Các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí cho Ukraine vay 50 tỷ USD từ tiền lãi thu được từ tài sản Nga bị đóng băng, tại Hội nghị thượng đỉnh ở Borgo Egnazia, Italy (6/2024). (Nguồn: atlanticcouncil.org) |
“Việc các nước phương Tây lập liên minh cùng tịch thu chung tài sản bị đóng băng của Nga sẽ giúp giảm rủi ro đáng kể” - theo chuyên gia Olena Halushka, đồng sáng lập Trung tâm chiến thắng quốc tế, thành viên hội đồng quản trị của Trung tâm hành động chống tham nhũng Ukraine.
Giải thích về cách làm này với giới truyền thông, bà Olena Halushka cho biết, "Khi các nước thứ ba phản đối việc tịch thu tài sản Nga, họ thường đưa ra một số lý lẽ. Một trong những lý lẽ đó là việc tịch thu các tài sản bị đóng băng của Nga có thể thúc đẩy sự quay lưng với đồng bạc xanh. Họ sẽ chuyển đổi dự trữ ngoại hối sang một loại tiền tệ khác.
Nhưng tiếp theo, câu hỏi đặt ra là – sẽ chuyển đổi sang loại tiền tệ nào?... Hiện tại, phần lớn tài sản dự trữ trên thế giới là bằng đồng USD (59%), 20% là bằng đồng Euro, 5% được lưu trữ bằng đồng Yên Nhật Bản, 5% bằng đồng bảng Anh, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và các loại tiền tệ còn lại trên thế giới lần lượt chiếm 2% và 9% dự trữ toàn cầu.
"Chúng tôi đã hỏi các đối tác phương Tây của mình rằng, nếu Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Vương quốc Anh đồng lòng hành động, thì tất cả các tài sản này sẽ chảy về đâu? Rõ ràng là... nếu có một "giải pháp G7", Thụy Sỹ và Australia sẽ hướng về họ thay vì Trung Quốc”, bà Olena Halushka phân tích.
Do đó, vị chuyên gia đến từ Trung tâm Chiến thắng quốc tế Ukraine kết luận, việc nói các loại tiền tệ phương Tây sẽ bị ảnh hưởng là không có căn cứ.
Theo lập luận của bà Halushka, đồng Nhân dân tệ của Bắc Kinh không phải là đồng tiền dự trữ, vì nó không được tự do chuyển đổi, thị trường tài chính Trung Quốc không tự do, vì có những cuộc tấn công và gây áp lực lên các nhà đầu tư trong nước.
Bà cũng nhấn mạnh rằng, chỉ có việc tịch thu tài sản của một quốc gia mới có khả năng ảnh hưởng đến các loại tiền tệ của phương Tây. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối có thể chảy, chẳng hạn, từ USD sang Euro. Đó là lý do tại sao Ukraine đề xuất rằng – cần một liên minh đưa ra quyết định.
Họ (những người phản đối tịch thu) nói rằng, nhiều người có thể bắt đầu bán chứng khoán phương Tây, rút tiền của họ và đầu tư ở nơi khác. Vậy một lần nữa quay lại câu hỏi - ở đâu?
Ở UAE, Saudi Arabia, Indonesia, Trung Quốc hay Nga?
Có thể khẳng định, thị trường tài chính phương Tây quá lớn mạnh và chiếm ưu thế đến nỗi không dễ để tìm ra thứ thay thế cho các loại tiền tệ dự trữ và chứng khoán của họ", bà Olena Halushka tin chắc.
Hồi tháng 7, Saudi Arabia đã từng nhiều lần cảnh báo riêng với các nước G7 rằng, họ có thể thoái vốn một số nghĩa vụ nợ châu Âu của mình, nếu các quốc gia nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới có động thái tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga. Họ khẳng định, không thể chấp nhận việc tịch thu tài sản phong tỏa trị giá 300 tỷ USD của Nga nhằm hỗ trợ Ukraine.
Trước đó, hồi tháng 5, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết, chính phủ nước này đã thành lập một nhóm riêng biệt để giải quyết việc tịch thu tài sản thuộc chủ quyền của Nga ở nước ngoài. Về động thái này, trong khi Mỹ phát đi tín hiệu rằng họ có thể sẵn sàng ủng hộ việc thoái vốn tài sản của Nga thì EU và nhiều nước, bao gồm cả các thành viên G7 là Đức, Pháp và Italy lại rất cảnh giác với cách tiếp cận như vậy.
Tuy nhiên, động thái mới nhất của G7 và các nước đối tác (G7+) đã chứng minh họ kiên trì “đứng sau” Ukraine. Công bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại một cuộc họp nhóm tài trợ ở New York mới đây rằng, họ đã thông qua Tuyên bố chung tái khẳng định sự ủng hộ quốc tế không lay chuyển đối với Kiev, ở hiện tại và trong cả tương lai.
Trong đó, không chỉ cung cấp thêm viện trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo cho quốc gia Đông Âu, G7+ , đã cam kết mạnh mẽ giúp Ukraine đáp ứng nhu cầu tài chính ngắn hạn cấp bách, đồng thời hỗ trợ Ukraine phục hồi và tái thiết lâu dài.
Nhà lãnh đạo Mỹ đã nhấn mạnh rằng, hơn 30 quốc gia, cũng như EU, đã tham gia tuyên bố lịch sử này.
"Chúng tôi xóa tan mọi quan điểm rằng, thời gian đứng về phía Nga ", Tuyên bố chung viết. Đồng thời, tài liệu trên tiếp tục lưu ý về trách nhiệm của Nga - vì mục đích này, nên tài sản có chủ quyền của nước này tại các khu vực pháp lý phương Tây sẽ “bị đóng băng” cho đến khi Moscow chấm dứt chiến dịch quân sự và bồi thường thiệt hại cho Ukraine.
Các đối tác của Ukraine cũng đang tiếp tục thực hiện quyết định được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Borgo Egnazia, nhằm triển khai các khoản vay tăng tốc doanh thu bất thường (ERA) cho Ukraine vào cuối năm nay, để cung cấp thêm khoảng 50 tỷ USD tài trợ. Các khoản vay sẽ được trả nợ và hoàn trả bằng các dòng doanh thu bất thường trong tương lai phát sinh từ khối tài sản Nga “bị đóng băng” tại EU và các khu vực pháp lý có liên quan khác.
Về phần mình, Ukraine phải cam kết thực hiện các cải cách về kinh tế, tư pháp, chống tham nhũng, quản trị doanh nghiệp, quốc phòng, hành chính công, quản lý đầu tư công và thực thi pháp luật.
"Những cải cách này là cần thiết và sẽ rất quan trọng để hỗ trợ lâu dài cho công cuộc tái thiết và phục hồi của Ukraine", tuyên bố của G7+ nêu rõ.