Các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34. (Nguồn: Bangkok Post) |
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Cấp cao liên quan, với sự tham dự của Lãnh đạo 10 nước ASEAN, các Đối tác của ASEAN (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ, Liên bang Nga) và Tổng Thư ký Liên hợp quốc sẽ diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, từ ngày 2-4/11/2019.
Chuyên gia Kavi Chongkittavorn. (Nguồn: The Nikkei Asian Review) |
Thành quả của nước Chủ tịch ASEAN 2019?
Theo ông Kavi Chongkittavorn, Thái Lan đã đảm bảo có thể tổ chức các cuộc thảo luận mang tính xây dựng và cân bằng để có thể đưa ra những quyết định tỉnh táo. Trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều vấn đề phức tạp, ASEAN đã trở thành một “điểm sáng” với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và duy trì được môi trường hòa bình. Tại các hội nghị trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 35, với vai trò trung tâm, ASEAN sẽ điều phối các cuộc họp giữa ASEAN và các nước đối tác, trong đó có cả những quốc gia là “đối thủ” của nhau để có thể tìm ra chìa khóa cho các vấn đề, tạo ra môi trường khu vực và toàn cầu ổn định hơn trong thời gian tới.
Ông Kavi Chongkittavorn cho biết, trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 34 vào tháng 6 vừa qua, đã có những lo ngại rằng, tình hình chính trị trong nước của Thái Lan sẽ ảnh hưởng đến vai trò Chủ tịch ASEAN 2019, tuy nhiên mọi việc đều đã diễn ra tốt đẹp.
Thời khắc Thái Lan chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Việt Nam trong dịp cấp cao lần này cũng là lúc có thể đánh giá được những “thành quả” trong năm vừa qua. Kết quả của Hội nghị cấp cao ASEAN 35 và các hội nghị liên quan sẽ quyết định liệu Thái Lan có đạt được thành công với các mục tiêu quan trọng, như tăng cường tính trung tâm của ASEAN, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, phát triển bền vững, chuẩn bị cho ASEAN trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR), thúc đẩy đối thoại và hợp tác chặt chẽ hơn giữa các thành viên ASEAN, cũng như các đối tác đối thoại trên các kênh khác nhau hay không.
Những đột phá quan trọng
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được kỳ vọng sẽ có những bước đột phá khi các nhà lãnh đạo nhóm họp lần này.
Trong 7 năm qua, đàm phán RCEP đã trải qua rất nhiều giai đoạn, đây là một hiệp định kinh tế quan trọng, bao gồm một số nền kinh tế lớn của thế giới và một trong số các nước tham gia đàm phán RCEP vẫn chưa có bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với nhau. Hiện tại, những nền kinh tế tham gia RCEP vẫn đang thảo luận để tháo gỡ những vướng mắc còn lại.
Hội nghị EAS, tháng 8/2019 tại Thái Lan. (Nguồn: ASEAN) |
Ấn Độ là quốc gia có nhiều do dự khi đàm phán RCEP liên quan tới các vấn đề thuế quan. Lần này, theo ông Kavi Chongkittavorn, Thủ tướng Narendra Modi cần phải đưa ra quyết định chiến lược khi thời gian đàm phán không còn nhiều. Vòng đàm phán RCEP cuối cùng sẽ được tổ chức vào cuối tuần này trước khi các nhà lãnh đạo gặp nhau vào thứ Hai tới. Ngay cả khi có một bước đột phá vào phút cuối, RCEP vẫn cần thêm thời gian để hoàn thiện và có thể được chuẩn bị để ký tại Hà Nội vào năm tới.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tới đây, ông Kavi Chongkittavorn cho rằng, Chủ tịch ASEAN 2019 cũng sẽ giới thiệu Quan điểm chung của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) để nhận được sự hỗ trợ rộng rãi hơn từ các thành viên EAS. Trong vài tháng qua kể từ khi ra mắt, AOIP đã tạo ra một động lực mới cho sự hợp tác đa phương do ASEAN đóng vai trò trung tâm. Chủ tịch Thái Lan sẽ giải thích chi tiết hơn về việc triển khai AOIP và cách AOIP có thể hài hòa với các khuôn khổ khác.
Trọng tâm của AOIP là Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Năm nay, bốn quốc gia bao gồm Peru, Nam Phi, Bahrain và Đức đã được chấp thuận tham gia TAC. Gần đây, nhiều quốc gia Trung Đông cũng đã bày tỏ mong muốn ký TAC. Cũng trong khuôn khổ EAS lần này, các nhà lãnh đạo có thể nêu ra các vấn đề khu vực và quốc tế quan tâm liên quan đến Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, người tị nạn Rohingya, biến đổi khí hậu, cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các vấn đề khác.
Trong nhiều tuần qua, Chủ tịch ASEAN 2019 đã nỗ lực hết mình để thuyết phục các nhà lãnh đạo EAS không bỏ lỡ Hội nghị EAS. Tất cả lãnh đạo các thành viên EAS đã xác nhận tham gia Hội nghị ngoại trừ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Để tăng cường vị thế, vai trò của ASEAN trong các khuôn khổ mà ASEAN làm trung tâm, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cũng đã mời các nhà lãnh đạo của Vương quốc Anh, Pháp và Đức làm khách mời của EAS lần này.
Một lần nữa, Tổng thống Donald Trump lại không tham gia các sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 35 lần này. Theo ông Kavi Chongkittavorn, nếu Tổng thống Mỹ tiếp tục bỏ lỡ các hội nghị thượng đỉnh liên quan đến ASEAN, bao gồm cả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN, chắc chắn, sẽ ảnh hưởng đến vị thế của Mỹ trong khu vực.
Trong khuôn khổ các hội nghị của ASEAN lần này, có thể các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ quyết định gặp nhau để cải thiện mối quan hệ song phương. Trong thời gian qua, hai bên đã cùng nỗ lực để hướng tới một cuộc gặp thượng đỉnh trong tương lai.