📞

Chuyên gia lý giải vì sao chính quyền Kabul thất thủ trước Taliban, phác họa Afghanistan hậu chuyển giao quyền lực

Thu Trang 14:00 | 17/08/2021
Trước chiến thắng chóng vánh của lực lượng Taliban ở Afghanistan, TG&VN đã phỏng vấn TS. Phạm Cao Cường, Phó Viện trưởng phụ trách Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về sự kiện này.
Tiến sĩ Phạm Cao Cường, Phó Viện trưởng phụ trách Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Thưa TS. Phạm Cao Cường, nhiều ý kiến nhận định việc Taliban chiếm quyền kiểm soát Kabul trong một thời gian ngắn là điều gây bất ngờ. Ông đánh giá như thế nào về tình hình Afghanistan hiện nay?

Chính quyền Afghanistan bị sụp đổ một cách nhanh chóng đến ngỡ ngàng là một điều mà công luận quốc tế đang mổ xẻ. Câu hỏi đặt ra là quân đội Afghanistan, được Mỹ và nhiều nước phương Tây tài trợ trong nhiều năm qua, vì sao lại sụp đổ trước Taliban một cách nhanh chóng như vậy?

Theo phát biểu của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani trên mạng xã hội ngày 15/8, việc chính phủ Afghanistan do ông cầm quyền rút lui là nhằm tránh sự đổ máu.

Trong khi đó, bản thân Mỹ khi rút quân khỏi Afghanistan dường như cũng không đánh giá sát với tình hình thực tế về chính phủ của ông Ashraf Ghani.

Tôi đánh giá có 4 lý do chính khiến Taliban nhanh chóng nắm quyền kiểm soát Afghanistan.

Thứ nhất, xung đột đã kéo dài quá lâu khiến chính quyền cũng như người dân Afghanistan đã quá mệt mỏi.

Hơn 20 năm, qua 4 đời tổng thống Mỹ, cuộc xung đột tại Afghanistan đã gây tổn thất lớn về người và của.

Ước tính, trên 160.000 người Afghanistan đã thiệt mạng, bao gồm cả dân thường lẫn lực lượng an ninh và Taliban; trên 5.000 lính viễn chinh đồng minh tử trận, 1.000 tỷ USD đã đổ vào cuộc chiến này.

Liên hợp quốc cũng tính toán có khoảng 27 triệu người dân Afghanistan đã phải rời bỏ nhà cửa, đi khỏi đất nước.

Thứ hai, sự quyết tâm của Taliban đã khiến họ trở nên mạnh mẽ và giành chiến thắng.

Xuất phát từ một phong trào nhỏ, sau hơn 20 năm, trải qua thất bại trước liên quân do Mỹ dẫn đầu, Taliban dần chuyển phương thức chiến đấu và thu phục người dân khiến Taliban của ngày hôm nay đã trở thành một lực lượng mạnh mẽ.

Trong thời gian qua, Taliban đã tấn công dồn dập, giành lại quyền kiểm soát ở nhiều khu vực của Afghanistan. Chiến thắng nối tiếp càng giúp cho nhuệ khí chiến đấu của họ gia tăng.

Thứ ba, bản thân chính phủ Afghanistan suy yếu về cả cách điều hành, quản lý lẫn chiến lược không hiệu quả. Điều này dẫn đến sự nản lòng của các binh sĩ quân đội.

Ngoài ra, chính phủ Afghanistan quá dựa dẫm vào Mỹ và không thể triển khai các chiến lược riêng, thực thi vai trò của mình nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân. Bởi vậy, khi mất đi chỗ dựa, chính phủ ngay lập tức thất bại và đầu hàng một cách nhanh chóng.

Thứ tư, bản thân người dân nơi đây đã quá mệt mỏi, chán ghét với xung đột và chiến tranh. Người dân cảm nhận được rằng chính quyền Afghanistan hiện nay không đem lại được một nền hòa bình, một cuộc sống ổn định cho họ.

Điều đó cũng lý giải vì sao phong trào đấu tranh chống Taliban gần như không có.

Với những lý do trên, việc chính phủ Afghanistan sụp đổ một cách nhanh chóng trước Taliban là điều có thể hiểu được.

Vậy bên nào bất ngờ nhất với cục diện ở Afghanistan ngày hôm nay, thưa ông?

Theo tôi, sự bất ngờ đến từ Mỹ là nhiều hơn vì trước khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul, Mỹ từng đưa ra một báo cáo cho rằng chính quyền Afghanistan có thể duy trì được sự tồn tại của mình ít nhất từ 4-5 tháng.

Chắc hẳn Nhà Trắng không ngờ được rằng sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan diễn ra một cách chóng vánh như vậy.

Có thể nói, trước đây liên quân do Mỹ dẫn đầu thắng Taliban ở Afghanistan vào cuối năm 2001 nhanh chóng đến ngỡ ngàng như thế nào thì chính quyền Afghanistan hiện tại sụp đổ cũng như vậy.

Và có lẽ, sự ngạc nhiên này không chỉ đối với riêng Mỹ mà đối với cả cộng đồng quốc tế.

