📞

Chuyên gia tâm lý: Sự bỏ qua hay thờ ơ chính là tiếp tay cho nạn bạo lực học đường leo thang

Nguyệt Anh 13:32 | 04/05/2023
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, chuyên gia tâm lý học lâm sàng cho rằng, một lý do khiến bạo lực học đường diễn ra nhan nhản là do kỹ năng xử lý của cha mẹ và giáo viên chưa tốt. Nói đúng hơn, sự bỏ qua hay thờ ơ chính là "tiếp tay" cho bắt nạt học đường gia tăng.
TS. Nguyễn Thị Thu Hiền nêu quan điểm, sự bỏ qua hay thờ ơ chính là sự tiếp tay cho bạo lực học đường ngày càng gia tăng. (Ảnh: NVCC)

Sự thờ ơ "tiếp tay" cho bạo lực gia tăng

Từ nhiều năm nay, vấn nạn bạo lực học đường khiến dư luận bức xúc. Nhiều giải pháp được đưa ra nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn liên tiếp xảy ra những vụ bạo lực dưới các hình thức khác nhau. Bà đánh giá như thế nào về thực trạng bạo lực học đường những năm gần đây?

Vấn đề bạo lực học đường chưa bao giờ hết nóng, nó luôn tồn tại âm ỉ trong trường học nhưng đôi khi vẫn bị xem nhẹ. Chính vì thế, thi thoảng lại có một vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Có thể nhận thấy những gì chúng ta được biết về tình trạng bắt nạt học đường nhưng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tỉ lệ bị bắt nạt học đường dưới tất cả các hình thức khác nhau được báo cáo lên tới 28% ở trường THPT, 16% ở THCS, 9% ở tiểu học (Báo cáo của CDC).

Bạo lực học đường là một trong những hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tinh thần và tâm lý của trẻ em, gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở học sinh hoặc làm nặng thêm vấn đề đang có. Thậm chí, trẻ bị bắt nạt sẽ cảm thấy bế tắc, hoảng sợ và muốn giải thoát, làm tổn hại đến mục tiêu giáo dục và xã hội của trẻ em. Như vậy, có thể nói, bắt nạt là một hình thức bạo lực ở thanh thiếu niên và là một trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng bạo lực học đường trong những năm gần đây theo bà là gì?

Đôi khi, bắt nạt học đường có thể là biểu hiện của sự tức giận hoặc thất vọng do các vấn đề mà họ gặp phải, chẳng hạn như các vấn đề ở gia đình hoặc gặp khó khăn ở trường. Đó có thể là kết quả của việc giáo dục không tốt - một số người không được dạy cách quan tâm cảm xúc của người khác. Đồng thời, trò chơi hoặc phim bạo lực cũng có thể ảnh hưởng đến hành vi của một số người, khiến họ dễ trở thành kẻ bắt nạt.

Đối với một số người, bắt nạt có thể là hành vi tìm kiếm sự chú ý, chẳng hạn nếu họ không được quan tâm và chăm sóc đầy đủ ở nhà. Những người khác lại thấy mình ở một vị trí quyền lực mà không có kỹ năng sử dụng nó một cách khôn ngoan. Ở một số trường học không có văn hóa tôn trọng người khác, điều này có thể làm cho khả năng bắt nạt cao hơn.

Bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của bắt nạt. Tuy nhiên, trẻ em hoặc người lớn bị coi là khác biệt hoặc yếu hơn về mặt nào đó có nhiều khả năng bị bắt nạt hơn (ví dụ thừa cân hoặc thiếu cân, có sở thích đặc biệt lạ, bị khuyết tật, khuyết tật thể chất hoặc khuyết tật học tập, có một diện mạo khác…).

Ngoài những nguyên nhân trên, một lý do bắt nạt học đường gia tăng là do kỹ năng xử lý bắt nạt học đường của cha mẹ và giáo viên chưa tốt. Sự bỏ qua hay thờ ơ chính là tiếp tay cho bắt nạt học đường gia tăng.

Nhà trường chú trọng dạy văn hóa chưa hẳn đã an toàn, cần giáo dục trẻ em trang bị cho mình kỹ năng phòng chống bắt nạt thông qua khả năng nhận diện mình đang bị bắt nạt và các kiến thức, kỹ năng phản kháng hiệu quả với sự bắt nạt.

