TIN LIÊN QUAN | |
PVEP đẩy mạnh đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ |
Khuôn viên Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc. (Nguồn: nrt.edu.kr) |
Thực tiễn các cường quốc châu Á
Hàn Quốc đã thực hiện linh hoạt các hình thức nhập khẩu và chuyển giao công nghệ qua nhiều giai đoạn khác nhau dựa trên nền tảng năng lực công nghệ trong nước.
Vào những năm 1960, Hàn Quốc nhập công nghệ qua kênh đầu tư nước ngoài dưới dạng trao tay. Tuy nhiên, từ năm 1980 trở đi, nước này chấp nhận tiếp nhận công nghệ theo hình thức OEM (sản xuất thiết bị gốc) để học hỏi công nghệ và kinh nghiệm kinh doanh của các công ty đa quốc gia.
Đến đầu những năm 1990, Hàn Quốc dần chuyển từ hình thức OEM sang hình thức ODM (sản xuất thiết kế gốc) trong một số lĩnh vực. Với phương thức ODM, các công ty của Hàn Quốc đã thực hiện một số công đoạn thiết kế sản phẩm theo sơ đồ tổng thể cho các công ty đa quốc gia.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc thu hút công nghệ nước ngoài thông qua việc hợp tác nghiên cứu với các đối tác lớn và đầu tư vào các công ty công nghệ cao ở nước ngoài, tăng cường nghiên cứu, lập các phòng thí nghiệm ở nước ngoài, thiết lập quan hệ chiến lược với các công ty đa quốc gia.
Đặc biệt, việc thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) đã góp phần quan trọng vào việc tiếp nhận, giải mã công nghệ nước ngoài, sau đó điều chỉnh, chọn lọc và tập trung vào các công nghệ nguồn tạo sức cạnh tranh.
Ông Nguyễn Đình Minh, Tổng thư ký Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia cho biết, thời kỳ đầu, Trung Quốc cũng trong tình trạng tương tự Hàn Quốc khi nhập toàn bộ máy móc, thiết bị, dây chuyền từ Liên Xô. Sau đó, Trung Quốc chuyển hướng sang nhập các công nghệ từ Nhật Bản và các nước Tây Âu để nâng cao năng lực và tích lũy kinh nghiệm.
Đến giai đoạn khi nền công nghiệp phát triển mạnh, Trung Quốc chuyển đổi chính sách nhập khẩu công nghệ dưới hình thức mới là cho phép các công ty và tập đoàn lớn trên thế giới hình thành các cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D), sau đó chuyển giao công nghệ cho các cơ sở trong nước. Trung Quốc phát triển sau nhưng vươn lên mạnh mẽ do có những chính sách phù hợp trong từng thời kỳ.
Khác với Hàn Quốc và Trung Quốc, Đài Loan lại có chiến lược, định hướng nhập khẩu công nghệ từ rất sớm và nhất quán. Đầu tiên, Đài Loan nhập công nghệ qua kênh đầu tư trực tiếp nước ngoài rồi chuyển sang hình thức chuyển nhượng, sau đó chủ động nghiên cứu và phát triển (R&D), chủ động khai thác công nghệ, làm chủ và sáng tạo. Chính sách này ổn định và được duy trì đến hiện nay.
Cùng với Đài Loan, Thái Lan cũng là nước có chiến lược chuyển giao và nhập khẩu công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các công ty và tập đoàn lớn của Nhật Bản, Mỹ. Đến nay, với phương châm nhập khẩu công nghệ để làm chủ, sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, Thái Lan đã thành công trong một số lĩnh vực chủ đạo của nền công nghiệp như sản xuất xe máy, ô tô, máy nông nghiệp và xuất khẩu với sản lượng lớn.
Việt Nam cần chiến lược nhất quán
Hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn công nghệ trong nước còn kém phát triển. Vì vậy, việc nhập khẩu và chuyển giao công nghệ là cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ phù hợp trong từng giai đoạn, đảm bảo mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Việc nhập khẩu và chuyển giao công nghệ là cần thiết đối với Việt Nam hiện nay. (Nguồn: Bizlive) |
Ông Ngô Văn Mơ, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, với thực trạng năng lực công nghệ của Việt Nam, Việt Nam cũng đang đi theo hướng nhập khẩu và chuyển giao công nghệ qua hình thức các dự án FDI, nhưng cần chú trọng quản lý để tránh xảy ra tình trạng kẽ hở chính sách nhằm thực hiện chuyển giá, gây thiệt hại cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần xây dựng một chiến lược nhập khẩu và chuyển giao công nghệ nhất quán, đồng bộ với việc đổi mới cơ bản và toàn diện về cơ chế trong tình hình hiện nay.
Ông Nguyễn Đình Minh, Tổng thư ký Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia cũng cho rằng, Việt Nam cần đánh giá trình độ công nghệ trong nước và nhu cầu nhập khẩu công nghệ để có danh mục nhập khẩu và chuyển giao công nghệ phù hợp; tập trung mua bản quyền công nghệ để sớm xây dựng và phát triển công nghệ Việt Nam, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D).
Cũng theo ông Nguyễn Đình Minh, Việt Nam cần xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác nghiên cứu với các đối tác, tập đoàn, viện nghiên cứu quốc tế… để chia sẻ thông tin, nâng cao hiệu quả nhập khẩu và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần hỗ trợ nhập khẩu và chuyển giao công nghệ đối với các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ… để nâng cao năng lực công nghệ trong nước.
Khánh thành trung tâm nghiên cứu đất hiếm tại Hà Nội Lễ khánh thành “Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đất hiếm” đã diễn ra ngày 16/6, tại Viện Công nghệ Xạ hiếm ... |