📞

Chuyên gia nêu giải pháp sử dụng mạng xã hội để quảng bá phim hiệu quả

Minh Ngọc 17:38 | 15/03/2024
Với lĩnh vực giải trí-phim ảnh, mạng xã hội ngày càng chứng tỏ là một kênh quảng bá tích cực và hiệu quả cho các dự án phim mới.

Kênh thu hút người xem

Nói về vai trò thiết yếu của mạng xã hội trong việc quảng bá phim, TS. Nguyễn Văn Thăng Long, giảng viên cấp cao Khoa Truyền thông và Thiết kế từ Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng các nội dung thảo luận và chia sẻ về phim trên mạng xã hội thường dễ thu hút người hâm mộ bởi bốn lý do chính:

Thứ nhất, với thói quen “ăn ngủ” trên mạng xã hội, khán giả tiềm năng thường cập nhật thông tin về hoạt động hằng ngày, các xu hướng và thảo luận qua những nền tảng này. Họ chủ động tìm kiếm thông tin về sản phẩm, dịch vụ liên quan. 

Với tâm lý sợ bị bỏ lỡ (FOMO), thành viên các cộng đồng mạng nắm bắt rất nhanh những xu hướng về phim ảnh, giải trí được chia sẻ.

Các câu hỏi như “Phim gì vậy?” hay “Bạn xem chưa?” diễn ra thường xuyên, khiến người dùng khó bỏ lỡ thông tin về bộ phim đang nổi.

Thứ hai, trên trang cá nhân, bên cạnh bài chia sẻ của bạn bè, người thân, các hội nhóm khác nhau, còn có chia sẻ của nghệ sĩ, người dẫn dắt dư luận chủ chốt (KOL), thường lan tỏa nội dung về các bộ phim sắp chiếu.

Điều này giúp người xem luôn được cập nhật thông tin chi tiết về phim, gồm cả chuyện hậu trường, dàn diễn viên có mặt trong phim và chân dung nhân vật, khiến cho mức độ hiện diện của bộ phim gia tăng.

TS. Nguyễn Văn Thăng Long, giảng viên cấp cao Khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam.

Thứ ba, mặt bằng mạng xã hội hiện tại bao gồm đa nền tảng, như TikTok, Facebook, YouTube, Instagram...

Do đó, tần suất xuất hiện các nội dung phong phú về phim sẽ tăng lên, dẫn đến sự bùng nổ về định dạng nội dung từ cập nhật, hình ảnh, cho đến các video cả dạng ngắn và dài.

Thêm vào đó, bình luận và nhận xét khác nhau trên các nền tảng khác nhau cũng sẽ khơi gợi hứng thú và tò mò, khiến người xem khó cưỡng được và buộc phải đến rạp.

Thứ tư, mạng xã hội, đặc biệt với thế hệ Z, là phương tiện chính để kết nối và trao đổi với gia đình, bạn bè, người thân và các hội nhóm có cùng sở thích trên mạng xã hội về các chủ đề mà họ quan tâm như giải trí và phim ảnh.

Là nguồn thông tin chủ yếu của giới trẻ, mạng xã hội không chỉ tạo điều kiện phổ biến các nội dung giải trí, mà còn cho họ nền tảng để chia sẻ trải nghiệm cá nhân và ý kiến với người xung quanh.

Cũng theo TS. Nguyễn Văn Thăng Long, đối với các nhà phát hành phim, mạng xã hội nổi lên như một công cụ quảng bá phim đặc biệt hiệu quả hơn nhiều so với các kênh truyền thống.

Tuy nhiên, họ phải đầu tư nhiều thời gian, công sức và kinh phí hơn để có nội dung đa dạng theo từng giai đoạn sản xuất và quảng bá khác nhau.

Điều này bao gồm việc hiệu chỉnh nội dung cho các nền tảng mạng xã hội và phù hợp với định hướng của KOL thuộc các lĩnh vực khác nhau.

Cảnh giác trước nguy cơ biến thành "rác phẩm”

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Thăng Long cho rằng, dù có nhiều tiềm năng, việc tận dụng mạng xã hội để quảng bá phim không phải lúc nào cũng có thể kéo khán giả tới rạp. Nguy cơ lan truyền nhanh chóng tin giả và thông tin sai lệch về bộ phim là mặt trái đáng để tâm của mạng xã hôi.

Ông nhấn mạnh: “Không kiểm soát được thông tin chia sẻ hay chậm trễ trong hiệu đính thông tin sai lệch có thể ảnh hưởng trầm trọng lên tiếng tăm của bộ phim, khiến một tác phẩm nhìn chung có chất lượng tốt biến thành "rác phẩm” do bị cộng đồng mạng “soi” một số tiểu tiết trong đó.

Những lùm xùm xung quanh bộ phim Đất rừng Phương Nam gần đây là ví dụ. Những thách thức như vậy ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu phim, khiến các nhà sản xuất phim thua lỗ nặng và làm cho điện ảnh nước nhà càng trở nên lép vế với điện ảnh phương Tây”.

Từ góc độ vĩ mô, ông cho rằng các cơ quan quản lý điện ảnh Việt Nam cần xem xét lại ngân sách chi tiêu dành cho việc quảng bá các bộ phim nhà nước.

Rất nhiều tác phẩm điện ảnh về lịch sử Việt Nam có chất lượng tốt, nhưng thường sẽ không có kinh phí cho việc quảng bá, hoặc nếu có thì chủ yếu qua các kênh truyền thông báo chí truyền thống”.

Tận dụng mạng xã hội hiệu quả sẽ kéo được khán giả tới rạp. (Nguồn: Freepik).

Theo ông, qua thành công nhờ sự lan truyền trên mạng xã hội của bộ phim Đào, phở và piano, các cơ quan quản lý điện ảnh nên điều chỉnh về phân bổ kinh phí.

Ngoài chi phí sản xuất, các phim do nhà nước đặt hàng nên dành nhiều kinh phí hơn cho việc quảng bá, đặc biệt qua các kênh mạng xã hội.

Ông cho biết thêm: “Ngoài ra, hạn chế trong việc phát hành ở hệ thống rạp chiếu tư nhân cũng khiến các bộ phim nhà nước càng khó tiếp cận với khán giả, đặc biệt với giới trẻ vốn đã quen với việc tìm kiếm phim mới qua mạng xã hội và đến các rạp tư nhân.

Việc bỏ qua kênh quảng bá, hợp tác với các KOL, hay những nơi trình chiếu phổ biến cũng là một thiệt thòi cho các tác phẩm điện ảnh chất lượng của nhà nước trong việc tiếp cận khán giả trẻ".