📞

Chuyên gia Malaysia khuyến nghị thúc đẩy Kinh tế Xanh ở Biển Đông

LÊ VY 14:13 | 20/11/2020
TGVN. Ông Ang Chin Hup, chuyên viên nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Hàng hải Malaysia (MIMA) cho rằng sáng kiến Kinh tế Xanh của Hiệp hội vành đai Ấn Độ Dương (IORA) có thể là mô hình cho các quốc gia ven Biển Đông tham khảo.

Phát biểu tại phiên thảo luận thứ 8 với chủ đề "Phát triển hàng hải bền vững: Sức mạnh tương lai của đại dương" trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đồng tổ chức trong hai ngày 16-17/11, ông Ang Chin Hup, chuyên viên nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Hàng hải Malaysia (MIMA) cho rằng sáng kiến Kinh tế Xanh của IORA có thể là mô hình cho các quốc gia ven Biển Đông tham khảo.

IORA được thành lập năm 1997, hiện có 22 thành viên bao quanh đại dương lớn thứ 3 thế giới, trong đó nổi bật là vai trò và vị thế của Ấn Độ, Australia, Indonesia và Nam Phi.

Lợi thế Kinh tế Xanh

Với mục tiêu tăng cường hợp tác khu vực hướng tới một Ấn Độ Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng, các nước thành viên IORA đã xây dựng và triển khai kế hoạch thúc đẩy Kinh tế Xanh.

Trong bài tham luận tại Hội thảo, chuyên gia Ang Chin Hup chỉ rõ, để thúc đẩy Kinh tế Xanh, IORA đã vạch ra 4 lĩnh vực trọng tâm gồm đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; cảng và vận tải biển; năng lượng đại dương tái tạo; và hydrocacbon ngoài khơi và khoáng sản đáy biển.

Chuyên gia Malaysia Ang Chin Hup khuyến nghị thúc đẩy Kinh tế Xanh ở Biển Đông. (Nguồn:Mima)

Theo kế hoạch mà IORA đề ra, mỗi quốc gia thành viên với hoàn cảnh địa lý và chính trị, trình độ chuyên môn, tiến bộ công nghệ khác nhau nhưng đều cam kết thực hiện 4 lĩnh vực trọng tâm bằng cách xây dựng và thực hiện các kế hoạch hành động của IORA thông qua các chiến lược Kinh tế Xanh quốc gia của mình.

Theo chuyên gia Ang Chin Hup, các quốc gia ven Biển Đông cũng phải đối mặt với các thách thức tương tự như các quốc gia ven biển ở Ấn Độ Dương khi đều phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên sinh vật và phi sinh vật ở biển cả để cung cấp lương thực, thương mại, vận tải và an ninh.

Về mặt địa lý, cả hai vùng đều nằm trong tuyến giao thông hàng hải quan trọng nhất và đa dạng sinh học cùng các nguồn tài nguyên hàng hải phong phú như trữ lượng dầu, khí đốt tự nhiên và nghề cá.

Tuy nhiên, theo ông Ang Chin Hup, trong khi Ấn Độ dương có IORA thì Biển Đông thiếu một cơ quan quản lý tài nguyên khu vực để thúc đẩy sự phát triển chung của các nguồn tài nguyên thông qua Kinh tế Xanh. Ông Ang Chin Hup khuyến nghị, các quốc gia ven Biển Đông có thể tham khảo mô hình của IORA để triển khai ở Biển Đông.

Đồng bộ hóa các sáng kiến

Liên quan đến các vấn đề đánh bắt cá, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, và phát triển kinh tế biển bền vững, các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 cho rằng đây là những lĩnh vực cần được các nước quan tâm chú ý do đây là các lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng, có hiệu quả thực tiễn, cho thấy thiện chí hợp tác của các nước nhằm làm giảm căng thẳng, đóng góp vào quá trình xây dựng lòng tin tại khu vực.

Đồng thời, hợp tác trong các lĩnh vực trên cũng góp phần đáp ứng lợi ích chung của người dân các nước khu vực về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…

Tuy nhiên, khi đi vào thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực nói trên, các đại biểu cho biết họ gặp phải nhiều khó khăn khi đề xuất các dự án trên thực địa, đồng thời xuất hiện nhiều yếu tố nhạy cảm trong tiến trình hợp tác như vị trí địa lý, cơ chế tổ chức, tài chính và nhân sự v.v.

Ngoài ra, gần đây một số nước đối tác của ASEAN cũng đề xuất các ý tưởng, sáng kiến hợp tác “kinh tế biển xanh” với ASEAN, do đó khó tránh khỏi chồng chéo và phức tạp giữa các sáng kiến này.