Trên thực tế và trong thực chất Israel và Hamas hiện chẳng khác gì đã ở trong cuộc chiến tranh thứ 4 với nhau ở dải Gaza. (Nguồn: thenationalnews) |
Trong những ngày vừa qua, đụng độ giữa người Palestine và cảnh sát Israel ở vùng phía Đông thành phố Jerusalem và giao tranh vũ trang giữa quân đội Israel với lực lượng Hamas ở dải Gaza trở thành chủ đề chính trị an ninh ganh đua với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra về tính thời sự trên thế giới.
Chỉ cần một mồi lửa nhỏ...
Chừng nào chưa có được giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, mà cụ thể là chừng nào chưa có hoà bình và hoà giải thật sự giữa hai bên, thì chừng đó việc đụng độ quân sự và chiến tranh lại bùng phát chẳng khác gì đã được lập trình sẵn và chỉ là vấn đề thời gian. |
Trên thực tế và trong thực chất Israel và Hamas hiện chẳng khác gì đã ở trong cuộc chiến tranh thứ 4 với nhau ở dải Gaza. Rồi đây, hai bên sẽ lại đi vào thoả thuận ngừng bắn và ngừng chiến với nhau, Israel sẽ lại triệt thoái quân đội ra khỏi vùng biên giới giữa Israel và dải Gaza hoặc ra khỏi dải Gaza nếu như đã đưa quân đội tiến vào vùng lãnh thổ này của người Palestine nhưng lần này chắc chắn không phải là lần cuối cùng hai bên đụng độ quân sự hay chiến tranh với nhau.
Giữa Israel-Palestine ở khu vực Trung Đông luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát đụng độ bạo lực và chiến tranh giống như kho thuốc nổ mà chỉ cần một tia lửa nhỏ là đủ để gây ra vụ nổ lớn. Chừng nào chưa có được giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, mà cụ thể là chừng nào chưa có hoà bình và hoà giải thật sự giữa hai bên, thì chừng đó việc đụng độ quân sự và chiến tranh lại bùng phát chẳng khác gì đã được lập trình sẵn và chỉ là vấn đề thời gian.
Lần này, mồi lửa ấy loé lên ở vùng miền đông của thành phố Jerusalem và rồi dẫn đến đối địch quân sự hiện tại giữa Israel và Hamas ở dải Gaza. Khởi đầu là việc phía Israel dự định đuổi 6 gia đình người Palestine ra khỏi nhà họ cư trú đã nhiều năm ở vùng phía đông thành phố Jerusalem và việc các phần tử cực hữu người Do thái tuần hành kích động thù địch người Ả rập ở Jerusalem, đồng thời có việc cảnh sát Israel không để cho người theo đạo Hồi đi vào nhà nguyện Aksa ở Jerusalem trong tháng Ramadan. Người theo đạo Hồi coi nhà nguyện này là thánh địa linh thiêng thứ ba của họ. Tính nhạy cảm về chính trị nội bộ và mức độ hiềm khích giữa các tôn giáo kích hoạt xung khắc và bạo lực.
Khoảng trống quyền lực
Trong số những tác nhân khác, đáng đề cập đến đầu tiên là khoảng trống quyền lực ở cả phía Israel lẫn Palestine.
Các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội lần đầu tiên ở phía Palestine sau 15 năm đã được ấn định nhưng rồi bị hoãn vô thời hạn. Bất hoà giữa Hamas và Fatah dai dẳng và trầm trọng khiến cho chính quyền tự trị Palestine bị sa lầy trong tình trạng cát cứ quyền lực và lãnh thổ, không thể thống nhất quan điểm và mạnh lên về thế và lực trong quan hệ với Israel. Làm găng với Israel và sẵn sàng đụng độ quân sự trực tiếp với Israel như hiện tại là cách thức mà Hamas thường vận dụng để tranh thủ người Palestine, hạ thấp uy tín và mức độ đáng tin cậy của phe Fatah trong cộng đồng người Palestine cũng như gây dựng và củng cố hình ảnh là lực lượng duy nhất ở Palestine vừa kiên định quyết tâm lại vừa có khả năng thực tế đương đầu với Israel vì nền độc lập cho Palestine.