Giáo viên, cha mẹ cần hiểu bản thân mình luôn có trách nhiệm bảo vệ con em mình, không khoan nhượng với bắt nạt. Tiếng nói của giáo viên khá quan trọng trong việc loại bỏ bắt nạt học đường trong lớp, trong trường, mạng xã hội, thông qua các hội nhóm, fanpage… Sự ẩn danh của kẻ bắt nạt, đôi khi tiếp tay thúc đẩy sự bắt nạt diện rộng lên một hay một vài cá nhân.

Học sinh trung học được xem là lứa tuổi “nổi loạn”, việc hình thành, phát triển nhân cách gắn liền với những thay đổi lớn trong tâm sinh lý của các em. Làm sao để nhận diện những đứa trẻ đang là nạn nhân của bạo lực học đường để ngăn chặn, nhất là những hành động tiêu cực ở các em?

Bị bắt nạt ở trường có thể khiến trẻ bị căng thẳng và gặp phải một số vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc tinh thần. Thường trẻ em sẽ không nói với bất cứ ai việc chúng đang bị bắt nạt. Một số triệu chứng hoặc thay đổi trong hành vi có thể cảnh báo phụ huynh, bác sĩ hoặc giáo viên về khả năng bị bắt nạt.

Đó là triệu chứng sức khỏe thể chất. Một đứa trẻ có thể bị đau bụng, hoặc đau đầu do căng thẳng. Các triệu chứng thể chất có thể biến mất vào cuối tuần hoặc trong thời gian nghỉ lễ. Ngủ không ngon giấc, hoặc đột nhiên bắt đầu gặp ác mộng hoặc kinh hoàng về đêm; không muốn đi học, hay trốn học; thay đổi lộ trình hoặc hành trình đến trường; không học tốt ở trường như trước đây. Đó có thể là vết cắt và vết bầm tím không rõ nguyên nhân, hoặc tài sản bị hư hỏng mà không có lời giải thích; lo lắng hoặc bồn chồn hơn...

Các dấu hiệu cho thấy bắt nạt trực tuyến đang diễn ra có thể bao gồm một số điều trên nhưng cũng có thể trẻ tỏ ra khó chịu sau khi sử dụng Internet hoặc điện thoại. Trẻ rất bí mật về các hoạt động trực tuyến và sử dụng điện thoại. Tăng hoặc giảm đột ngột trong việc nhắn tin, chơi trò chơi hoặc sử dụng mạng xã hội.

Ngăn bạo lực học đường "leo thang"

Không ít bậc phụ huynh quan tâm rằng, cần phải làm gì để ngăn ngừa bạo lực học đường, làm sao để bảo vệ con em mình? Giải pháp trọng tâm lúc này theo bà là gì?

Có nhiều yếu tố làm tăng hoặc giảm nguy cơ bị bạo lực học đường. Để ngăn chặn bắt nạt, chúng ta phải hiểu và giải quyết các yếu tố khiến mọi người gặp rủi ro hoặc bảo vệ họ khỏi bạo lực. Điều quan trọng là phải giúp trẻ hiểu rằng, bắt nạt không bao giờ là lỗi của chúng.

Việc ngăn chặn hành vi bắt nạt của chính mình không phụ thuộc hoàn toàn vào trẻ em, nhưng có thể hữu ích nếu bạn có sẵn một kế hoạch về cách giải quyết vấn đề đó và có khả năng giúp ngăn chặn tình trạng này leo thang. Dưới đây là một số gợi ý để chuẩn bị một bộ công cụ cho trẻ em sử dụng trong những tình huống khó khăn:

"Nhà trường chú trọng dạy văn hóa chưa hẳn đã an toàn. Cần giáo dục trẻ em trang bị cho mình kỹ năng phòng chống bắt nạt thông qua khả năng nhận diện mình đang là nạn nhân và các kiến thức, kỹ năng phản kháng hiệu quả với sự bắt nạt".

Một là, tạo danh sách các câu nói phản hồi đối với người bắt nạt. Thực hành các cụm từ mà con bạn có thể sử dụng để yêu cầu ai đó ngừng hành vi bắt nạt. Những điều này nên đơn giản và trực tiếp nhưng không phản cảm: "Hãy để tôi yên”, "Đừng lại gần tôi”...

