Có thể thấy suốt một năm qua, cộng đồng người Việt tại Kiev bị nhiễm Covid-19 khá nhiều. Bà con đang bước vào đợt bùng phát thứ ba, kể từ ngày 20/2 đến nay...
Hình ảnh y bác sĩ và bệnh viện ở Kiev. (Ảnh: NVCC) |
Những ngày không lặng sóng
Là thành phố được đánh dấu vùng dịch đỏ, riêng trong ngày 22/3 tại Kiev đã phát hiện thêm 349 ca nhiễm và có 20 người tử vong vì Covid-19.
Theo thông tin từ Ban hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Hội người Việt thành phố Kiev, tính đến chiều ngày 22/3, đã có 166 người Việt tại đây nhiễm bệnh (trong đó 12 ca bệnh đang điều trị và 154 ca bình phục).
Mới đây, trong cộng đồng cũng đã có một trường hợp tái nhiễm Covid-19, cũng là ca chính thức bị nhiễm bệnh lại đầu tiên của người Việt ở Ukraine. Tuy nhiên, sau 15 ngày nằm viện và 10 ngày điều dưỡng tại nhà, bệnh nhân tái nhiễm đã được bác sỹ gia đình xác nhận hoàn toàn bình phục.
Diễn biến điều trị của ca tái nhiễm này cho thấy việc nhiễm bệnh lần thứ hai là một thực tế rất rõ ràng trong cộng đồng người Việt tại đây. Hơn nữa, theo thông tin của cơ quan y tế, hiện nay tại Ukraine có gần 1.400 ca tái nhiễm Covid-19 theo thống kê chính thức, thậm chí có những người bị mắc bệnh lần thứ ba.
Hội người Việt tại thành phố Kiev cũng cho biết đã một tháng kể từ khi bắt đầu làn sóng thứ ba, trong cộng đồng đã liên tục xuất hiện ca nhiễm mới và tất cả đều cần thiết phải nhập viện. Trong số đó, có ba bệnh nhân cần có sự chăm sóc đặc biệt. Lãnh đạo Hội đã liên hệ nhiều lần với Ban giám đốc, bác sỹ trực của các bệnh viện để đề nghị sự giúp đỡ tăng cường.
Hội liên tục đưa ra những khuyến cáo cho tất cả bà con trong cộng đồng như tuyệt đối không được tổ chức tập trung ăn uống, ca hát, vui chơi...
Trong trường hợp phát hiện có triệu chứng của Covid-19, bà con luôn được Ban hỗ trợ phòng chống dịch bệnh của Hội tư vấn cách xử lý kịp thời, đặc biệt là những người lớn tuổi hoặc có các bệnh nền.
Để có được những hiệu quả tốt trong công tác phòng chống bệnh trong cộng đồng, Hội cũng hoan nghênh tinh thần trách nhiệm cao vì cộng đồng của gia đình các bệnh nhân.
Ngược lại, bên cạnh điều kiện y tế, yếu tố tâm lý cũng rất quan trọng. Chính sự quan tâm chăm sóc tốt của y bác sỹ, hội đoàn, bạn bè... là nguồn động viên về tinh thần rất lớn để người bệnh vượt qua nguy hiểm.
Mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch đã có cuộc gặp trao đổi với đại diện cộng đồng người Việt tại Ukraine để cùng bà con suy nghĩ chuyển hướng làm ăn, thích nghi với điều kiện mới. |
Tình người nơi xứ lạ
Xa quê hương và mắc bệnh Covid-19 ở nước sở tại là điều rất không may đối với những người Việt. Thế nhưng, trong ba lần bùng phát dịch ở đây, bà con người Việt mắc bệnh đều đã được sự quan tâm, chăm sóc tận tình và chữa bệnh hoàn toàn miễn phí.
Sau nửa tháng nằm viện, ông Hồ Sỹ Trúc (quê Nghệ An) cũng như bao bệnh nhân khác đã được trở về nhà, dù công cuộc hồi phục sức khỏe vẫn tiếp tục phía trước. Trải qua những ngày gian khó vừa qua, ông càng thấm thía về tình người ở xứ người.
