Hội thảo "Nga và Việt Nam: 30 năm Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị", ngày 18/6 tại trụ sở Viện Phương Đông học, Viện Hàn lâm khoa học Nga. |
Kinh tế là nền tảng cho quan hệ vững chắc Việt Nam-Nga
Chia sẻ tại Hội thảo "Nga và Việt Nam: 30 năm Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị" ngày 18/6 được tổ chức ngay trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin, các chuyên gia đánh giá, Hiệp ước đã phát huy hiệu quả ngay từ sau khi được ký kết.
Việt Nam và Nga trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam cũng là nước đầu tiên ngoài khu vực ký Thoả thuận thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) mà Nga là đầu tàu. Quan hệ chính trị tốt đẹp, lãnh đạo cấp cao duy trì tiếp xúc thường xuyên, giữa hai nước luôn có sự đoàn kết nhất trí và tương đồng tại nhiều diễn đàn, thiện cảm giữa nhân dân hai nước tiếp nối truyền thống tốt đẹp từ thời Liên Xô.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hợp tác kinh tế vẫn chưa xứng tầm với quan hệ giữa hai bên, đặc biệt trong thời gian gần đây. So sánh kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước đối tác, các tổ chức đối tác để với kim ngạch Việt Nam-EAEU, Việt Nam-Nga, dù rất nhiều hàng hoá được hưởng thuế suất nhập khẩu bằng 0 song kết quả trao đổi hàng hoá không phải là con số đáng khích lệ.
Nguyên nhân khách quan gần đây mà các chuyên gia chỉ ra tại Hội thảo là khó khăn trong hoạt động thanh toán cũng như không có đường bay thẳng giữa hai nước. Đó cũng là một nhiệm vụ cần được giải quyết sớm và hy vọng trong chuyến thăm của Tổng thống Putin, hai bên sẽ tìm ra được cơ chế hiệu quả để giải quyết vấn đề này.
Theo nhận định của các chuyên gia, kinh tế sẽ là nội dung chủ đạo trong chương trình nghị sự của chuyến thăm và điều này được các chuyên gia đánh giá hết sức tích cực.
GS, TS, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Australia và châu Đại dương Viện Hàn lâm khoa học Nga Dmitry Mosyakov cũng cho rằng, với chuyến thăm cấp cao nhất của nhà lãnh đạo Nga tới Việt Nam, hai nước đang đứng trước một kỳ khởi sắc mới trong quan hệ.
Về những khó khăn đang cản trở hiệu quả hợp tác kinh tế, giáo sư Mosyakov cho rằng, các vấn đề đã được nhận diện, cả hai bên đều hiểu rõ tầm quan trọng phải giải quyết những khó khăn này, vì vậy ông tin tưởng chuyến thăm sẽ giúp tháo gỡ tất cả những rào cản và sau đó sẽ là sự hồi phục rất nhanh chóng quan hệ kinh tế.
Điểm sáng hợp tác dầu khí
Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), quan hệ kinh tế Việt Nam-Nga không chỉ được phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực mà còn đi vào chiều sâu, thực chất.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh. (Nguồn: VnEconomy) |
"Về kinh tế, Liên Xô trước đây và nay là Nga là đối tác duy nhất hợp tác với Việt Nam để thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi. Lĩnh vực vô cùng quan trọng vừa có lợi ích kinh tế, vừa gắn với bảo vệ lợi ích quốc gia, lãnh thổ trên biển Đông", ông Doanh nhấn mạnh.
Ông cho rằng, hiếm có mối quan hệ nào trên thế giới về hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí đặc biệt như Việt Nam-Nga với chặng đường 40 năm luôn phát triển mạnh mẽ. Nhờ hợp tác cùng Nga trong xây dựng và phát triển ngành khai thác và lọc hóa dầu, chúng ta đã từng bước tự chủ trong xây dựng giàn khoan, tự chủ vận hành, điều hành một số nhà máy lọc dầu trong nước.
Chuyên gia Lê Đăng Doanh nhận định, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nga đang gặp thử thách lớn trước diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, an ninh phi truyền thống, từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, quan hệ giữa Moscow và phương Tây…
"Song với tinh thần Việt Nam luôn muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, chúng ta có quyền tin tưởng mối quan hệ hợp tác với Nga sẽ tiếp tục được phát triển vì lợi ích hai nước và vì hòa bình, tiến bộ", ông Doanh nhìn nhận.
Việt Nam - cầu nối giữa ASEAN và Nga
Tại Diễn đàn "Hợp tác kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi với Liên bang Nga trong bối cảnh mới: Vấn đề và triển vọng” do Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Nga tổ chức mới đây, các chuyên gia cho biết, từ năm 2016-2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Nga đã tăng gấp đôi về trị giá, đạt 5,5 tỷ USD vào năm 2021, tương ứng tăng trưởng bình quân 15%/năm.
Trong quá trình chuyển đổi của hệ thống kinh tế toàn cầu hiện nay, Nga đặc biệt quan tâm đến việc tạo ra các động lực bổ sung để tăng cường và đa dạng hóa thương mại, cũng như hợp tác kinh tế với ASEAN. Các ưu tiên bao gồm: đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng, kinh tế tuần hoàn, vấn đề môi trường, số hóa kinh tế, phát triển thành phố thông minh và tăng cường hợp tác trong khoa học, giáo dục.
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Nga đã tăng gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2016-2021. (Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư) |
Từ đó, các chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga; đúc kết kinh nghiệm của các nước ASEAN và các nền kinh tế mới nổi trong hợp tác với Nga.
Bên cạnh đó, khẳng định vai trò của Việt Nam là cầu nối hợp tác giữa ASEAN, các nền kinh tế mới nổi và Nga, nâng cao khả năng phối hợp với các quốc gia ASEAN, các nền kinh tế mới nổi nhằm hoàn thiện cơ chế và nâng cao hiệu quả hợp tác với Nga trong bối cảnh mới.