Chuyên gia y tế Phạm Đức Phúc cho rằng phải áp dụng sớm nhất giải pháp công nghệ trong quản lý dịch bệnh Covid-19. |
Đó là quan điểm của tiến sĩ, bác sĩ Phạm Đức Phúc, chuyên gia y tế công cộng, Điều phối viên Mạng lưới Một sức khỏe các Trường Đại học Việt Nam (VOHUN) với báo TG&VN trước tình hình dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp.
Việc đếm ca Covid-19 để phân loại cấp độ nguy cơ dịch bệnh không hợp lý trong giai đoạn này. Số ca nhiễm bây giờ chưa phản ánh chính xác mức độ dịch. Vậy thay vì dựa vào số ca nhiễm, các cơ quan chuyên môn có thể phân loại cấp độ dịch dựa vào tiêu chí nào, thưa ông?
Số ca nhiễm gần đây tăng lên từng ngày nhưng theo tôi vẫn chưa phản ánh đúng tình hình thực tế. Lý do, có những người tự test nhanh tại nhà, không có triệu chứng, hoặc có biểu hiện nhẹ, tự điều trị theo những phác đồ đã được hướng dẫn, không thông tin cho bên y tế nên có thể con số báo cáo hiện nay không thể hiện chính xác. Vậy nên, việc đếm số ca nhiễm trong ngày hiện nay thực ra là không cần thiết.
Chúng ta cần khoanh vùng, tập trung vào những ca có triệu chứng nặng và nhập viện. Đặc biệt, nên chú tâm vào đối tượng trên 65 tuổi, có bệnh nền cần ưu tiên.
Trách nhiệm của hệ thống y tế các cấp, từ tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã/phường trong việc quản lý các ca nhiễm, nên áp dụng quản lý ca nhiễm, ca bệnh đang điều trị bằng các phần mềm, để có thể cung cấp số liệu minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả. Chẳng hạn, biết rõ được những nơi nào có người bệnh nền, người cao tuổi mà bị nhiễm Covid-19 thì cần tập trung quan tâm chăm sóc, dự phòng và cứu chữa cho những đối tượng đó trước.
Việc phân loại cấp độ dịch cũng cần phải dự vào năng lực của hệ thống y tế. Hệ thống y tế mỗi nơi có năng lực khác nhau. Hiện nay, để điều trị Covid-19 trong trường hợp nặng, cần có khu điều trị tích cực cách ly với các khoa phòng khác, số giường bệnh cho điều trị bệnh nhân Covid-19, số lượng cán bộ y tế có chuyên môn để chăm sóc điều trị cho bệnh nhân...
Từ việc đánh giá đó, nếu nơi nào không có sự chuẩn bị và không có đủ năng lực, cần cân nhắc có sự điều chuyển bệnh nhân lên tuyến trên có đủ điều kiện hơn.
Việc thông tin về năng lực y tế của đơn vị mình (quận, huyện, phường, xã) cần phải rõ ràng và minh bạch, nếu chưa đủ năng lực thì cần kêu gọi sự hỗ trợ của các đơn vị tuyến trên. Nếu có đủ năng lực thì sẵn sàng trợ giúp cho các đơn vị còn yếu.
Tôi vẫn khuyến cáo phải áp dụng sớm nhất giải pháp công nghệ trong quản lý dịch bệnh thống nhất ở tất cả các tuyến. Nếu tỉnh nào làm được như vậy thì sẽ dễ dàng cho các địa phương tuyến dưới quyết định đóng hay mở như thế nào cho rõ ràng, hợp lý. Tuân thủ quy tắc như vậy sẽ đỡ lúng túng, đồng thời các bên cũng sẵn sàng hỗ trợ cùng nhau.
Nhiều chuyên gia cho rằng, có thể đưa Covid-19 ra khỏi danh sách dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm. Theo cá nhân ông, có thể xem Covid-19 như là một bệnh thông thường được hay chưa?
Hiện nay, trên thế giới cũng có rất nhiều nước đã bãi bỏ các biện pháp kiểm soát chặt chẽ và bắt đầu coi Covid-19 như bệnh thông thường, là bệnh đặc hữu.
Với thời điểm này ở Việt Nam, chúng ta cũng đang sống chung với dịch Covid-19, đã mở cửa trường học, đang có những chuẩn bị để có thể xem Covid-19 như bệnh thông thường. Tuy nhiên, tôi nghĩ các thông tin số ca nhiễm, số ca bệnh nặng, số người tử vong vẫn chưa thực sự chính xác. Vì vậy, chúng ta cần có thêm thời gian chuẩn bị.
Có được số liệu chính xác, chúng ta sẽ đưa ra được các tiêu chí để xem Covid-19 như là một bệnh thông thường. Theo tôi có thể chấp nhận ở mức 10.000 ca nhiễm/ngày và tử vong chỉ dưới 0,1%, thì chúng ta có thể coi đây là một bệnh đặc hữu được. Thêm nữa, hiện nay có nhiều nơi chưa quản lý tốt số lượng người già, người có bệnh nền nên khả năng khi người đó bị nhiễm Covid-19, có thể chuyển nặng và tử vong cũng khá nhanh.
Theo tôi, thực tế hiện nay ngành y tế và các ngành khác cũng đã và đang chuẩn bị để có đủ thông tin, dữ liệu để có cơ sở đưa ra quyết định sáng suốt nhất. Với tinh thần như hiện nay, tôi nghĩ chỉ vài ba tháng nữa thôi, chúng ta có thể coi Covid-19 như là bệnh lưu hành được rồi nhưng cần có các tiêu chí đó rõ ràng.
