Đầu tháng 11, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng. Đây cũng là cơ hội tốt cho học sinh, sinh viên của Việt Nam tham gia các hoạt động tình nguyện để có thêm kiến thức thực tiễn và những trải nghiệm sống ý nghĩa…
Những tình nguyện viên ở xóm Rền
Có người bảo ở Singapore gặp “rừng trong phố” và “phố trong rừng”. Với nhiều du khách thì đó quả là một thành phố xanh, sạch. Cùng với mức xử phạt rất nặng để răn đe, Singapore có những người làm dịch vụ đô thị trách nhiệm và đội ngũ tình nguyện viên luôn giữ cho môi trường của đảo quốc sư tử luôn sạch đẹp.
Lê Thùy Lân (thứ 3 từ phải) cùng đoàn Quốc hội Bostwana tại Hà Nội. (Ảnh: DQ) |
Đến đây, tôi lại nhớ về một tình nguyện viên là “cô gái Singapore ở làng nón Việt Nam” - người được Straits Times Singapore và Đài PTTH Phú Thọ phỏng vấn tại xóm Rền, xã Gia Thanh huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. “Cô gái Singapore” chính là Wendy Wee, tình nguyện viên của Quỹ phát triển quốc tế Singapore. Du khách đến Việt Nam nhiều người mua nón lá làm quà lưu niệm. Xóm Rền với nghề làm nón lá truyền thống, nếu cải tiến theo cách làm và mẫu mã mới sẽ thu hút thêm sức mua từ khách nước ngoài. Từ ý nghĩ đó, Wendy đã nhiệt tình hướng dẫn bà con cách làm sản phẩm mới, độc đáo, vừa giữ gìn được bản sắc lại phù hợp với thị hiếu du khách.
Phú Thọ là quê hương của “rừng cọ đồi chè”. Bây giờ chè vẫn phát triển tốt nhưng cọ đã bị chặt bỏ gần hết vì hiệu quả kinh tế không cao. Lá cọ một thời bị quên lãng, nay qua bàn tay khéo léo của người làng và sự giúp đỡ của các tình nguyện viên, đã trở thành kẹp tóc, bìa sổ tay, ví đựng danh thiếp, ví đựng hộ chiếu xinh xắn... Khéo làm, mỗi chiếc ví lá cọ có thể bán được 2 USD mà không mất nhiều công. Mong góp một phần nhỏ bé cho làng nghề hồi sinh, đó là tâm nguyện của các tình nguyện viên như Wendy Wee.
Cùng làm với người dân xóm Rền còn có Yoshinori Doi - tình nguyện viên đến từ Nhật Bản. Anh giúp người làng cách kiểm tra chất lượng sản phẩm. Để sản phẩm có sức mua rộng rãi trên thị trường, theo Yoshinori, cần nghiêm ngặt hơn nữa trong khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm. Đó là giữ uy tín của làng nghề, là giữ thương hiệu của sản phẩm. Nhưng cái khó đối với anh là học tiếng Việt. Yoshinori nói sẽ cố gắng học tiếng Việt để trao đổi trực tiếp được với bà con làng nghề.
Giúp người là giúp mình
Bây giờ không còn làm tình nguyện viên nữa, nhưng những năm tháng ở thôn xóm trung du Phú Thọ mãi là hình ảnh đẹp trong ký ức của Wendy Wee. Chị cho biết có rất nhiều học sinh Singapore làm tình nguyện viên. Đôi khi, học sinh, sinh viên phải dành thời gian cho công việc tình nguyện như là yêu cầu bắt buộc. Đa phần thời gian hoạt động tình nguyện do nhà trường tổ chức. Nhưng có lúc, sinh viên phải tự tìm cho mình các hoạt động tình nguyện phù hợp để tham gia. Tùy thuộc vào công việc, nhưng phần lớn tình nguyện viên không đòi hỏi phải có những kỹ năng đặc biệt. Ví dụ như giúp đỡ người già hoặc trẻ em khuyết tật thì cần nhất là trái tim, tính kiên trì chứ không nhất thiết phải có kỹ năng cao. Đối với sinh viên các chuyên ngành kỹ thuật thì có thể căn cứ vào kiến thức, chuyên môn của mình để trợ giúp về mặt kỹ thuật cho cộng đồng. Sinh viên luật có thể trợ giúp tư vấn pháp lý miễn phí cho người nghèo hoặc giúp họ hiểu rõ đâu là quyền lợi hợp pháp của họ. Sinh viên báo chí có thể trợ giúp phụ nữ và trẻ em vùng cao có thêm tiếng nói trên truyền thông đại chúng…
Lê Thùy Lân và các bạn nước ngoài tại Hà Nội. (Ảnh: DQ) |
“Những người không thể nói được về bản thân mình là những người cần được chúng ta nói giúp nhất”, đây là câu khẩu hiệu phổ biến tại những nơi có người mới du nhập vào Canada. Thành phố Saint John của Canada có hẳn một trung tâm học tập cộng đồng dạy miễn phí tiếng Anh và kỹ năng cơ bản cho người mới nhập cư gọi là Saint John MNRC (The Saint John Multicultural and Newcomers Resource Centre). Trung tâm có cán bộ nhân viên chuyên trách và đội ngũ tình nguyện viên rất cởi mở và nhiệt tình giúp người mới đến nhanh chóng hội nhập với cuộc sống ở một nước công nghiệp phát triển nhưng vẫn duy trì được bản sắc dân tộc độc đáo của riêng họ.
