📞

Chuyên gia tâm lý: Mùa thi, đừng đo lường năng lực và giá trị của học sinh bằng điểm số

Nguyệt Anh 15:56 | 16/06/2022
Chia sẻ với Báo TG&VN, Thạc sĩ tâm lý Đinh Văn Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục kỹ năng sống ATC, Giảng viên kỹ năng mềm cho rằng, đo lường năng lực và giá trị của học sinh ngày nay chỉ bằng điểm số, bằng cấp thôi là chưa đủ. Điểm số chỉ là điều kiện cần, để đủ phải xét đến các yếu tố về đạo đức, trách nhiệm, biết yêu thương...
Thạc sĩ tâm lý Đinh Văn Thịnh cho rằng, đánh giá năng lực và giá trị của học sinh bằng điểm số, bằng cấp thôi là chưa đủ.

Câu chuyện áp lực học tập, áp lực thành tích của trẻ được bàn luận nhiều trên các diễn đàn giáo dục. Chúng ta cũng liên tục cải tiến giáo dục nhưng áp lực trên vai trẻ dường như không hề giảm đi. Có thể lý giải ra sao về điều này, theo anh?

Tuy đã cải tiến chương trình giáo dục cho học sinh, nhưng áp lực học tập, áp lực về thành tích vẫn cứ xoay vần, thậm chí, đã có nhiều câu chuyện buồn về áp lực học tập của học sinh trước và sau kỳ thi cử.

Trong cuộc sống, mỗi người sẽ có những mục tiêu quan trọng để thực hiện và giữ gìn, như mục tiêu về sức khỏe, gia đình, học tập, công việc, tài chính, tình bạn…

Những mục tiêu này phải thực hiện thế nào, khi mà một trong số ấy bị trục trặc? Ví dụ, sức khỏe không tốt sẽ kéo theo việc không thể thực hiện các mục tiêu hoặc chuyện này ảnh hưởng đến tinh thần. Từ đó, các em suy nghĩ, lo lắng, sức khỏe sẽ ảnh hưởng, các mục tiêu khác cũng rất khó để có thể thực hiện tốt.

Việc học sinh áp lực trong học tập hay áp lực về thành tích có thể nhiều lý do. Nếu học sinh không cân bằng được các mục tiêu quan trọng như kể trên, không biết cách sắp xếp thời gian, lên kế hoạch học tập, phương pháp học chưa hiệu quả, sử dụng công nghệ và mạng xã hội làm mất thời gian, từ đó ảnh hưởng đến học tập.

Theo tôi, không phải cứ cải tiến, giảm các chương trình học thì học sinh sẽ bớt áp lực, điều này chỉ một phần. Nếu giảm và cải tiến, học sinh dùng thời gian trống ấy để thực hiện các mục tiêu quan trọng thì rất tốt, nhưng nhiều em cũng sẽ có những lựa chọn chơi, giải trí nhiều hơn, chơi game, lướt mạng xã hội…

Như thế, rõ ràng áp lực vẫn cứ chồng chất áp lực. Quan trọng là học sinh phải biết cân bằng lại các giá trị và mục tiêu sống quan trọng.

Phải chăng áp lực thành tích càng lớn hơn mỗi mùa tuyển sinh đang đẩy phụ huynh, học sinh và cả giáo viên vào cuộc "chạy đua" khốc liệt?

Thành tích cũng là một phần thưởng dành cho những ai biết cố gắng và phấn đấu học tập tốt. Nhưng chúng ta cũng biết, năng lực học tập, ước mơ của mỗi học sinh là khác nhau. Không thể nào "đồng phục" các em, bắt ép mỗi em sẽ trở thành kim cương hay trở thành viên ngọc "không tì vết".

Hãy để các em được phát triển tự nhiên, trở thành một điều gì đó rất bình thường cũng rất đẹp và quý giá.

Do vậy, theo tôi, áp lực thành tích sẽ giảm nếu nhà giáo dục, phụ huynh và học sinh am hiểu và thông cảm cho nhau. Tạo cơ hội để phụ huynh và học sinh trải nghiệm thực tế ở các doanh nghiệp, để nhận biết mong muốn về nhân sự của nhà tuyển dụng.

Từ đó, họ biết cách trau dồi các khía cạnh quan trọng khác để đáp ứng nhu cầu việc làm thay vì chú trọng vào thành tích thái quá, chỉ nằm ở những tờ giấy, bằng khen.

Theo ông, đo lường năng lực và giá trị của một bạn trẻ bằng điểm số, bằng thành tích sẽ để lại những hệ lụy gì?