Hiện nay, không ít người vẫn chủ quan, cho rằng “ai rồi cũng có quà”, ai rồi cũng sẽ bị nhiễm Covid-19. Ông có cảnh báo gì về vấn đề này?
Theo tôi, chúng ta không chủ quan được.
Thứ nhất, đó là căn bệnh do virus và lây lan với tốc độ khá nhanh. Thứ hai, trên thực tế cuộc sống của chúng ta không chỉ có virus SARS-CoV-2 mà còn có rất nhiều tác nhân gây bệnh khác.
Thế nên, vấn đề vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ tử vong, và giảm gánh nặng bệnh tật.
Từ trước đến nay, khi chưa có Covid-19, chúng tôi vẫn thường xuyên nhắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, phải phòng những bệnh chưa xảy ra mới là chiến lược của những đất nước có nền y tế phát triển.
Thực hành vệ sinh cá nhân tốt, như vệ sinh bàn tay, ăn uống, giao tiếp nói chuyện là những vấn đề chúng ta cần thực hiện thường xuyên.
Đặc biệt, mỗi người nên chủ động theo dõi được cơ thể của mình. Thường thì do bận rộn công việc, học hành, mà chúng ta hay chủ quan, hoặc quên không theo dõi những thay đổi sinh học cơ thể của bản thân. Nếu chú ý, chỉ một thay đổi nhỏ thôi chúng ta sẽ biết để chủ động phòng tránh sẽ hạn chế được nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, việc luyện tập thể lực đều đặn tại nhà cũng là giải pháp nâng cao sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh.
Chúng ta không được chủ quan, cố gắng giữ khoảng cách, hạn chế sự tiếp xúc, vệ sinh tay thường xuyên, cần có thông tin khai báo để cho ít nhất những người xung quanh ta trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, trường học, y tế được biết.
Cần để cho những người sống chung trong cộng đồng hiểu và ý thức được để cùng bảo vệ cho nhau trước dịch bệnh. Để mọi người cùng có trách nhiệm lan tỏa nhưng trên nguyên tắc phải tìm hiểu thông tin chính xác để truyền tải.
Điều quan trọng là đừng hoang mang nếu chẳng may bị nhiễm. Hơn hai năm vừa qua, chúng ta đã hiểu rõ về Covid-19 rồi, với chủng mới Omicron hiện nay lây lan rất nhanh nhưng tăng nặng không nhiều.
Đặc biệt, chúng ta luôn trong tâm thế coi mình đã sẵn sàng nếu bị nhiễm để không lúng túng, hoang mang. Mỗi người cần chuẩn bị dự phòng những thuốc thiết yếu, duy trì vệ sinh, rèn luyện thể lực thường xuyên, khi đó chúng ta sẽ vượt qua.
Những người đã từng bị nhiễm và đã vượt qua thì nên chia sẻ kinh nghiệm đã trải qua cho người khác, đó cũng là một trong những giải pháp tốt nhất để chúng ta học hỏi nhau dựa trên thực tế và cơ sở khoa học.
Câu chuyện “trường học Zero Covid” chắc chắn sẽ không còn nữa và mọi đứa trẻ cần được sớm đến trường. Theo ông, việc mở cửa trường học có khiến dịch lây lan rộng hay không?
Thực ra, mở cửa hay không mở cửa trường học không phải là nguyên nhân khiến dịch lây lan nhanh. Trẻ không đi học thì vẫn có khả năng lây nhiễm ở nhiều chỗ khác, chứ không cứ chỉ khi đến trường mới lây nhiễm.
Thế nên, cần đưa ra những thông tin chính xác vì nhiều khi đưa thông tin nhưng không có số liệu thống kê cụ thể sẽ gây hoang mang cho mọi người. Cần có con số thể hiện dựa trên cơ sở chúng ta thu thập một cách chính xác. Tránh tình trạng mới có một vài thông tin nhiễm bệnh ở trường học đã hoang mang, lo lắng là bùng dịch.
Khi trẻ quay trở lại trường khiến dư luận rất quan tâm, nếu xảy ra một vài trường hợp bị nhiễm khi đi học lại bắt đầu dấy lên thông tin và truyền tai nhau rất nhanh. Hoặc nếu chúng ta bị cảm cúm thông thường là đã hoang mang đi mua test nhanh để tự thử tại nhà.
Do đó, theo tôi việc mở cửa trường học không phải là nguyên nhân lây lan nhanh mà quan trọng nhất vẫn là chúng ta chuẩn bị tinh thần như thế nào. Các trường cũng như các cơ sở y tế cần có sự phối hợp chặt chẽ để thống kê một cách minh bạch, để thông tin rõ ràng, tránh hoang mang, tạo niềm tin cho nhà trường, cho giáo viên, phụ huynh và các em học sinh.
Tôi nghĩ đó là một trong những điểm mấu chốt nhất khi học sinh đến trường. Hiểu được tâm lý như vậy, người làm chuyên môn cần cung cấp thông tin cho giáo viên, học sinh, phụ huynh hiểu kỹ hơn.
Không phải thông tin truyền thông bình thường nữa, cần làm sao để cho giáo viên, phụ huynh, học sinh yên tâm. Muốn thông tin chính xác, kịp thời, đúng đối tượng, thì cần phải có số liệu đầy đủ, chính xác và kịp thời.
Xin cảm ơn ông!