Canada là đất nước có nhiều người nhập cư. Có tình nguyện viên là người đến đây định cư trước, giờ họ giúp những người mới đến. Giúp người cũng là một cách tri ân vùng đất mới, nơi bản thân họ đã từng được dang tay đón chào. Kim Chi là một cô gái Hà Nội sang định cư tại Canada. Chị thích được gọi là Kim Chi Việt (gọi vui thế để phân biệt với kim chi Hàn Quốc). Kim Chi Việt tham gia làm tình nguyện viên ở các sự kiện do Saint John MNRC tổ chức. Theo chị, để làm tốt tình nguyện viên cho người mới nhập cư, cần tìm hiểu kỹ văn hoá của đối tượng mình muốn giúp đỡ. Và tất nhiên làm tình nguyện ở đâu cũng vậy, đó là sự tự nguyện, yêu thích công việc mình làm. Có vậy mới thấy việc mình làm có ích.
Những trải nhiệm thực tiễn
Sinh viên ngành ngoại ngữ, ngoại giao thường được chọn làm tình nguyện viên cho các sự kiện quốc tế. Tiêu Diêu là nữ sinh khoa tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ Tứ Xuyên, Trung Quốc được chọn làm tình nguyện viên phục vụ Hội nghị chính quyền địa phương khu vực Đông Á 2017 tại Thành Đô. Bên cạnh chương trình nghị sự của Hội nghị, đại biểu 68 tỉnh thành thuộc sáu nước Đông Á, trong đó có Việt Nam còn tham gia các hoạt động giao lưu, tìm hiểu văn hóa, liên kết du lịch, xúc tiến đầu tư. Nhiệm vụ của nhóm tình nguyện do Tiêu Diêu phụ trách là hướng dẫn lịch trình tham quan, chủ động giới thiệu trước những điểm mà đoàn Phú Thọ và Thừa Thiên Huế của Việt Nam sẽ đến tìm hiểu, những nét đặc sắc, độc đáo nhất mà chỉ ở Thành Đô mới có. Tác phong làm việc khoa học, chính xác và tinh thần thân thiện, chu đáo của Tiêu Diêu và các bạn sinh viên tình nguyện Trường Đại học Ngoại ngữ Tứ Xuyên, Trung Quốc đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè các nước.
Mỗi tình nguyện viên giống như một đại sứ văn hóa, tôi chia sẻ suy nghĩ này với Lê Thùy Lân, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Lân rất đồng tình bởi theo chị, khi một người nước ngoài đến nước mình, họ không thể gặp hết mọi người Việt Nam được. Họ gặp một số người mà có ấn tượng thế nào về người đó thì sẽ có ấn tượng tương tự về người Việt Nam nói chung. Lân đã thấm thía điều này sau lần tham gia làm tình nguyện viên phục vụ Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới IPU được tổ chức tại Việt Nam năm 2015. Khi đăng ký dự tuyển, Lân mới học năm thứ hai, rất may là có vốn ngoại ngữ khá tốt và có kinh nghiệm dẫn tour du lịch giới thiệu về Hà Nội nên nhanh chóng được chọn làm tình nguyện viên. Được các anh chị ở Bộ Ngoại giao giúp đỡ chỉ bảo tận tình, Lân đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội Bostwana. Thời gian làm tình nguyện viên cho Hội nghị IPU không nhiều nhưng với Lân thật đáng quý vì đã học hỏi, tích lũy được thêm nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích.
Các sự kiện quốc tế là cơ hội tốt để sinh viên tình nguyện được trải nghiệm và học hỏi. Tại Hội nghị lần thứ hai các quan chức cấp cao APEC (SOM2) tháng 5/2017, riêng Học viện Ngoại giao Việt Nam đã có 170 sinh viên tình nguyện phục vụ. Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng tháng 11/2017 là cơ hội tốt để mỗi tình nguyện viên Việt Nam thể hiện trí tuệ và nhiệt huyết. Qua đó, cũng giúp bạn bè quốc tế hiểu thêm về thế hệ trẻ Việt Nam năng động, tự tin trong hội nhập và phát triển.