Không ai có thể nghĩ rằng quân đội Afghanistan đã được Mỹ huấn luyện bao công sức và rót bao tiền của như vậy lại có thể thua Taliban một cách dễ dàng và nhanh chóng đến thế.

Hàng chục chiến binh Taliban chiếm quyền kiểm soát Phủ Tổng thống Afghanistan, tối 15/8. (Nguồn: AP)

Theo ông, câu chuyện chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra theo hướng nào?

Hiện nay đang có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề chuyển giao quyền lực.

Theo truyền thông quốc tế dự báo trước đó, việc chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra thông qua chính phủ lâm thời do cựu Bộ trưởng Nội vụ Ali Ahmad Jalali lãnh đạo.

Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi Afghanistan, Taliban đã nhanh chóng chiếm quyền kiểm soát Phủ Tổng thống, đồng thời tuyên bố không nhất thiết phải chuyển giao qua chính phủ lâm thời và hy vọng về một cuộc chuyển giao quyền lực hoàn toàn.

Dựa vào thực tế hiện nay, khi Taliban đã giành kiểm soát hoàn toàn Kabul, thì việc thỏa thuận với chính phủ hiện tại có lẽ đã không còn cần thiết.

Tuy nhiên, thành phần của chính phủ mới như thế nào vẫn còn là một ẩn số.

Chắc chắn rằng, nhiều thủ lĩnh thuộc Taliban sẽ đảm nhiệm những vị trí chủ chốt trong chính quyền mới nhưng Taliban cũng tuyên bố rằng họ sẽ dành chỗ cho cả những người không thuộc Taliban tham gia.

Một chính phủ với sự tham gia của nhiều thành phần sẽ giúp Taliban có được sự công nhận của cộng đồng quốc tế, sự ủng hộ rộng rãi của người dân Afghanistan.

Tuy nhiên, sự công nhận của cộng đồng quốc tế là một thách thức không nhỏ đối với Taliban. Hiện cộng đồng quốc tế đang khá thận trọng trước tình hình ở Afghanistan.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken đã tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì lệnh cấm vận về chính trị, kinh tế nếu Taliban vi phạm nhân quyền.

Những rối ren tại Afghanistan sẽ tác động như thế nào đến tình hình khu vực và thế giới?

Tình hình Afghanistan hiện nay đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại nhiều vấn đề, nhất là sự trỗi dậy trở lại của chủ nghĩa khủng bố.

Trong một tuyên bố, Taliban cho biết sẽ thành lập một Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, thể chế cũ mà Taliban duy trì từ năm 1996-2001 khi bị lật đổ.

Tuyên bố này khiến cộng đồng quốc tế và ngay cả người dân Afghanistan nghi ngại rằng với thể chế này, quốc gia Nam Á sẽ quay trở lại tình trạng trước năm 2001 và Taliban sẽ duy trì đạo luật Sharia hà khắc với nhiều điều luật vi phạm quyền cơ bản của con người (cấm phụ nữ tham gia vào hoạt động xã hội, không cho phép trẻ em gái đi học...).

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng lo ngại rằng Afghanistan sẽ trở thành nơi dung dưỡng lực lượng khủng bố như al-Qaeda, hay ISIS (Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria).

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 15/8, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh: "Điều quan trọng nhất là phương Tây nên làm việc cùng nhau để đạt đồng thuận với chính phủ mới, dù là của Taliban hay bất cứ thế lực nào, để bày tỏ mong muốn rằng không ai muốn Afghanistan một lần nữa trở thành nơi sinh sôi của khủng bố".

Nhìn vào bài học Iraq, sau khi Mỹ rút quân khỏi nước này năm 2011, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã trỗi dậy và chiếm một phần lãnh thổ rộng lớn ở phía Bắc nước này. Từ đó, Iraq đã trở thành nước “xuất khẩu” khủng bố ra nhiều khu vực, bao gồm cả Đông Nam Á.

Chính vì vậy, cộng đồng quốc tế và các quốc gia chung biên giới với Afghanistan rất lo ngại lịch sử ở Iraq sẽ lặp lại, gây ảnh hưởng xấu tới an ninh khu vực cũng như thế giới.

Nằm trong thỏa thuận năm ngoái với Mỹ, Taliban từng cam kết không cho phép hoạt động đào tạo, gây quỹ hoặc tuyển quân những kẻ khủng bố, trong đó có cả Al-Qaeda, có thể đe dọa an ninh của Mỹ cùng các đồng minh.

Các nước có chung đường biên giới với Afghanistan như Nga, Trung Quốc, Iran, Pakistan cũng đã có những kênh tiếp xúc với Taliban nhằm thỏa thuận, bảo đảm rằng chủ nghĩa khủng bố sẽ không quay trở lại Afghanistan, gây mất ổn định an ninh khu vực, cũng như toàn thế giới.

Dưới thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump, vấn đề chống khủng bố không được coi là ưu tiên hàng đầu, nhưng với sự nắm quyền trở lại của Taliban tại Afghanistan, biết đâu được cuộc chiến chống khủng bố quốc tế có thể lại quay trở lại với chính quyền của Tổng thống Joe Biden.