Hai là, cùng con tham gia kịch bản đóng vai "nếu như". Đóng vai là một cách tuyệt vời để xây dựng sự tự tin và trao quyền cho con bạn đối phó với những thách thức. Cha mẹ có thể đóng vai kẻ bắt nạt trong khi con bạn thực hành các phản ứng khác nhau cho đến khi chúng cảm thấy tự tin xử lý các tình huống rắc rối. Khi bạn nhập vai, hãy dạy con bạn nói bằng giọng mạnh mẽ, chắc chắn, mắt nhìn vào mặt kẻ đang bắt nạt.

Hãy dạy con biết cách thu thập tất cả những bằng chứng về việc bắt nạt để sử dụng cho việc báo cáo về tình trạng bạo lực học đường. (Nguồn: Tuổi trẻ)

Ba là, thúc đẩy phát triển ngôn ngữ cơ thể tích cực để thể hiện sự tự tin. Giao tiếp mắt là một hành vi giao tiếp quan trọng, giúp đứa trẻ luôn nhìn thẳng và ngẩng cao đầu. Biết thay đổi nét mặt theo trạng thái từ lo lắng, sợ hãi sang cứng rắn, dũng cảm khi bị làm phiền. Sự tự tin có thể giúp con bạn cảm thấy được trao quyền nhiều hơn trong một tình huống khó khăn.

Bốn là, có sự giao tiếp mở với con về các vấn đề xảy ra trong ngày ở trường học. Trò chuyện với con bạn hàng ngày, khuyến khích con bạn kể mọi thứ đang diễn ra ở trường. Sử dụng giọng điệu điềm tĩnh, tạo bầu không khí thân thiện để con không ngại nói với bạn nếu có điều gì đó không ổn. Nhấn mạnh rằng, sự an toàn, hạnh phúc của trẻ là rất quan trọng và trẻ phải luôn nói chuyện với người lớn về bất kỳ vấn đề nào, ngay cả những vấn đề mà trẻ cho là nhỏ nhặt.

Năm là, xây dựng sự tự tin của con bạn trong các tình huống ứng phó. Trẻ càng cảm thấy tốt hơn về bản thân thì sự việc bị bắt nạt sẽ càng ít ảnh hưởng đến lòng tự trọng của chúng. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động mà trẻ thích, hoạt động ngoại khóa và các tình huống xã hội luôn mang lại những điều tốt nhất cho con bạn. Nói với con bạn những phẩm chất độc đáo mà bạn yêu thích ở chúng và củng cố những hành vi tích cực mà bạn muốn trẻ thể hiện nhiều hơn.

Sáu là, khen ngợi sự tiến bộ của con trong ứng phó với bắt nạt. Khi con bạn nói với bạn cách chúng phản hồi kẻ bắt nạt như thế nào trong ngày hôm nay ở trường, cha mẹ hãy cho con biết rằng, bạn tự hào về những điều con đã thể hiện.

Bảy là, cha mẹ cần thể hiện rõ quan điểm của mình trong việc bảo vệ sự an toàn về cảm xúc và sự an toàn thể chất của con em của mình. Điều này khiến trẻ cảm thấy an toàn và cảm thấy mình được cha mẹ quan tâm và bảo vệ. Cha mẹ tuyệt đối không được cho là chuyện nhỏ, chuyện vặt xảy ra hàng ngày theo kiểu suy nghĩ “ai chẳng bị thế” hoặc cho là chuyện của con trẻ, con trẻ phải tự giải quyết để mạnh mẽ và độc lập, hoặc lại hỏi lại những câu như: “con phải thế nào thì bạn mới trêu con hay làm thế với con”, “con phải xem lại bản thân”…

Những điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy bị bỏ rơi hoặc nghi ngờ bản thân và thấy mình đáng bị như vậy. Từ đó, trẻ sẽ không cho cha mẹ biết những bất ổn đang xảy ra.

Đồng thời, hãy dạy con biết cách thu thập tất cả những bằng chứng về việc bắt nạt để sử dụng cho việc báo cáo về tình trạng này.

Bên cạnh đó, cần hợp tác với trường học của con bạn. Liên lạc với trường học của con bạn và báo cáo các sự cố bắt nạt. Cha mẹ không thể mong đợi nhân viên nhà trường biết mọi thứ đang diễn ra. Hãy để họ biết về mọi tình huống. Mặc dù các trường học đang triển khai các chương trình ngăn chặn bắt nạt, nhưng nhiều trường vẫn không có đủ hỗ trợ hoặc nguồn lực.

