📞

Chuyện người xa quê thời Covid-19

Đức Trí 09:00 | 05/02/2021
TGVN. Cuối 2019, tôi trở lại Islamabad. Sau hơn một tháng bắt nhịp với công việc của Ðại sứ quán, kết nối với các đồng nghiệp cũ và mới trong đoàn ngoại giao nơi mình từng gắn bó hơn hai năm trước thì dịch bệnh Covid-19 ập đến…

Con virus nhỏ bé mà ban đầu, nhiều cường quốc với sự tự tin có vẻ thái quá rằng nó sẽ dễ dàng được khống chế, đã làm xáo trộn nhiều thứ khiến thế giới điêu đứng. Chúng tạo ra sự tàn phá mà có lẽ các đạo diễn lừng danh của Hollywood cũng không thể nghĩ ra.

Đại sứ Việt Nam tại Pakistan Phạm Hoàng Kim (trái) trong Lễ bàn giao Chủ tịch Ủy ban ASEAN (ACI) tại Islamabad cho Đại sứ Brunei. (Ảnh: TGCC)

Thấp thỏm trong vùng dịch

Ngay đầu tháng 2/2020, khi thế giới bắt đầu lo sợ về sự lây lan của con virus có nguồn gốc từ Trung Quốc thì Pakistan đã xuất hiện những ca nhiễm đầu tiên và bùng phát với tốc độ chóng mặt sau đó. Số ca nhiễm ở Pakistan tăng nhanh như vậy được cho là vì Pakistan có đường biên dài với Trung Quốc, đặc biệt là dòng người lao động hàng chục ngàn người ồ ạt trở lại Pakistan làm việc trong các dự án thuộc Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) sau khi nghỉ Tết Nguyên đán.

Nhưng nguyên nhân này chỉ là đồn đoán vì không thấy báo chí sở tại đưa tin công dân Trung Quốc nào dương tính với Covid-19 mà các ca nhiễm đều bắt nguồn từ những người hành hương đến từ Iran hoặc Ấn Độ.

Trong khi đó, cơ quan y tế Pakistan cho rằng, nguyên nhân lây nhiễm nhanh chính là do người dân nước này không tuân thủ các biện pháp chống dịch của Chính phủ, vẫn tập trung cầu nguyện đông người trong các nhà thờ, không chịu đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn. Mà người Pakistan 99% theo Hồi giáo thì lại tin rằng, đến nhà thờ cầu nguyện là bổn phận thiêng liêng và cầu nguyện thường xuyên có thể giúp họ tránh được dịch bệnh.

Và như vậy, từ một vài bệnh nhân đầu tiên hồi tháng 2/2020, đến cuối năm, số người nhiễm Covid-19 tại Pakistan đã tăng lên hơn nửa triệu người và 10.000 người đã chết. Thế nhưng, một cán bộ vụ khu vực, phụ trách ASEAN của Bộ Ngoại giao Pakistan lại cho rằng, số ca nhiễm ở Pakistan nếu so với Việt Nam hẳn là một con số kinh hoàng, nhưng so với nước láng giềng Ấn Độ hơn 10 triệu ca và 20 triệu của nước Mỹ thì Pakistan “đã khống chế dịch thành công”.

Một sự kiện do Bộ Ngoại giao Pakistan tổ chức trong thời điểm dịch bệnh Covid-19. (Ảnh: TGCC)

Tại sao Việt Nam?

Với số ca nhiễm lúc đỉnh dịch thuộc top 15 thế giới, các bạn Pakistan thực sự ngưỡng mộ câu chuyện chống dịch của Việt Nam. Họ thường nhắc lại chuyện Việt Nam đã từng thắng Mỹ và giờ lại đánh bại được cả con virus mà nhiều cường quốc phải “bó tay” thì thật là khâm phục. Bạn hỏi tại sao Việt Nam lại làm được như vậy, tôi chỉ biết trả lời bạn rằng ở trong nước, chúng tôi đã đồng sức, đồng lòng, nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Chính phủ.

Còn ở đây, chúng tôi vừa chấp hành quy định chống dịch của các bạn, lại vừa chấp hành quy định chống dịch của Chính phủ chúng tôi. Rằng Đại sứ của chúng tôi là người vốn cẩn thận nay lại càng thêm cẩn trọng.

Ngay khi dịch bệnh mới có dấu hiệu bùng phát, chúng tôi đã tìm đến các hiệu thuốc, cửa hàng của các bạn để “gom” khẩu trang trong khi các bạn vẫn thờ ơ. Mà mặt hàng này lại không dễ kiếm bởi người Pakistan không có thói quen đeu khẩu trang, kể cả khi đã được cơ quan chức năng khuyến cáo.