Vì những lý do đó, Mỹ và các quốc gia trong khu vực rất thận trọng theo dõi tình hình tại Afghanistan hiện nay.

Máy bay trực thăng Chinook của quân đội Mỹ bay qua Kabul, Afghanistan, ngày 15/8. (Nguồn: Reuters)

Hậu rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ sẽ có phản ứng và động thái gì?

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Antony Blinken đã nhấn mạnh sứ mệnh của Mỹ ở Afghanistan đã kết thúc và ở lại đây mãi không có lợi cho nước Mỹ.

Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan đã được các đời tổng thống Mỹ trước tính toán từ lâu nhưng chưa thể thực hiện vì chịu nhiều sức ép về tính toán chiến lược.

Rõ ràng, cuộc chiến kéo dài 20 năm ở Afghanistan đã tiêu tốn của Mỹ không ít tiền của, trong khi người dân Mỹ đã quá chán nản đối với hình ảnh của Mỹ ở Afghanistan.

Vì vậy, việc Mỹ rút quân khỏi quốc gia Nam Á là điều không sớm thì muộn và diễn biến xảy ra vừa qua ở đây cũng là lựa chọn không mong muốn.

Những gì xảy ra ở Afghanistan có lẽ đã được Mỹ dự báo trước nhưng điều ngạc nhiên là sự sụp đổ quá nhanh chóng của chính quyền nước này.

Hậu rút quân, Mỹ có lẽ sẽ tiếp tục những chương trình hỗ trợ cho Afghanistan nhằm khôi phục kinh tế, tái thiết đất nước…

Có một điều chắc chắn rằng, quan hệ Mỹ- Afghanistan vẫn sẽ tiếp tục cho dù ai lên nắm quyền ở Kabul đi chăng nữa.

Bởi sau khi Mỹ rút quân, Afghanistan dường như đang trở thành một khoảng trống quyền lực, nơi để các quốc gia tận dụng cơ hội nâng cao ảnh hưởng của mình.

Điều này sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của Washington nên dù có rút quân thì Mỹ cũng khó có thể “buông tay” Afghanistan mà sẽ quan hệ theo một hình thức khác, trong đó vẫn tạo ảnh hưởng ở khu vực này.

Đơn giản bởi không có cớ gì khiến Mỹ buông bỏ một mối quan hệ mà họ đã phải hao tổn nhiều tâm sức, tiền của, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh lợi ích Mỹ-Trung, Mỹ-Nga ở khu vực này đang ngày càng gay gắt.

Làn sóng người dân Afghanistan đang tìm cách tháo chạy khỏi đất nước, hình ảnh tại Cổng Hữu nghị ở thị trấn biên giới Pakistan-Afghanistan của Chaman, Pakistan ngày 15/8. (Nguồn: Reuters)

Nhân đạo tại Afghanistan là một trong những vấn đề mà cộng động quốc tế quan tâm hậu chuyển giao quyền lực. Liệu tiếp theo đây sẽ là một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới ở Afghanistan?

Những hình ảnh thời sự ở Afghanistan cho thấy hiện nay, một làn sóng người dân nước này đã đổ xô ra sân bay để tìm cách tháo chạy khỏi đất nước. Đây là tâm lý chung của người dân Afghanistan khi biết rằng Taliban đã nắm quyền kiểm soát Kabul.

Ấn tượng về Taliban trong quá khứ khiến cho người dân lo ngại về một thảm họa nhân đạo có thể xảy ra với họ.

Tuy nhiên, ngay khi kiểm soát được thủ đô Kabul, lãnh đạo Taliban đã ra tuyên bố trấn an người dân và cam kết bảo đảm an toàn cho họ, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Vấn đề bảo đảm quyền con người cho phụ nữ và trẻ em tại Afghanistan cũng là điều mà Liên hợp quốc quan tâm ở thời điểm hiện tại.

Ngày 15/8, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Taliban và các bên kiềm chế để bảo vệ sinh mạng người dân, đồng thời bày tỏ quan ngại về tương lai của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan.

Trong khi đó, Đại sứ Liên hợp quốc tại Afghanistan Ghulam Isaczai cũng nhấn mạnh rằng: “Liên hợp quốc quyết tâm đóng góp vào việc thiết lập hòa bình, thúc đẩy nhân quyền của tất cả người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời hỗ trợ nhân đạo cho dân thường đang gặp khó khăn”.

Việc quyền con người tại Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, có được bảo đảm hay không là một câu hỏi chưa ai có thể trả lời ngay tại thời điểm này.

Tuy nhiên, với nhiều cam kết mang tính ôn hòa khi nắm quyền kiểm soát Afghanistan của Taliban cùng sự quan tâm, sát sao của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, hy vọng rằng một thảm họa nhân đạo sẽ không xảy ra với người dân Afghanistan, vốn đã phải chịu quá nhiều tổn hại vì xung đột trong suốt hơn 20 năm qua.

Xin cảm ơn ông!