📞

Chuyên gia phân tích 'nước cờ' của Trung Quốc và Philippines trước căng thẳng gia tăng tại Biển Đông

Vy Anh 15:22 | 28/05/2024
Việc làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông đều không đem lại lợi ích cho Trung Quốc và Philippines, thậm chí hai nước còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ về địa chính trị.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông tiếp tục gia tăng. (Nguồn: AP)

Trong một bài phân tích đăng tải trên South China Morning Post ngày 28/5, Giáo sư Richard Javad Heydarian (chuyên gia phân tích chính trị - giảng dạy tại Đại học La Salle, Philippines, người có kinh nghiệm trong nghiên cứu về Biển Đông) đã đánh giá căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời có những nhận định về chính sách của cả hai nước trước cục diện hiện nay. Báo Thế giới&Việt Nam lược dịch bài phân tích.

Áp lực ngày càng lớn

Gần đây, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos nhấn mạnh rằng việc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông là “điều cuối cùng chúng tôi muốn”. Khi được hỏi liệu Manila có áp dụng các chiến thuật như vòi rồng mà Trung Quốc đã sử dụng, ông Marcos cho rằng việc sử dụng vòi rồng sẽ làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và bác bỏ ý kiến này.

Trong những tháng gần đây, lực lượng hàng hải Trung Quốc đã liên tục chĩa vòi rồng vào các lực lượng Philippines làm nhiệm vụ tuần tra và tiếp tế ở Biển Đông. Manila đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc áp dụng các biện pháp đối phó mạnh mẽ hơn.

Để củng cố vị thế của mình, Philippines đã gia nhập một liên minh mới nổi có tên gọi là “Squad” với Mỹ, Australia và Nhật Bản để đối trọng với Trung Quốc. Philippines mở rộng phạm vi các cuộc tập trận quân sự hàng năm với các đồng minh phương Tây.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc Philippines nghiêng về phía Mỹ có thể gây nguy hiểm cho quyền tự chủ chiến lược của Manila và khiến Trung Quốc càng quyết đoán hơn nữa cũng như một số nước trong khu vực lo ngại về một cục diện “chiến tranh Lạnh mới”.

Đối với Trung Quốc, các hành động ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng lớn tới danh tiếng là một bên có trách nhiệm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, qua đó đẩy nhanh sự hiện diện ngày càng mở rộng của Mỹ ở Philippines. Đáng lo ngại hơn, Bắc Kinh với Washington có thể gây ra xung đột tại vùng biển trọng yếu này.

Ở một kịch bản xấu hơn, tình trạng leo thang căng thẳng mất kiểm soát có thể dẫn tới tổn thất chung, đặc biệt khi các bên cố gắng giành lợi thế và không thể quản lý hòa bình các xung đột vốn đã phức tạp. Đã đến lúc Philippines và Trung Quốc phải nỗ lực theo đuổi xu hướng giải quyết hòa bình các tranh chấp, thay vì dựa vào sức mạnh quân sự cũng như sự không khoan nhượng trên mặt trận ngoại giao.

Giải quyết hòa bình tranh chấp, tránh tính toán sai lầm

Thật dễ dàng nhận thấy tình trạng rắc rối trong quan hệ Philippines-Trung Quốc. Trong bối cảnh các tranh chấp hàng hải ngày càng gia tăng, các kênh ngoại giao đang bị vô hiệu hóa.

Vừa qua, Trung Quốc lần đầu tiên công bố điều mà nước này gọi là thỏa thuận bất thành văn năm 2016 với Philippines về quyền tiếp cận Bãi cạn Scarborough trên Biển Đông. Cụ thể, trong thông cáo đăng trên trang web Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila ngày 2/5, Đại sứ quán Trung Quốc đề cập “thỏa thuận đặc biệt tạm thời” giữa hai nước đã được Tổng thống Philippines khi đó là ông Rodrigo Duterte đồng ý trong chuyến thăm Bắc Kinh năm 2016.

Trong bối cảnh bế tắc ngoại giao, chính quyền Tổng thống Marcos đang thúc đẩy hợp tác an ninh chặt chẽ hơn với các đồng minh truyền thống. Tháng trước, ông Marcos đã tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên với những người đồng cấp Nhật Bản và Mỹ tại Nhà Trắng.

Trong tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro đã gặp các lãnh đạo quốc phòng 4 bên với Australia, Nhật Bản và Mỹ tại Hawaii. Trong những tháng tới, 4 bên sẽ tăng cường khả năng tương tác hải quân và tiến hành tuần tra chung thường xuyên ở Biển Đông.

Cơ quan quốc phòng Philippines cũng đang thúc đẩy hợp tác an ninh mở rộng, bao gồm các thỏa thuận theo hình thức lực lượng thăm viếng với Nhật Bản và Pháp.

Mặc dù mang tính chất phòng thủ nhưng cách tiếp cận này cũng có thể làm suy yếu quyền tự chủ chiến lược của Philippines. Không những vậy, bản thân Mỹ cũng đang có nhiều mối quan tâm đối ngoại lớn khác như xung đột Nga-Ukraine, tình hình Trung Đông và cuộc bầu cử Mỹ sắp tới vẫn chưa thể chắc chắn ai sẽ là ông chủ Nhà Trắng.

Hơn nữa, tuy Nhật Bản có “quan hệ đối tác toàn cầu” với Mỹ nhưng nước này cũng phải đối mặt với tình trạng trì trệ về kinh tế và nhân khẩu học, đồng thời khó có thể hỗ trợ mạnh mẽ cho Philippines. Đối với Australia, những tranh cãi xung quanh dự án tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Washington và London cũng là những điều Manila cần lưu tâm.

Tuy nhiên, nếu duy trì hiện trạng quan hệ như hiện nay cũng tồn tại nhiều nguy cơ, làm gia tăng mối lo ngại quốc tế, tăng rủi ro trong đụng độ và va chạm trên biển, rất có khả năng tạo ra một cuộc đối đầu vũ trang tại Biển Đông.

Nhìn chung, rõ ràng Trung Quốc cần xem xét lại cách tiếp cận của mình với Philippines nhằm giảm căng thẳng và đạt được các biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp. Về phần mình, chính quyền Tổng thống Marcos nên bảo đảm có các kênh duy trì đối thoại rõ ràng Trung Quốc, tăng cường tự chủ chiến lược và tích cực cùng ASEAN theo đuổi một trật tự khu vực ổn định và toàn diện.

(theo South China Morning Post)