Khi chưa mua được khẩu trang, chị em trong Đại sứ quán đã mua vải về tự may khẩu trang để dùng tạm. Lúc đó, các bạn còn nhìn chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, tưởng chúng tôi đến từ Trung Quốc và đã bị nhiễm virus mà! Vì vậy mà có lẽ chúng tôi phòng dịch tốt hơn các bạn chăng?

Anh bạn tôi gật gù bảo, có nhiều điều chúng tôi phải học theo các bạn Việt Nam lắm. Anh bảo, anh đã hiểu thêm rằng người Việt Nam là thế, trong hoàn cảnh nào cũng linh hoạt, chủ động để thích ứng nên các bạn đã thành công như vậy.

Một buổi họp trực tuyến Ủy ban ASEAN do Đại sứ Phạm Hoàng Kim chủ trì. (Ảnh: TGCC)

Buồn vui không tiền lệ

Có lẽ, chưa bao giờ các nhà ngoại giao lại phải “đề phòng” và “cảnh giác” nhau như trong thời virus corona. Chúng tôi phải hạn chế tối đa các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp - những hoạt động đặc thù và thường xuyên của những người làm ngoại giao nay hầu hết được thay thế bằng phương thức trực tuyến. Nhưng có những hoạt động không thể trực tuyến mà phải trực tiếp gặp nhau. Vì thế mà cũng có những câu chuyện cười vui trong lo lắng.

Có lần một cán bộ của Đại sứ quán tham dự buổi cập nhật thông tin do Bộ Ngoại giao bạn tổ chức. Buổi đó có cả ông Bộ trưởng Ngoại giao đến phát biểu. Mấy hôm sau, báo chí loan tin người chủ trì buổi thông tin hôm đó và cả ông Bộ trưởng đã bị nhiễm Covid-19 và phải tự cách ly, làm việc tại nhà.

Thông tin đó làm chúng tôi vô cùng lo lắng. Như vậy, cán bộ của Đại sứ quán tham dự hôm đó rất có khả năng lây nhiễm cho dù luôn đeo khẩu trang và chỉ chạm khuỷu tay khi tiếp xúc. Sau 14 ngày tự cách ly, không tiếp xúc với đồng nghiệp và thành viên gia đình cho đến khi có xét nghiệm âm tính, cả Đại sứ quán mới thở phào nhẹ nhõm. Còn “anh F1” tâm sự: hai tuần phải tự cách ly quả là một cực hình đối với tôi và gia đình. Đúng là một trải nghiệm không thể quên trong đời!

Và một trường hợp “thót tim” khác sau đó vài tuần. Trong khi tiếp xúc, hỗ trợ nhóm công dân ta bị kẹt tại địa bàn về nước, một cán bộ của Đại sứ quán cũng trở thành F1. Hai người trong nhóm lao động nhiễm Covid-19 chỉ hai ngày trước khi lên máy bay về nước. Thế là cả ba phải lập tức cách ly trong lo lắng cực độ bởi điều kiện y tế ở đây rất yếu kém trong khi các bệnh viện cũng đã quá tải. Nhưng cuối cùng, may mắn thay, tất cả đều bình an.

Thế nhưng, thời Covid-19 vẫn có những chuyện vui nho nhỏ. Hài hước vì một vài sự cố quên tắt mic trong các cuộc hội họp trực tuyến… Vui vì chuyện chào nhầm người bởi ai cũng khẩu trang kín mít, có người lại còn chụp thêm cái mũ có tấm nhựa chắn giọt bắn như ninja... Và đôi lúc, cái bắt tay thân mật vốn “ăn vào máu” những người làm ngoại giao nên khi gặp nhau vẫn cứ đưa tay ra bắt. Nhưng rồi nhớ ra, lại rụt tay lại rồi cùng cười, đánh gót chân hay chạm khuỷu tay vào nhau thay cho cái bắt tay truyền thống trông cũng rất đáng yêu!

Thời Covid-19 là vậy. Con virus buộc con người phải thích nghi, nhất là những người đang công tác ở các vùng dịch, những người phải sống xa Tổ quốc trong những tháng ngày không ở đâu yên tâm như sống trên đất nước của chính mình!

Các bạn Pakistan vẫn rất ngưỡng mộ câu chuyện chống dịch của Việt Nam. Họ thường nhắc lại chuyện Việt Nam đã từng thắng Mỹ và giờ lại đánh bại được cả con virus mà nhiều cường quốc phải bó tay thì thật là khâm phục”.