Số người nhiễm Covid-19 tăng chóng mặt khiến hệ thống y tế của Nga quá tải và sụp đổ. (Nguồn: Reuters) |
Thực tế là rất ít chính phủ thành công trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh đã phơi bày tình trạng yếu kém của hệ thống y tế Nga do thiếu kinh phí, những cải cách không hoàn chỉnh, những nỗ lực sai lầm trong việc thay thế thuốc men và vật tư y tế nhập khẩu bằng các sản phẩm trong nước.
Dù chính quyền Tổng thống Putin đã bắt đầu cải tổ hệ thống y tế, tăng số lượng các bác sỹ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tăng tiền lương và chất lượng đào tạo… nhưng theo Giáo sư Judy Twigg thuộc Đại học Khối thịnh vượng Virginia (Mỹ), nhiều cải cách đã không được thực hiện theo kế hoạch.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh lan nhanh trên toàn cầu, rõ ràng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga đã không phát huy hiệu quả. Chính phủ Nga đã nhanh chóng nhận ra mối đe dọa quốc tế này và đóng cửa biên giới với Trung Quốc hồi tháng 1, nhưng lại chậm chạp đánh giá rủi ro lây nhiễm trong nước.
Số người nhiễm gia tăng chóng mặt khiến hệ thống y tế của Nga nhanh chóng quá tải và sụp đổ. Hiện Nga có hơn 400 điểm nóng Covid-19 liên quan đến các bệnh viện và hàng nghìn nhân viên y tế đã mắc bệnh.
Nga có 42.000 máy thở khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, gấp nhiều lần so với nguồn cung của Anh, nhưng 1/4 lại tập trung ở thủ đô Moscow. Hệ thống y tế tại các địa phương gần như bị bỏ quên. Sự tăng đột biến ca nhiễm ở Komi, nằm ở phía Bắc xa xôi, đã cho thấy tình hình trở nên tồi tệ như thế nào.
Đầu tháng 4, một bác sỹ bị ốm nhưng vẫn tiếp tục làm việc trong bệnh viện, khiến hàng chục người bị nhiễm virus. Tỉnh rộng lớn với dân cư thưa thớt này nhanh chóng trở thành một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tại thành phố lớn Yekaterinburg, một y tá khác đã lây nhiễm cho 78 người trong bệnh viện. Trong khi đó, phía Nam vùng Dagestan nghèo đói đang nổi lên như một “điểm nóng”.
Tương lai có vẻ khá ảm đạm với nước Nga khi suy thoái kinh tế trong năm nay được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ khi Liên Xô tan rã, đặc biệt là trong bối cảnh các lệnh phong tỏa diễn ra trùng với thời điểm giá dầu giảm mạnh.