Tàu của Australia tham gia diễn tập ở Biển Đông. (Nguồn: Getty) |
Phó Thủ tướng Australia Richard Marles mới đây đã phát biểu về việc quốc gia này "không có nguồn lực vô hạn" và sẽ cắt giảm một số dự án quốc phòng để "tối đa hóa khả năng" của đất nước.
Tuy nhiên, Australia được cho là đã nỗ lực cùng Mỹ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại khu vực Biển Đông. Biển Đông vốn là con đường thương mại chính của Australia với châu Á, là nơi mà các nguồn tài nguyên sẽ tiếp tục được vận chuyển đi qua, đồng thời có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Canberra.
Trong nhiều thập niên qua, Australia đã có sự hiện diện đáng kể ở khu vực này. Canberra khẳng định sẽ "tiếp tục củng cố Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 ở Biển Đông như Australia đã và đang làm trên khắp thế giới".
Theo bà Bec Strating, Phó Giáo sư về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học La Trobe (Australia), Canberra và Washington đã phản ứng trước các ý đồ của Bắc Kinh tại Biển Đông thông qua việc “mở rộng sự hiện diện hoạt động bằng cách đưa tàu chiến đi qua Biển Đông một cách hợp pháp, tập trận quân sự chung trong khu vực, tăng cường nỗ lực ngoại giao với các quốc gia ven biển, can dự ngoại giao công chúng và pháp lý - nghĩa là công khai quan điểm của họ về các yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử bên trong ‘Đường 9 đoạn’ phi pháp thông qua các tuyên bố chính thức".
Bà Strating cho rằng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã vạch ra kế hoạch "răn đe tổng hợp" trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, về cơ bản là kế hoạch hợp tác nhiều hơn với các đối tác và đồng minh để hạn chế sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Chuyên gia của Đại học La Trobe nhận định, Thỏa thuận an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) có thể được lấy làm ví dụ về răn đe tổng hợp. Mỹ tiếp tục thực hiện các hoạt động tự do hàng hải (FONOP).
Các tàu hải quân từ các nước trong và ngoài khu vực như châu Âu và Canada sẽ tăng cường sự hiện diện của họ trong khu vực này.
Mối quan tâm lớn đối với Australia là thương mại và đặc biệt là sự phụ thuộc của nước này vào nhiên liệu lỏng được nhập khẩu thông qua các tuyến đường vận chuyển ở Biển Đông.
Theo một nghiên cứu được công bố trên The Guardian, trong những thập niên qua, sự phụ thuộc này đã tăng mạnh, với việc Australia hiện nhập khẩu 90% nhiên liệu tinh chế.