Đo lường năng lực và giá trị của học sinh ngày nay chỉ bằng điểm số, bằng cấp thôi là chưa đủ. Thực tế, điểm số chỉ là điều kiện cần, để đủ phải xét đến các yếu tố về đạo đức, trách nhiệm, biết yêu thương và sống vì mọi người, cộng đồng, biết giải quyết các vấn đề, làm chủ cảm xúc, ứng xử…

Nếu chỉ đánh giá qua mặt điểm số, các em sẽ trau dồi phương diện này nhiều, hẳn là khía cạnh khác các em sẽ ít quan tâm. Như thế sẽ làm các em gặp tình trạng “ảo tưởng sức mạnh” khi điểm cao là giỏi hết. Điều này sẽ làm các em khó thích nghi khi ra ngoài xã hội làm việc và chung sống.

Nói như vậy tức là rất cần giáo dục kỹ năng cho trẻ. Nhưng bản lĩnh của một đứa trẻ không chỉ được rèn bằng vài buổi học kỹ năng sống trên lớp mà phải được thực hành hằng ngày ở đời sống xã hội. Ông có nghĩ như vậy?

Đúng vậy, kỹ năng sống không chỉ được nghe giảng trên lớp, học vài buổi, vài khóa là có được. Kỹ năng phải được trau dồi và rèn luyện thực hành, được hình thành từ chính các hoạt động, thói quen hằng ngày.

Muốn giao tiếp giỏi, học sinh sẽ phải tiếp xúc nhiều với người khác, tập chủ động bắt chuyện, làm quen… Muốn nâng cao kỹ năng tự lập thì các em sẽ phải thực hành mỗi ngày các hoạt động như tự gấp chăn màn, ngăn nắp góc học tập, biết nấu ăn đơn giản…

Trên lớp đã có thầy cô giáo, ở nhà có cha mẹ đồng hành và ý thức tự giác rèn luyện của trẻ thì trẻ sẽ có được những kỹ năng sống hữu ích cho bản thân. Theo tôi, đó là hành trang ý nghĩa cho các em ở hiện tại và tương lai sau này.

Nhiều bạn trẻ đang học để thi, học để lấy thành tích, học theo nguyện vọng của cha mẹ và theo đánh giá của xã hội, thậm chí học vì dễ xin việc, “việc nhẹ lương cao”. Theo anh, cần những giải pháp nào để không còn những chuyện buồn sau mỗi mùa thi và trách nhiệm của gia đình đến đâu trong chuyện này?

Cần có sự phối hợp đồng bộ từ phía nhà trường, học sinh và gia đình. Nhà trường cần làm rõ việc học tập tốt là một điều đáng khen ngợi, nhưng chú trọng quá vào việc phải học thật nhiều chỉ để có điểm cao, thành tích hơn người là một điều đáng lo ngại.

Không chỉ là điểm số mà nhà trường cần cho các em biết những mục tiêu quan trọng khác trong cuộc đời cũng không kém phần quan trọng như học tập.

"Không thể nào 'đồng phục' các em, bắt ép mỗi em sẽ trở thành kim cương hay trở thành viên ngọc không tì vết. Hãy để các em là một điều gì đó rất bình thường như cỏ cây, một mảng xanh không thể thiếu trong hành tinh này cũng rất rất đẹp và quý giá".

Đồng thời, nhà trường cần kết nối với doanh nghiệp, tạo cơ hội cho học sinh tiếp xúc doanh nghiệp để trò chuyện về những mong muốn, những tiêu chí cần có của nhân sự ngày nay. Cụ thể, để biết điểm số có thật sự quan trọng với các doanh nghiệp không, hay là thành tích, thái độ hay trình độ, cái nào cần hơn?

Nhà trường cũng cần trang bị cho các em kỹ năng về giải toả áp lực bản thân, kỹ năng lên kế hoạch học tập, xác lập mục tiêu trong cuộc sống, kỹ năng về quản lý cảm xúc.

Về phía gia đình, theo tôi, cần hiểu về năng lực học tập và thế mạnh của con, tránh trường hợp kỳ vọng quá cao vào con mình, để rồi từ chính sự kỳ vọng quá lớn đó là áp lực đè nặng trên đôi vai các em. Thay vì làm con áp lực thì cha mẹ cần động viên và tạo động lực cho con, đồng hành là bước đi cùng nhau, cùng con chia sẻ và giải quyết các khó khăn trong hành trình lớn lên của con.

Các em học sinh khi có khó khăn và áp lực phải tìm cách để chia sẻ cho thầy cô, bạn bè và gia đình của mình, trang bị thêm nhiều kỹ năng sống, cần lên kế hoạch, thời gian biểu, giải trí phù hợp để có một tinh thần tốt. Đặc biệt, các em cần tập cách nhận định các vấn đề, tập nắm bắt suy nghĩ cho người khác, tránh việc tự hủy hoại bản thân mình khi có áp lực.

Xin cảm ơn anh!