📞

Chuyên gia IMF cảnh báo về bước ngoặt 'đau đớn' đối với kinh tế toàn cầu do xung đột Nga-Ukraine

Minh Anh 14:33 | 23/06/2024
Ngoài những thiệt hại về người và kinh tế, xung đột Nga-Ukraine còn kéo theo những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, tạo một bước ngoặt "đau đớn" ảnh hưởng đến tương lai thế giới.
Xung đột Nga-Ukraine đang kéo theo những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, tạo một bước ngoặt "đau đớn" ảnh hưởng đến tương lai thế giới. (Nguồn: Foreign Policy)

Kết luận được nêu trong báo cáo của Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Gita Gopinath. Theo đó, quan chức IMF cho rằng, “Xung đột Nga-Ukraine tạo ra một bước ngoặt đối với nền kinh tế toàn cầu. Nó làm tăng áp lực phân mảnh, cũng như tăng chi tiêu quốc phòng, khi các quốc gia đồng loạt nhận thấy phải “tự bảo hiểm” bằng cách tăng cường các biện pháp an ninh kinh tế và an ninh quốc gia”.

Bà Gita Gopinath lưu ý, các biện pháp như vậy giúp các nước thích ứng với thực tế tình trạng xung đột mới. Tuy nhiên, khi so sánh với hàng thập kỷ định hướng hội nhập kinh tế, những biện pháp này “có thể sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu dễ bị sốc hơn do áp lực lạm phát cao hơn, tăng trưởng sản lượng tiềm năng giảm và tài chính công bấp bênh”. Trong đó, nền kinh tế Ukraine phải chịu tác động lớn nhất, Phó giám đốc IMF nhấn mạnh.

Sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhiều nước và các chính sách kinh tế vĩ mô do chính quyền Kiev thực hiện, bao gồm cả các hành động của Ngân hàng quốc gia Ukraine, đã phần nào giúp nền kinh tế Đông Âu này tránh được tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô sâu sắc vốn thường đi kèm với các xung đột ở quy mô này và đáng chú ý là đã giữ cho lạm phát không tăng vọt.

Mặc dù vậy, thiệt hại đối với nền kinh tế Ukraine là rất lớn, với sản lượng thấp hơn khoảng 25% so với mức trước xung đột quân sự và phần lớn vốn dự trữ tiêu tan.

Nền kinh tế Ukraine cần được trợ giúp liên tục để hồi phục. “Hội nghị Phục hồi Ukraine ở Berlin (11-12/6) vừa thảo luận về những cách mà thế giới có thể giúp đỡ, trong đó, IMF sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình", bà Gopinath lưu ý.

Trong khi đó, cuộc xung đột Nga-Ukraine còn gây ra hậu quả trên quy mô toàn cầu, chủ yếu đối với châu Âu và các nước láng giềng trực tiếp của Ukraine ở Trung, Đông và Đông Nam Âu.

Đầu tiên là vấn nạn lạm phát. Xung đột quân sự là một cú sốc lớn về nguồn cung đối với các khu vực nói trên và các nước châu Âu khác phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga. Khi dòng khí đốt từ Nga ngừng chảy vào, giá năng lượng tăng vọt, thúc đẩy lạm phát và gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Sự gián đoạn trong xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine cũng đã góp phần tạo ra lạm phát lương thực và gây thiệt hại nặng nề cho người tiêu dùng.

Thứ hai, tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng, đặc biệt trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19 - khi sức mua của người dân giảm và lạm phát gia tăng, buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

Thứ ba, chi tiêu quốc phòng đã tăng lên và có thể sẽ tiếp tục tăng do các nước đều cho rằng, những thách thức đối với an ninh quốc gia đang gia tăng.

Trên thực tế, không chỉ chi phí trực tiếp do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra rất lớn, cũng không thể bỏ qua những tác động lan tỏa mà nó đang gây ra đối với bối cảnh địa kinh tế và nền kinh tế toàn cầu. Trên thực tế, “tôi cho rằng, chiến dịch quân sự mà Nga tiến hành ở Ukraine đã tạo một bước ngoặt dẫn đến sự phân mảnh kinh tế toàn cầu”, quan chức IMF nói.

Trong một báo cáo trước đó, IMF ước tính, hoạt động của nền kinh tế toàn cầu hiện vẫn cho phép tăng trưởng lên tới 3,2% trong năm nay, bất chấp mọi thách thức hiện có.

Tuy nhiên, nhận định về vấn đề này, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva lưu ý, môi trường toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức và căng thẳng địa chính trị làm tăng nguy cơ phân mảnh nền kinh tế toàn cầu. Theo bà Kristalina Georgieva, hoạt động kinh tế toàn cầu vẫn còn rất yếu so với trước đây.

Đặc biệt lo ngại về sự phân mảnh trong nền kinh tế toàn cầu, ngay từ hồi đầu năm 2024, người phát ngôn của IMF Julie Kozack cũng từng lưu ý một số dấu hiệu ban đầu về chiến lược “giảm rủi ro” và sự phân mảnh trong dữ liệu mà IMF đang xem xét. Theo đó, một số khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang ngày càng chảy vào các quốc gia có liên kết địa chính trị, trong khi các biện pháp hạn chế thương mại có xu hướng tăng lên trong khoảng 5 năm qua.

Theo số liệu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), khoảng 3.000 biện pháp hạn chế thương mại đã được áp dụng vào năm ngoái trên khắp thế giới - gần gấp 3 lần số lượng được áp dụng vào năm 2019. Nếu sự phân mảnh ngày càng sâu sắc, các biện pháp hạn chế thương mại ngày càng nhiều, thế giới có thể rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Theo IMF, trong lúc đánh giá tác động kinh tế của các chiến lược giảm rủi ro của các nền kinh tế, đội ngũ của thể chế tài chính hàng đầu thế giới này đã phát hiện một số chiến lược tiềm ẩn lực cản đối với sự tăng trưởng. Chẳng hạn, GDP toàn cầu có thể giảm 1,8% trong một số trường hợp nhất định, thậm chí trong trường hợp chiến lược giảm rủi ro mang tính cực đoan hơn, GDP toàn cầu có thể giảm tới 4,5%.

Phó Giám đốc điều hành Gita Gopinath cũng từng cảnh báo, thiệt hại có thể lên đến 7% GDP toàn cầu nếu nền kinh tế thế giới chia thành hai khối chủ yếu là Mỹ với châu Âu và Trung Quốc với Nga.

Ngày 12/1, Reuters dẫn dữ liệu của hải quan Trung Quốc cho biết, thương mại hai chiều của Trung Quốc với Nga vào năm 2023 đạt 240 tỷ USD, lập thêm một kỷ lục mới, khi hai nước thúc đẩy quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn ngay cả khi xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn.

Trong khi Nga tăng cường thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ (NDT) cho hàng nhập khẩu trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt, Trung Quốc cũng tăng cường sử dụng đồng NDT để mua hàng hóa của Nga. Dữ liệu hải quan cho thấy, tính theo đồng NDT, giá trị thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Nga đứng ở mức 1,69 nghìn tỷ NDT (235.90 tỷ USD) vào năm ngoái, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm trước.

(theo Ukrinform, IMF)