📞

Chuyên gia Ấn Độ ấn tượng với thành tựu kinh tế của Việt Nam

P.N 07:00 | 10/02/2021
TGVN. Trang mạng moderndiplomacy.eu mới đây đăng bài của TS. Pankaj Jha, giảng viên Trường Quan hệ quốc tế Jindal, Đại học Toàn cầu O P Jindal, Sonepat (Ấn Độ) đánh giá thành tựu kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây.
Bài viết của chuyên gia Ấn Độ về thành tựu kinh tế Việt Nam nêu bật 5 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy năng suất và củng cố thể chế quản trị. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Theo bài viết, năm 1986, Việt Nam bắt đầu chính sách Đổi mới để cải cách kinh tế, mở đường cho những cải cách hơn nữa trên thị trường vốn cổ phần và việc thoái vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước.

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2020, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, trong đó công nghiệp và xây dựng là hai lĩnh vực có mức tăng trưởng 7,6%. Xu hướng tăng trưởng này sẽ tiếp tục trong 5 năm tới.

Năm 2021, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế dự kiến đạt khoảng 6,7% trong khi tỷ lệ lạm phát duy trì ổn định ở mức 3,8%. Dự báo này sẽ có thể thành hiện thực khi Việt Nam thoát khỏi đại dịch Covid-19 và có những chỉ dấu phục hồi trong nước cũng như tăng cường thương mại với các đối tác thương mại.

Tác giả bài viết đánh giá trên thực tế, một trong những thành tựu của Đảng Cộng sản Việt Nam là giảm thâm hụt ngân sách và đưa ra các hạn chế mới đối với bảo lãnh chính phủ. Cuối năm 2016, nợ công đã giảm 5% từ mức 60% xuống còn 55%.

Việt Nam cũng thực hiện các biện pháp tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại thuộc chính phủ và đảm bảo rằng tiền đồng được duy trì trong biên độ hẹp. Trong 5 năm qua, Việt Nam tích cực cải cách việc thoái vốn đầu tư của các tập đoàn nhà nước cũng như hiện đại hóa hệ thống tài chính tiền tệ. Cuộc chiến chống tham nhũng đạt được những kết quả tốt đẹp.

Năm 2016, Việt Nam đã ban hành luật phòng chống tham nhũng mới và chú trọng vào các cơ chế chống rửa tiền.

Tác giả cho rằng những thay đổi mang tính cấu trúc này đã cải thiện điều kiện kinh tế của người dân và cũng chính những cải cách kinh tế này đã mang lại một sân chơi bình đẳng cho đầu tư tư nhân trong nước.

Việc cắt giảm các thủ tục cấp phép và nhà nước tích cực cải cách hành chính đã tạo điều kiện phát triển khu vực tư nhân ở Việt Nam. Kết quả của những sáng kiến này là Việt Nam hiện được coi là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.

Bên cạnh đó, bài viết trên nêu bật 5 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy năng suất và củng cố thể chế quản trị. Việc quản lý và chính sách thuế đã có những thay đổi về mặt cấu trúc. Chính phủ đã áp thuế môi trường cao hơn và cố gắng giảm nợ công. Những điều này giúp mở rộng cơ sở thuế và giảm các khoản miễn giảm cũng như thúc đẩy tính minh bạch trong quản lý thuế.

Các nỗ lực của chính phủ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường và giúp tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn. Điều này giúp xây dựng dự trữ ngoại hối và bảo vệ nền kinh tế Việt Nam trước mọi biến động tiền tệ.

Năm 2020, GDP của Việt Nam tăng từ 200 tỷ USD lên 300 tỷ USD trong khi GDP bình quân đầu người vào khoảng 2.100 USD năm 2016, hiện đạt khoảng 2.700 USD. Điều này có nghĩa là tăng gần 33% cả về tốc độ tăng trưởng GDP và thu nhập bình quân đầu người.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), cuối năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và đang trên đà phục hồi. Thặng dư thương mại hàng hóa cũng như dự trữ ngoại hối đang tăng lên. Các khoản lỗ do hoạt động du lịch quốc tế giảm mạnh và lượng kiều hối giảm được bù đắp nhờ xuất khẩu hàng hóa tăng.

Bài viết nhấn mạnh, Việt Nam thực hiện tốt việc này dù phải đương đầu với thiên tai lũ lụt. Việt Nam đang trên đường thực hiện các mục tiêu theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký hiệp định.

Đảng Cộng sản Việt Nam rất coi trọng phát triển kinh tế và đưa đất nước trở thành điểm đến thay thế cho các nền kinh tế đang phát triển khác ở châu Á.

Năm 2019, gần 3 năm thực hiện cuộc chiến chống tham nhũng, Việt Nam tăng mạnh nhu cầu nội địa và tăng tốc sản xuất phục vụ xuất khẩu. Từ năm 2016 – 2019, thế giới rơi vào suy thoái, nhưng Việt Nam là một ngoại lệ.

Dân số Việt Nam hiện là 96 triệu người, với gần 55% dân số trong độ tuổi lao động trẻ, dưới 35 tuổi và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, chiếm 13%, điều này cho thấy tương lai đầy hứa hẹn cho nền kinh tế. Các nhu cầu vệ sinh cơ bản được cải thiện rõ rệt. Về dịch vụ hạ tầng, điện, tiếp cận nước sạch và tỷ lệ tử vong ở trẻ em, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc. Việt Nam đã bắt kịp được nhu cầu đô thị hóa nhanh chóng, đồng thời tìm cách quản lý rác và giải quyết các thách thức về môi trường.

Bài viết kết luận, cách tiếp cận có tầm nhìn của Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy mong muốn đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình và là cường quốc tầm trung ở Đông Nam Á.

(theo TTXVN/Mordendiplomacy)