng minh của Tel Aviv thừa nhận việc nhà nước Palestine và Israel cùng tồn tạo là giải pháp cơ bản, bền vững, mang lại hòa bình lâu dài cho hai nước, góp phần tạo môi trường ổn định, thúc đẩy hợp tác ở khu vực. Dù mục đích có thể khác nhau, nhưng quan điểm đó chứng tỏ xu hướng của khu vực và thế giới.
Theo Liên hợp quốc, kể từ khi xung đột bùng phát giữa Israel và phong trào Hamas ngày 7/10/2023, trên 29.300 người Palestine đã bị sát hại, 69.333 người bị thương tại Dải Gaza trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. |
Đương nhiên, người Palestine và Israel chịu hậu quả nặng nề nhất từ xung đột ở Dải Gaza. Nhưng nó cũng gây chia rẽ trong lòng nước Mỹ, phủ bóng lên Quốc hội Anh trong cuộc bỏ phiếu về lệnh ngừng bắn và hội nghị G20. Các nước không thể làm ngơ, đứng ngoài cuộc.
Các nước, dù lớn, dù mạnh cũng không thể mãi “một mình một chợ”. Nhưng một số nước vẫn tìm cách né, hành động vì lợi ích chiến lược của mình. Nhiều động thái mang tính đối phó, tìm kiếm lợi thế, “đá quả bóng trách nhiệm sang phía bên kia” hơn là tạo ra bước ngoặt, thúc đẩy đàm phán chấm dứt xung đột.
Israel có ưu thế về quân sự, nhưng gặp không ít khó khăn, thách thức về chính trị, ngoại giao. GDP của Israel giảm gần 20%, xếp hạng tín nhiệm từ A1 xuống A2 vì cuộc chiến ở Gaza. Áp lực gia tăng, nhưng Quốc hội Israel vẫn bác bỏ việc quốc tế đơn phương công nhận nhà nước Palestine độc lập; Thủ tướng Netanyahu vẫn quyết tấn công Rafah. Tuy vậy, Israel cũng không thể bất chấp các khuyến cáo của quốc tế và đồng minh. Họ vẫn cần sự ủng hộ cả vật chất và tinh thần của đồng minh, cũng như bình thường hóa quan hệ với cộng đồng các quốc gia Arab.
Do đó, Israel có thể điều chỉnh phương thức tiến hành chiến tranh nhưng không từ bỏ tiến công cho đến khi cơ bản đạt mục tiêu đề ra; buộc Hamas và chính quyền Palestine chấp nhận các điều kiện tiên quyết, nếu muốn đàm phán.
Trong bối cảnh đó, các bên có thể chấp nhận ngừng bắn tạm thời. Mâu thuẫn vẫn âm ỉ và xung đột sẽ lại bùng phát. Nhưng đây là động thái khả dĩ nhất hiện nay. Nó tạo cơ sở, dù mong manh cho các bên gặp gỡ, trao đổi, mở ra hy vọng đàm phán. Được như vậy cũng quý rồi. Xung đột ở Dải Gaza và vấn đề Palestine chỉ có thể giải quyết từng bước nhỏ, khó đột biến lớn.
Hòa bình ở Dải Gaza còn xa lắm. Vấn đề Palestine vẫn là nỗi ám ảnh của khu vực Trung Đông và cộng đồng quốc tế.
“Bất kỳ giải pháp bền vững nào cho hòa bình lâu dài đều phải nằm trong khuôn khổ giải pháp hai nhà nước, chấm dứt việc chiếm đóng và thành lập một quốc gia hoàn toàn độc lập, dân chủ, có chủ quyền và Nhà nước Palestine vững mạnh, trong đó Gaza là một phần không thể thiếu, phù hợp với luật pháp quốc tế, các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc và các hiệp định song phương hiện có”. (Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres) |