📞

Chuyên gia Nga giải mã lý do Nhật Bản can dự vào vấn đề Biển Đông

Thế Linh 17:15 | 23/01/2021
TGVN. Việc Nhật Bản can thiệp vào vấn đề Biển Đông có thể khiến quan hệ với Trung Quốc bị ảnh hưởng, nhưng sẽ không dẫn đến thụt lùi quan hệ.

Theo các chuyên gia được đài Sputnik của Nga phỏng vấn, một trong những nguyên nhân khiến Nhật Bản gia tăng sức ép lên Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là ý muốn thể hiện lòng trung thành với chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden và củng cố vị thế của Tokyo trong nhóm Bộ Tứ - hạt nhân của tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Ngày 19/1, Phái đoàn thường trực Nhật Bản tại Liên hợp quốc gửi công hàm đến Tổng thư ký Liên hợp quốc nhằm phản đối công hàm số CML63/2020 của Trung Quốc về việc vẽ đường cơ sở thẳng bao quanh các cấu trúc trên Biển Đông. (Nguồn: Getty)

Trong những năm gần đây, tại các hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Nhật Bản đã ủng hộ lập trường của các đối tác phương Tây lên án chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trước đó, Tokyo cũng đã kêu gọi Bắc Kinh công nhận phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye.

Trong tuần này, Nhật Bản đã sử dụng diễn đàn Liên hợp quốc (LHQ) để thu hút sự chú ý đến vấn đề Biển Đông.

Tờ SCMP đưa tin, ngày 19/1, phái đoàn thường trực của Nhật Bản tại LHQ đã gửi công hàm tới Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, cáo buộc Trung Quốc vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển ở vùng Biển Đông. Trong phần ghi chú, Nhật Bản cũng cáo buộc Trung Quốc hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Nhật Bản và một số nước trong khu vực sẽ tìm cách kéo chính quyền của ông Biden về phía họ để giải quyết các vấn đề của họ.

Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia Vladimir Evseev của Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga (RISI) lưu ý đến khía cạnh này khi bình luận về việc Nhật Bản can dự vào tranh chấp tại Biển Đông.

Chuyên gia này nói: "Đối với Nhật Bản, việc triển khai chính sách chống Trung Quốc là cực kỳ quan trọng, đó là lý do tại sao nước này nhắc nhở về mối đe dọa từ Bắc Kinh trong bức công hàm gửi lên LHQ".

Các đồng minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, không chỉ Nhật Bản mà cả Hàn Quốc, đều có những vấn đề nghiêm trọng với Trung Quốc. Một số đối tác của Mỹ trong khu vực Biển Đông cũng gặp phải những vấn đề tương tự.

Do đó, hiện nay, các đồng minh của Washington ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ ngày càng tích cực đề cập vấn đề Trung Quốc nhằm biến chủ đề này thành một ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền ông Biden, gia tăng sức ép của Mỹ đối với Trung Quốc nhằm giúp họ giải quyết các vấn đề với nước này.

Chuyên gia Evseev viện dẫn, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã theo đuổi chính sách khá cứng rắn nhằm gây sức ép không chỉ với Trung Quốc mà còn với các đồng minh trong khu vực. Những nước này đã phàn nàn rằng ông Trump không tính đến lợi ích của các đồng minh.

Giờ đây, những nước này sẽ cố gắng thuyết phục ông Biden và các thành viên trong chính quyền mới rằng Washington nên ủng hộ tích cực các chính sách của họ để tăng cường quan hệ đồng minh.

Để làm được như vậy, các nước đồng minh phải thể hiện sự trung thành với Mỹ, kể cả trong việc kiềm chế Trung Quốc. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ vì quan hệ Mỹ-Trung xấu đi có thể tạo ra nhiều vấn đề cho người Mỹ. Do đó, chính quyền của ông Biden sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn.

Nhật Bản có thể chọn lựa giữa kinh nghiệm của mình và kinh nghiệm của Australia trong việc xây dựng quan hệ với Trung Quốc, ông Evseev nhận định.

Trong khi đó, Tokyo vẫn nhất quán phát triển quan hệ kinh tế và thương mại với Bắc Kinh bất chấp tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông và những bất đồng lịch sử.

Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là đối tác thương mại chính của nhau trong khu vực và đang cố gắng sử dụng một cách khôn ngoan thành quả này để hình thành các mối quan hệ chính trị ổn định.

(theo Sputnik)