📞

Chuyên gia Nhật Bản đánh giá về việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP

Lan Phương 20:15 | 19/10/2021
Nhóm 11 quốc gia trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) phản ứng trước việc Trung Quốc nộp đơn gia nhập sẽ có ý nghĩa chiến lược to lớn không chỉ đối với khu vực mà còn đối với toàn thế giới. Bình luận viên Hiroyuki Akita của tờ Nikkei Asia đã có những nhận định về vấn đề này.
Trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) nhận thấy CPTPP sẽ đem lại cơ hội củng cố vị thế cho Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Joe Biden lại tỏ ra lưỡng lự khi tham gia hiệp ước thương mại này. (Nguồn: AP)

Ngày 16/9, Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Chỉ không đầy một tuần sau, ngày 22/9, Đài Loan (Trung Quốc) cũng có động thái tương tự.

CPTPP không chỉ là một khuôn khổ kinh tế đơn thuần nhằm thiết lập các điều khoản mới về thương mại và kinh doanh giữa các quốc gia thành viên.

Ban đầu, hiệp định này nhằm thiết lập các quy tắc minh bạch cao cho các luồng dữ liệu và thương mại trong khối do các quốc gia như Mỹ và Nhật Bản dẫn đầu và nhằm gây áp lực lên Trung Quốc. Nhưng số phận của hiệp định thương mại trên đã thay đổi đáng kể khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền và quyết định rút khỏi thỏa thuận thương mại.

Do đó, 11 quốc gia đã ký CPTPP mà không có nền kinh tế lớn nhất thế giới, và hiệp định có hiệu lực vào cuối năm 2018. Người kế nhiệm của ông Trump là ông Joe Biden được cho là cũng không sẵn sàng thúc đẩy Washington quay trở lại hiệp ước.

Phản ứng nhiều chiều từ các nước thành viên

Các quốc gia thành viên CPTPP nên phản ứng như thế nào trước động thái của Trung Quốc? Có hai ý kiến tranh cãi giữa các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia.

Một là chủ động ủng hộ các cuộc đàm phán tư cách thành viên của Trung Quốc.

Để tham gia CPTPP, quốc gia đông dân này cần thực hiện các bước để hài hòa các chính sách và quy định với các tiêu chuẩn do hiệp định đặt ra, chẳng hạn như nới lỏng các quy định về luồng dữ liệu xuyên biên giới, loại bỏ chính sách trợ giúp các doanh nghiệp nhà nước thông qua mua sắm chính phủ và trợ cấp của nhà nước, và cấm lao động cưỡng bức.

Những người ủng hộ Bắc Kinh cho rằng, tư cách thành viên CPTPP sẽ thúc đẩy Trung Quốc cải cách chính sách và quy định này, qua đó đóng vai trò như một chất xúc tác cho những thay đổi căn bản.

Tuy nhiên, nhận định này bị các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia phản đối mạnh mẽ.

Giới quan sát chỉ ra rằng, Trung Quốc sẽ yêu cầu các ngoại lệ đặc biệt đối với các quy tắc nhất định của CPTPP, vì nước này sẽ rất khó đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn mà hiệp định đặt ra.

Bằng cách chấp nhận bất kỳ ngoại lệ nào như vậy, khối sẽ không đưa Trung Quốc đến gần hơn với các tiêu chuẩn của CPTPP. Thay vào đó sẽ thúc đẩy hiệp định hướng tới một tiêu chuẩn của Bắc Kinh.

Sau khi nộp đơn xin gia nhập nhóm thương mại này vào ngày 16/9, Trung Quốc đã bắt tay ngay vào các cuộc gặp ngoại giao phục vụ cho chiến lược của mình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Ngoại trưởng Vương Nghị và các quan chức cấp cao của Bộ Thương mại nước này đã điện đàm với các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của 5 trong số 11 thành viên CPTPP.

Các cuộc điện đàm ngoại giao đã giúp cho Bắc Kinh nhận được sự ủng hộ của Brunei, Mexico và New Zealand.

Có thể thấy, chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch vận động hành lang để giành được sự ủng hộ của các thành viên CPTPP, từ đó bắt đầu các cuộc đàm phán thành viên chính thức.

Các cuộc đàm phán chính thức về đơn xin gia nhập của một quốc gia sẽ không bắt đầu nếu không có sự đồng thuận hoàn toàn giữa tất cả các thành viên.

Mặc dù điều này khó xảy ra sớm đối với Trung Quốc, nhưng ít nhất nước này cũng gần đạt được mục tiêu ban đầu là gây chia rẽ và làm suy yếu vai trò của khối nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trong khu vực.

Khả năng Mỹ quay trở lại CPTPP

Ông Hiroyuki Akita cho rằng, các thành viên CPTPP trước tiên nên tập trung vào việc khuyến khích Mỹ quay trở lại, thay vì vội vàng tiến tới các cuộc đàm phán với Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số nhà phê bình chỉ ra rằng, việc Washington quay trở lại hiệp ước là điều không tưởng. Ngay cả khi ông Biden muốn đưa Mỹ trở lại thỏa thuận, chính quyền của ông sẽ phải đối mặt với một loạt các trở ngại chính trị lớn.

Những người phản đối tại Mỹ không chỉ bao gồm những người ủng hộ cựu Tổng thống Trump, mà còn cả những đảng viên Đảng cánh tả thân cận với các liên đoàn lao động, vốn coi các hiệp định thương mại tự do là biểu tượng cho tình trạng mất việc làm của người Mỹ ở nước ngoài.

Ngay cả khi ông Biden quyết định quay trở lại CPTPP, ông cũng sẽ yêu cầu đàm phán lại để bổ sung các điều khoản nhằm xoa dịu những người Mỹ chống lại thỏa thuận. Các cuộc đàm phán như vậy có lẽ sẽ mất nhiều thời gian.

Mặc dù vậy, việc Mỹ trở lại CPTPP không có nghĩa là vô vọng.

Trong cuộc họp các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ vào ngày 24/9 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Suga Yoshihide đã thúc giục ông Biden đưa Mỹ trở lại.

Mặc dù nhà lãnh đạo Mỹ không thực hiện bất kỳ cam kết nào, song ông Biden cho biết "sẽ suy nghĩ" về tác động của Trung Quốc.

Còn Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thì đưa ra phản ứng tương tự đối với yêu cầu từ người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi trong cuộc họp vào ngày 22/9.

Theo nhận định của ông Matthew Goodman, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách kinh tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - tổ chức tư vấn của Mỹ, không loại trừ khả năng Washington tái gia nhập CPTPP.

Ông Goodman nói: "Vẫn có khả năng Mỹ sẽ quay trở lại hiệp định này. Động thái của Trung Quốc sẽ giúp Tổng thống Biden có cơ hội đối mặt với vấn đề một cách nghiêm túc và cân nhắc lại các lựa chọn".


*Hiroyuki Akita là nhà bình luận về các vấn đề đối ngoại và an ninh quốc tế của tờ Nikkei Asia.

(theo Nikkei Asia)