📞

Chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm GS.TS Nguyễn Văn Kính: Chủng virus mới gây Covid-19 lây lan nhanh nhưng độc lực không đổi

16:30 | 29/07/2020
TGVN. Theo chuyên gia, các biến chủng mới gây Covid-19, bao gồm cả chủng vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần chủng SARS-CoV-2 cũ.
GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam. (Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống)

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 ngày 27/7, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài. Dịch có thể bắt đầu từ đầu tháng 7/2020 và cho đến nay, Đà Nẵng đã trải qua 4 chu kỳ lây nhiễm và có thể còn nhiều trường hợp lây nhiễm nữa...

Nhận định về chủng virus mới gây bệnh Covid-19, GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, chủng virus SARS-CoV-2 mới vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần, tuy nhiên độc lực không thay đổi so với chủng cũ.

"Virus SARS-CoV-2 có những biến đổi liên tục trong quá trình lan tràn ra toàn thế giới. Hiện tại, virus này có tới 99 chủng đã được biết, trong đó tại Việt Nam đã ghi nhận 6 chủng.

Các biến chủng mới, bao gồm cả chủng vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần chủng SARS-CoV-2 cũ. Điều này lý giải tại sao gần đây, thế giới ghi nhận tới 1 triệu ca mắc mới trong 3 ngày, trong khi trước đây khoảng 1 tuần mới lên tới con số này.

Tuy nhiên, độc lực của virus chủng mới không tăng lên so với chủng virus ban đầu. Bằng chứng là hiện nay thế giới đã cán mốc hơn 16,8 triệu người mắc Covid-19, nhưng số ca tử vong đang dần được kiểm soát. Việc nắm rõ về tốc độ lây lan, độc lực của chủng SARS-CoV-2 mới sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan bệnh Covid-19 một cách hiệu quả"- GS. Kính phân tích.

Cũng theo Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, trong tình hình mới, chúng ta có thể ghi nhận thêm rất nhiều người nhiễm SARS-CoV-2 nhưng tỷ lệ bệnh nhân diễn biến thành nặng, nguy kịch vẫn chỉ là 5%.

Truy vết, cách ly tất cả từ F0-F3

Ngay từ đầu, Việt Nam đã kiên định 5 nguyên tắc trong phòng chống dịch Covid-19, đó là: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để. Đây là chiến lược không thay đổi.

Chính vì vậy, chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm cho rằng, nếu chúng ta truy vết, cách ly tất cả từ F0 đến F3 thì nguy cơ lây virus ra cộng đồng sẽ khống chế được. Bên cạnh truy vết, cần tạm thời phong tỏa những vùng có nhiều bệnh nhân, thực hiện giãn cách xã hội, tăng cường các hoạt động dự phòng như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên… theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

“Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong giai đoạn đầu dịch bùng phát. Nếu truy vết, phong tỏa tốt các vùng có dịch, tình hình sẽ dần được kiểm soát” - GS. Kính chia sẻ.

Trong bối cảnh hiện nay xuất hiện trở lại các ca lây nhiễm trong cộng đồng, điều này không nằm ngoài dự liệu của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 bởi tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, một số quốc gia phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh gia tăng nhanh chóng, làn sóng thứ nhất, làn sóng thứ 2... Do đó người dân cần bình tĩnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.

Người dân không tin theo "thuốc điều trị Covid-19"

Hiện nay trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin về thuốc điều trị Covid-19, song theo GS. Kính, đây là những thông tin thất thiệt, thông tin không đúng sự thật. Người dân không nên tin theo để mua thuốc và sử dụng, tránh tiền mất tật mang.

Trên thực tế, để được công nhận là thuốc chữa bệnh thì bất kỳ loại thuốc nào cũng phải trải qua 4 giai đoạn và thử nghiệm thuốc trên lâm sàng mới được đưa vào sử dụng:

- Giai đoạn đầu thuốc sẽ được thử nghiệm trên động vật để thử độ độc của thuốc, đánh giá tính an toàn hay không an toàn cho động vật.

- Giai đoạn 2 là thử nghiệm các liều để đánh giá tác dụng của thuốc, liều nào là phù hợp.

- Giai đoạn 3 là thử nghiệm trên người xem xét đáp ứng của cơ thể người như thế nào.

- Giai đoạn cuối là đưa thuốc ra thị trường, tiến hành thương mại hóa, tiếp tục theo dõi tác dụng.

(theo Dương Hải/Báo Sức khỏe và Đời sống)