“Tôi cảm ơn đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện số 8 Obolon đã cứu chữa cho vợ chồng tôi cũng như những người Việt khác bình phục. Họ không phân biệt đối xử, cứu giúp tận tâm tận lực và chúng tôi hoàn toàn không mất một đồng viện phí nào.
Tôi cũng cảm ơn Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại thành phố Kiev đã giúp đỡ hỗ trợ chúng tôi từ lúc nhập viện cho đến lúc ra viện”, ông Trúc nói.
Đặc biệt, ông Trúc rất cảm động trước sự quan tâm của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine, trong đó có cá nhân Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch. Dù rất bận rộn nhưng Đại sứ luôn nhắn tin thăm hỏi và gọi điện động viên chúc vợ chồng anh nhanh chóng bình phục.
Vào cuối năm 2020, khi mới nhận nhiệm vụ tại Ukraine, Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch đã trực tiếp xuống chợ Troeshina tại thành phố Kiev để gặp gỡ và tìm hiểu về tình hình dịch bệnh cùng đời sống của bà con.
Người Việt tại đây rất xúc động bởi Đại sứ dù mới sang đã lập tức xuống tận chợ, đến từng hộ kinh doanh để động viên, chia sẻ với bà con. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, khu vực chợ là nơi dễ lây nhiễm nhưng Đại sứ đã không quản ngại điều này.
Ông Trúc cũng cho biết, những ngày vợ ông nằm phòng thở đặc biệt ở tầng một, Hội đoàn, tổ chức cùng các anh chị em đã làm tất cả những gì có thể để bà nhận được sự quan tâm nhất từ đội ngũ y bác sĩ.
“Tình cảm ấm áp của mọi người là nguồn động lực để chúng tôi chữa lành bệnh tật. Vợ tôi sau 10 ngày nằm phòng chăm sóc đặc biệt hiện đã thoát hiểm như một kỳ tích.
Một điều khó nói thành lời đó là tình cảm của đại gia đình ở Kiev của chúng tôi. Sống quê người, xa gia đình, người thân nhưng chúng tôi như có gia đình ruột thịt tại đây”, ông Trúc chia sẻ.
Ưu tiên tháo gỡ khó khăn
Mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch đã có cuộc gặp trao đổi với đại diện cộng đồng người Việt tại Ukraine để cùng bà con suy nghĩ chuyển hướng làm ăn, thích nghi với điều kiện mới.
Đại sứ cho biết, cộng đồng người Việt ở Ukraine hiện có khoảng 6.000-7.000 người, là những người từng học và làm việc tại Ukraine và chọn ở lại đây xây dựng cuộc sống. Đây là những cầu nối bền chắc cho quan hệ hai nước phát triển vì không ai hiểu tốt hơn họ nhu cầu và điều kiện của hai nước.
Tuy nhiên, hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến cả thế giới, tình hình khó khăn của Ukraine trong những năm gần đây lại càng ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng người Việt. Phần lớn bà con vẫn đang buôn bán nhỏ ở chợ mà cuộc sống đã thay đổi, chợ không còn là chỗ để đại đa số người dân đi mua sắm...
Ý thức được điều đó, Đại sứ quán đã tổ chức gặp gỡ trao đổi với đại diện cộng đồng ngay từ những ngày đầu tiên Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch nhận nhiệm vụ, cùng bà con suy nghĩ chuyển hướng làm ăn, thích nghi với điều kiện mới. Đại sứ quán dự kiến tổ chức các hoạt động giúp con em kiều bào duy trì tiếng Việt, nét đẹp văn hóa Việt.
Cộng đồng người Việt ở Ukraine hiện có khoảng 6.000-7.000 người, là những người từng học và làm việc tại Ukraine và chọn ở lại đây xây dựng cuộc sống. |