Trong tuyên bố đánh dấu Ngày Quốc tế phòng chống ung thư 2019, IARC khẳng định "không thể nghi ngờ" tính hiệu quả và an toàn của vaccine HPV, đồng thời chỉ trích các thông tin thiếu căn cứ về loại vaccine này đang cản trở một cách có hại việc phổ biến vaccine HPV trong phòng ngừa ung thư cổ tử cung.
Theo IARC, ung thư cổ tử cung là căn bệnh ung thư gây chết người cao thứ tư ở nữ giới. Trong năm 2018, có hơn 500.000 ca chẩn đoán ung thư cổ tử cung trên toàn cầu. Trừ khi các hoạt động ngăn ngừa được đẩy mạnh, căn bệnh này có thể cướp đi 460.000 sinh mạng mỗi năm vào năm 2014.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị tiêm vaccine HPV cho toàn bộ các bé gái, đồng thời sàng lọc và điều trị cho phụ nữ có tuổi để giảm thiểu nguy cơ ung thư. Vaccine HPV đạt hiệu quả cao nhất khi tiêm trong độ tuổi từ 9-14 tuổi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều tin đồn về các tác dụng phụ của việc tiêm chủng HPV, như suy nhược kéo dài và bệnh đa xơ cứng, khiến nhiều người ngần ngại đối với việc tiêm chủng. Các nhà khoa học cho tới nay vẫn bác bỏ các thông tin này và khẳng định vaccine hoàn toàn an toàn.