Ở phía Israel hiện đang có quá trình thành lập chính phủ liên hiệp mới và tương lai chính trị của Thủ tướng tạm quyền Benjamin Netanyahu phụ thuộc vào kết cục cuối cùng của quá trình ấy. Một trong những con chủ bài chính trị đối nội công hiệu nhất mà ông Netanyahu luôn sử dụng trong suốt thời gian dài cầm quyền (hai lần) đến nay là tìm mọi cách và tận dụng mọi dịp để chứng tỏ và thuyết phục người Israel tin rằng chỉ có ông Netanyahu chứ không phải bất cứ chính khách nào khác ở Israel mới có đủ bản lĩnh và năng lực đảm bảo an ninh cho Israel. Chỉ có điều là người này không chủ trương thúc đẩy đàm phán hoà bình và hoà giải với Palestine và ngăn cản việc thành lập nhà nước độc lập cho Palestine.
Vì thế, đụng độ quân sự hay chiến tranh với Hamas và bạo loạn của người Palestine luôn có lợi cho ông Netanyahu. Nhưng ở lần này, rủi ro đối với ông Netanyahu tăng lên gấp bội khi hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel bị Hamas chọc thủng trong chừng mực nhất định, khi bạo lực và hỗn loạn đồng thời bùng phát ở nhiều thành phố của Israel và khi phe đối lập tung ra lập luận rằng không thể để cho ông Netanyahu tiếp tục cầm quyền được nữa bởi nếu không thì sẽ không bao giờ chấm dứt tình cảnh như hiện tại ở Israel và giữa Israel với Palestine. Israel tận lợi từ sự phân rẽ và bất hoà giữa Fatah và Hamas như thế nào thì phía Hamas cũng nhấn sâu vào những điểm yếu của ông Netanyahu như thế.
Cuộc chiến lần này sẽ không kéo dài nhưng mức độ tàn phá sẽ lớn hơn. Chừng nào cả hai bên đều thấy đủ mức để tự coi là thắng chứ không thua, đương nhiên với cách hiểu về thắng và thua khác nhau, họ sẽ lại thoả thuận ngừng chiến với nhau và thực hiện nó trên nguyên tắc cho tới khi lại có tia lửa làm kho thuốc nổ lại bùng nổ. |
Yếu tố bên ngoài và bên nào thêm khó xử
Nhân tố bên ngoài với tác động rất quyết định là chính quyền mới ở Mỹ với tân Tổng thống Joe Biden không còn như chính quyền tiền nhiệm với ông Donald Trump đối với Israel. Ông Biden vẫn quả quyết là Israel có quyền bảo vệ an ninh nhưng ông Netanyahu chắc chắn đã nhận ra rằng không thể dựa cậy vào ông Biden và chính quyền mới ở Mỹ như đã có thể dựa cậy vào ông Trump trước đó trong mọi chuyện liên quan đến cuộc xung đột giữa Israel và Palestine cũng như trong quan hệ của Israel với thế giới Ả rập và với Iran.
Hơn nữa, Israel càng chiến tranh hay đụng độ vũ trang với Palestine thì càng khó cải thiện được quan hệ với thế giới Ả rập bởi các nước trong thế giới Ả rập sẽ càng hậu thuẫn Palestine. Chiến sự lần này càng dai dẳng và càng quyết liệt thì bên được lợi nhiều nhất là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong khi tất cả các đối tác khác sẽ càng thêm khó khăn và khó xử, đặc biệt Israel và Mỹ.
Cho nên cả Israel lẫn Hamas đều chủ ý còn gia tăng mức độ chiến sự trước khi đi vào thoả hiệp ngừng bắn với nhau. Cuộc chiến lần này sẽ không kéo dài nhưng mức độ tàn phá sẽ lớn hơn. Chừng nào cả hai bên đều thấy đủ mức để tự coi là thắng chứ không thua, đương nhiên với cách hiểu về thắng và thua khác nhau, họ sẽ lại thoả thuận ngừng chiến với nhau và thực hiện nó trên nguyên tắc cho tới khi lại có tia lửa làm kho thuốc nổ lại bùng nổ.
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)