Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận mở Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Nguồn: TTXVN) |
Ý nghĩa quan trọng với an ninh Biển Đông
Theo Tiến sĩ James Rogers, Đồng sáng lập và là Giám đốc Nghiên cứu Hội đồng Địa chiến lược có trụ sở tại London, bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh ở khu vực Biển Đông.
Tiến sĩ Rogers cho rằng, 3 đề xuất nhằm ứng phó với các thách thức an ninh biển mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập trong bài phát biểu của mình đặc biệt có ý nghĩa không chỉ đối với các nước trong khu vực mà còn trên toàn cầu.
Theo Tiến sĩ Rogers, đề xuất nâng cao nhận thức toàn diện và đầy đủ về tầm quan trọng của biển và những nguy cơ đe dọa an ninh biển của Thủ tướng Việt Nam là rất quan trọng và cần nhận được sự ủng hộ bởi biển đóng vai trò then chốt trong hệ thống giao thương quốc tế. Do vậy, việc đảm bảo tất cả các quốc gia đều có quyền tiếp cận biển và quyền tự do hàng hải đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Tiến sĩ Rogers chỉ ra rằng mặc dù hầu hết các nước đã tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, trong đó quy định về ứng xử của các nước trên biển, song một số nước đã phớt lờ các quy định mà chính họ đã cam kết trước đó.
Ông Rogers cho rằng đây không chỉ là vấn đề của các nước ở khu vực Biển Đông mà còn trên toàn thế giới.
Tiến sĩ Rogers đánh giá cao đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính về thiết lập một mạng lưới các cơ chế, sáng kiến về an ninh biển ở khu vực Biển Đông; cho rằng đề xuất này cần được ủng hộ không chỉ tại Liên hợp quốc mà còn tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt liên quan tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Theo ông, việc thiết lập một cơ chế điều phối nhằm khuyến khích các nước đề cao các quyền hàng hải quan trọng vốn được thiết lập tại UNCLOS 1982 là rất cần thiết.
Bình luận về đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc chính sách, pháp luật và ứng xử của các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, Tiến sĩ Rogers cho rằng Việt Nam - một nước đóng vai trò quan trọng trong khu vực và là đối tác gần gũi của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Anh - đưa ra sáng kiến này đặc biệt có ý nghĩa.
Ông Rogers đồng tình rằng mọi chính sách hoặc đề xuất liên quan tới an ninh ở khu vực Biển Đông và quyền hàng hải cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS 1982, và khẳng định vai trò của Việt Nam, vốn có vị trí địa lý quan trọng, đối với an ninh ở khu vực Biển Đông.
Thể hiện vị thế của Việt Nam
Theo Tiến sí Takashi Hosoda, chuyên gia nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Việt Nam và châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Tổng hợp Charles (Cộng hòa Czech), bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện rõ vai trò và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần bảo vệ và tăng cường an ninh biển vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Các chuyên gia đánh giá cao những đề xuất Thủ tướng Việt Nam đưa ra tại phiên thảo luận. (Nguồn: TTXVN) |
Tiến sĩ Hosoda đánh giá cao những đề xuất Thủ tướng Việt Nam đưa ra tại phiên thảo luận nhằm góp phần giải quyết các thách thức an ninh biển, nhất là cộng đồng quốc tế cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của biển và những nguy cơ đe dọa an ninh biển.
Đây là mối quan tâm hàng đầu không chỉ đối với Việt Nam và Ấn Độ mà còn đối với Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu.
Hiện Pháp và Anh đang tăng cường hợp tác với Nhật Bản trong việc nâng cao nhận thức về an ninh hàng hải.
Trong khi đó, Nhật Bản coi trọng việc tăng cường chia sẻ thông tin với các nước châu Âu nhằm nâng cao nhận thức về an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương, Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Bên cạnh đó, nhà báo Alex Svamberg, chuyên gia bình luận các vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương của báo Tin tức Czech nhận định, bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện Việt Nam mong muốn đảm bảo môi trường khu vực ổn định và chấm dứt các hành vi đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông, đây không chỉ là vấn đề quan ngại của Việt Nam mà còn của cả thế giới.
Nhà báo Czech cho rằng, những đề xuất trong bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam cho thấy chủ trương của Việt Nam là giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 và thông qua giải pháp đa phương nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới. Đây là cách tiếp cận được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Sự “gặp gỡ” về quan điểm
Nhất trí với quan điểm của Việt Nam xem UNCLOS 1982 là “Hiến pháp” của biển và đại dương, Giáo sư Giuseppe Cataldi (Italy) tại Đại học Phương Đông Naples, Chủ tịch Hội quốc tế về Luật Biển đánh giá cao các đề xuất của Việt Nam tại Phiên thảo luận, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nội dung Việt Nam kêu gọi tăng cường đối thoại, hợp tác và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Giáo sư Cataldi cho rằng các nước cần tuân thủ những quy định trong văn bản luật gốc này và tránh những hành động đơn phương có nguy cơ gây leo thang căng thẳng trong các vấn đề tranh chấp biển hiện nay.
Chuyên gia phân tích Valeria Vershinina (Nga) thuộc Trung tâm ASEAN, Học viện Ngoại giao Moscow (MGIMO) cho rằng sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sự kiện tầm cỡ trên chứng tỏ niềm tin ở mức độ cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra một cách đúng đắn rằng những thách thức đối với an ninh hàng hải ngày nay, gồm cả thách thức truyền thống và phi truyền thống, đòi hỏi cách ứng phó thực sự mang tính tập thể và toàn cầu.
Cách tiếp cận của Việt Nam trong vấn đề an ninh biển là hoàn toàn đúng đắn và có sự trùng hợp với quan điểm chính thức của Nga.
Đó là cần kết hợp các nỗ lực chung để đạt được tiến bộ theo hướng này, với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, các cấu trúc khu vực như ASEAN, Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), đồng thời duy trì vai trò điều phối trung tâm của Liên hợp quốc.