📞

Chuyên gia Andreas Stoffers: Hãy quảng bá Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa tại Đức!

Linh Chi 08:05 | 08/04/2021
GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam hiện đang ở vị thế rất tốt. Quốc gia này đã sẵn sàng tái định vị hậu Covid-19 và mở cửa cho các đối tác Đức.
GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam. (Ảnh: Linh Chi)

Ông có thể cho biết, nhà đầu tư Đức quan tâm nhiều đến những lĩnh vực nào tại Việt Nam?

Các công ty của Đức có thế mạnh và rất cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ cao và bảo vệ môi trường. Có rất nhiều cơ hội ở Việt Nam có thể “ghi điểm” đối với các nhà đầu tư Đức. Tuy nhiên, một số lựa chọn mà tôi cho rằng sẽ có tương lai đầy hứa hẹn là:

Thứ nhất, xử lý chất thải và xử lý nước thải.

Thứ hai, công trình xanh và quy hoạch đô thị.

Thứ ba, năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió.

Thứ tư, lĩnh vực giáo dục. Các trường Trung học Phổ thông và Đại học của Đức rất quan tâm đến việc mở rộng hoạt động sang Việt Nam.

Tại thời điểm này, tôi cho rằng, “xương sống” của nền kinh tế Đức là tầng lớp trung lưu, tức là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có xu hướng muốn hợp tác cùng những doanh nghiệp cùng qui mô. Vì vậy, các SME Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hợp tác chung với các SME Đức khi hai nước đẩy mạnh tự do thương mại.

Dịch Covid-19 đang tác động đến các quyết định mở rộng đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về tình hình mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam trong thời gian này?

Chúng ta hãy nhìn vào nước Đức những ngày này: Nền kinh tế đang gặp khó khăn do các biện pháp hạn chế tiếp xúc liên tục được áp dụng trên cả nước, các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động.

Câu hỏi đặt ra là, doanh nhân nào có thể tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong hoàn cảnh này? Người tiêu dùng nào vẫn mua được hàng Việt trong bối cảnh các hạn chế về di chuyển quốc tế vẫn đang thắt chặt?

Tuy nhiên, điều tích cực là Việt Nam hiện đang ở vị thế rất tốt. Hậu Covid-19, Việt Nam đã sẵn sàng "tái định vị" và mở cửa cho các đối tác Đức.

Tôi mong đợi một sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam bất chấp môi trường kinh tế toàn cầu khó khăn. Mức tăng trưởng 6-7% có thể nằm trong “tầm tay” và điều này đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với công ty Đức, cả về đầu tư và thương mại.

Với luật đầu tư mới được áp dụng năm 2021, Việt Nam đã chứng minh được sự cởi mở đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Giống như tất cả những nhà đầu tư khác, các nhà đầu tư Đức khao khát sự chắc chắn về mặt pháp lý. Bên cạnh những dấu hiệu tích cực khác của Việt Nam, yếu tố luật pháp là một trong những lý do thu hút nhà đầu tư từ Đức.

Hiện tại, doanh nghiệp Đức cũng rất lạc quan đối với Việt Nam nói chung và hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam nói riêng.

Theo một cuộc khảo sát vào tháng 11/2020 của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK), 55% công ty Đức kỳ vọng, Việt Nam sẽ phục hồi trong năm nay.

Về hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam, 50% trong số các công ty Đức được phỏng vấn cho rằng, hoạt động kinh doanh của họ sẽ tốt hơn vào năm 2021. 41% trong số các công ty được phỏng vấn cho rằng, hoạt động kinh doanh của họ không thay đổi và chỉ có 9% số doanh nghiệp Đức bi quan về hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. So với các quốc gia khác, những con số này rất nổi bật.

Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đã đúng với tiềm năng chưa, thưa ông?

Chắc chắn, hoạt động đầu tư của các công ty Đức tại Việt Nam vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng. Thật không may, các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp Đức vẫn tập trung nhiều ở Liên minh châu Âu (EU) hoặc ở Trung Quốc và Mỹ.

Để “tái định vị” Việt Nam trên trường quốc tế trong giai đoạn sau khủng hoảng Covid-19, chúng ta rất cần những chính sách thương mại tự do và thân thiện với nhà đầu tư nước ngoài. Đây là những yếu tố rất quan trọng cho sự phục hồi. Các doanh nghiệp Đức sẽ sẵn sàng và nên được thu hút tham gia vào “sân chơi thương mại” này.