Hãy làm việc với giáo viên và cha mẹ trẻ gây ra tình trạng bắt nạt về tình trạng con em mình đang gặp phải. Đề xuất việc gặp mặt ba bên với trẻ em và cha mẹ của trẻ em đang có hành vi bắt nạt con em mình. Đề nghị trẻ bắt nạt cam kết chấm dứt các hành vi bắt nạt đưới bất kỳ hình thức nào với con em mình trước mặt giáo viên, cha mẹ hai bên và trẻ bị bắt nạt.

Nhờ đến cơ quan có thẩm quyền nếu vấn đề không được giải quyết. Nếu vấn đề bắt nạt trở nên phức tạp hơn có thể nhờ đến các tổ chức có quyền lực về pháp luật vào xử ký. Cha mẹ thể hiện rõ thái độ không khoan nhượng với bắt nạt học đường và giám sát hành vi này cho đến khi nó thực sự không còn tái diễn nữa.

Giúp trẻ tự tin ứng phó với mọi tình huống

Nếu một học sinh bị bạo lực học đường thì cần phải thiết lập quy trình an toàn cho các em thế nào?

Quy trình an toàn mà chúng ta có thể nghĩ tới, dành cho những trẻ em vừa trải qua bạo lực học đường mà nhà trường và cha mẹ nên áp dụng. Đó là ứng phó với tình cảnh trước mắt có thể bao gồm: thăm khám vấn đề thể chất cho trẻ để kịp thời can thiệp nếu có tổn thương.

Bảo đảm sự an toàn nhất có thể cho trẻ để giảm nguy cơ hoảng loạn, sợ hãi đối với trẻ bị bắt nạt. Có các đánh giá nhanh về trạng thái tâm thần/tâm lý của trẻ để trợ giúp ban đầu. Báo cáo sự việc với nhà trường hoặc cơ quan chức năng có liên quan (tuỳ vào mức độ nghiêm trọng).

Nhà trường, giáo viên chú ý xây dựng bầu không khí an toàn khi trẻ quay lại lớp học. Có biện pháp giám sát và ngăn chặn nếu bạo lực quay trở lại. Trẻ được hỗ trợ tâm lý tại phòng tâm lý học đường trong trường hoặc bởi các chuyên gia tâm lý bên ngoài.

Mạng xã hội vừa bổ ích nhưng cũng vừa độc hại. Bà nhìn nhận thế nào về tình trạng bạo lực học đường xuất phát từ việc sử dụng mạng xã hội?

Với sự phát triển của Internet, nó đã trở thành một sản phẩm không thể thiếu trong cuộc sống của con người, nhưng nhiều vấn đề đã nảy sinh cùng với nó. Internet cho phép tương tác tuyệt vời giữa môi trường ẩn danh thực và cảm nhận được. Tuy nhiên, cũng xuất hiện một hình thức bạo lực mới: bắt nạt trên mạng. Bạo lực ngôn ngữ Internet là một trong số đó.

Hiện tại, những người sử dụng Internet chủ yếu là những người trẻ tuổi. Bạo lực ngôn ngữ trực tuyến mang đến những vấn đề tâm lý cực kỳ nghiêm trọng cho trẻ em.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, bạo lực ngôn ngữ trực tuyến gây tổn hại nghiêm trọng đến tâm lý của giới trẻ và khiến học sinh bị trầm cảm, lo lắng và các bệnh tâm thần khác.

Việc sử dụng các nhóm chát riêng tư, các “lời thú tội” để “bóc phốt” một người mà trẻ không thích, thấy ngứa mắt có thể nói là vô cùng phổ biến. Điều này khiến nhiều em trở thành nạn nhân của một nhóm trẻ khác, thậm chí công khai hơn là viết hẳn tin nhắn tên tường, lên tài khoản cá nhân để chửi bới, thoá mạ hay đe dọa một bạn mà mình không ưa hay làm mình phật ý.

Tất cả những điều này gây ra những tổn hại nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tâm thần của trẻ. Rất nhiều người trải qua bắt nạt học đường vẫn không vượt qua được sang chấn này. Hậu quả của bắt nạt học đường có thể khiến cả đời cá nhân đó phải chịu đựng những tổn hại mà nó gây ra như phát triển trầm cảm, lo âu và nghiêm trọng hơn là tự sát.

Xin cảm ơn bà!