Rất tiếc, ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng chưa nằm trong chương trình nghị sự của Đức ở mức độ mà lẽ ra phải có. Và do đó, vẫn còn rất nhiều tiềm năng của Việt Nam chưa được doanh nghiệp Đức khai thác.

Để cải thiện điều này, theo tôi, các công ty Việt Nam hãy cùng khai thác tiềm năng mà các doanh nghiệp Đức mang lại. Hãy trao đổi nhiều hơn với AHK và Hiệp hội Doanh nghiệp Đức (GBA) tại Việt Nam. Hãy ghé thăm các sự kiện của họ, đi đến các hội chợ thương mại ở Đức càng sớm càng tốt. Điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

Nếu như vậy đã đủ để kích thích dòng vốn FDI từ Đức vào Việt Nam?

Tất nhiên, kể cả những triển vọng tích cực đến từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cũng như luật đầu tư mới, sự thành công của Việt Nam trong việc thu hút FDI từ Đức vẫn chưa hoàn toàn được đảm bảo.

"Tri thức là sức mạnh": câu nói này rất phù hợp trong trường hợp này. Rất tiếc, nhiều doanh nhân ở Đức chưa nhận biết được tác động tích cực của chính sách mở cửa của Việt Nam. Đây là lúc mà các chiến dịch nâng cao nhận biết phải được thực hiện.

Tại nước ngoài, các Đại sứ quán của Việt Nam có thể đóng góp rất tích cực vào vai trò này. Tôi xin lấy một ví dụ cụ thể: Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ đã có những kết nối rất chặt chẽ với những tổ chức doanh nghiệp Đức. Những kết nối này có thể giúp xây dựng các chiến lược nâng cao hình ảnh về thị trường Việt Nam nói riêng và cho các nước khác tại khu vực ASEAN nói chung.

Đơn cử, Malaysia cũng đã làm rất tốt việc này. Đại sứ quán và các lãnh sự quán của Malaysia, đã phối hợp hợp với các cơ quan đầu tư của nước này (MIDA, MATRADE), kết hợp với các đối tác, doanh nghiệp tại Đức để thành lập ra Hội nghị bàn tròn Doanh nghiệp Malaysia-Đức (GMRT) nhằm mục tiêu xúc tiến thương mại. Có thể nói, đây là một sáng kiến rất thành công.

Hội nghị GMRT này đã tổ chức được các hoạt động giao lưu hết sức giá trị, kết nối được nhiều đối tác tại nhiều thành phố lớn của Đức. Cho đến năm 2019, tôi phụ trách Hội nghị GMRT tại thành phố Munich, những sự kiện của chúng tôi đã kết nối được với nhiều tên tuổi lớn như BMW, Linde, Osram… và nhiều doanh nghiệp tiềm năng khác.

Tôi tin rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể tổ chức những Hội nghị bàn tròn Doanh nghiệp Việt Nam-Đức tương tự như vậy.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy, trong giai đoạn đầu vào Việt Nam, các nhà đầu tư Đức vẫn cần có sự tham gia của Luật sư để giúp tư vấn, xác định những vấn đề cần giải quyết kịp thời, đúng lúc.

Tóm lại, tôi cho rằng, để “tái định vị” Việt Nam trên trường quốc tế trong giai đoạn sau khủng hoảng Covid-19, chúng ta vẫn rất cần những chính sách thương mại tự do và thân thiện với nhà đầu tư nước ngoài. Đây là những yếu tố rất quan trọng cho sự phục hồi. Các doanh nghiệp Đức sẽ sẵn sàng và nên được thu hút tham gia vào “sân chơi thương mại” này.

Ngoài ra, hướng đi đúng đắn từ Luật Đầu tư mới của Việt Nam có hiệu lực từ tháng 1/2021, kết hợp với động lực từ Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) chắc chắn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư tới từ Đức tới Việt Nam.

Một lần nữa, từ kinh nghiệm bản thân, tôi xin được khuyến nghị, "các bạn hãy quảng bá đất nước Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa tại thị trường Đức!"

GS.TS Andreas Stoffers có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng tại Đức và Việt Nam. Ông là giáo sư về Quản trị kinh doanh và Quản trị quốc tế tại Đại học SDI Munich.

Từ tháng 9/2019, ông trở thành Giám đốc Quốc gia của Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam.

Friedrich Naumann Foundation là một tổ chức phi lợi nhuận của Đức, hoạt động tại Việt Nam từ năm 2012 với mục tiêu thúc đẩy kinh tế thị trường thông qua các dự án hợp tác, đối thoại, hội thảo và trao đổi học thuật giữa Việt Nam và Đức.

(thực hiện)