Chặng đường để Scotland tách ra khỏi Anh sẽ còn gập ghềnh và nhiều thách thức. (Nguồn: Financial Times) |
BÌNH LUẬN CỦA BÁO THẾ GIỚI & VIỆT NAM
| Triển vọng Ukraine gia nhập khối NATO: Nói dễ, làm khó |
Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa thắng vừa bại trong các cuộc bầu cử vừa rồi ở nước Anh. Đảng Bảo thủ của ông Johnson thắng lớn trong khi Công đảng đại bại ở cuộc bầu cử chính quyền địa phương và bổ sung cho quốc hội.
Nhưng ở cuộc bầu cử nghị viện xứ Scotland, Đảng Dân tộc Scotland của bà Nicola Sturgeon giành về 64 trong tổng số 129 ghế dân biểu của nghị viện và Đảng Xanh có được 8 ghế dân biểu. Cả hai đảng này đều theo đuổi mục tiêu giành độc lập cho xứ Scotland.
Ông Johnson nhận được bằng chứng về sự ủng hộ của cử tri cho thành tựu cầm quyền của mình, trong đấy có việc kiên định đưa nước Anh ra khỏi EU (Brexit) trong khi phong trào đưa xứ Scotland độc lập với Anh lại càng thêm mạnh mẽ.
Phe ly khai giờ chiếm đa số và bà Sturgeon trên cương vị đứng đầu chính quyền xứ Scotland từ lâu nay không hề dấu diếm chủ ý sẽ lại tiến hành cuộc trưng cầu dân ý mới về nền độc lập riêng cho Scotland.
Ông Johnson kiên quyết phản đối. Theo hiến pháp hiện hành ở Anh, chỉ có thủ tướng đương nhiệm mới có quyền cho phép tiến hành trưng cầu dân ý về nền độc lập riêng cho Scotland, Wales hay Bắc Ireland.
Bà Sturgeon cho thấy rất kiên định chủ ý trên nhưng lại ý thức được bài học từ thất bại của lần trưng cầu dân ý trước và thất bại của xứ Catalonia ở Tây Ban Nha. Thời điểm và tiền đề hiện tại chưa chín muồi cho việc thực hiện trưng cầu dân ý mới.
Dịch bệnh vẫn là mối quan tâm hàng đầu của dân chúng, chuyện Brexit vẫn chưa đâu vào đâu nên hệ luỵ và hậu quả chưa rõ ràng, ông Johnson lại củng cố được vị thế quyền lực. Vì thế, phe ly khai ở Scotland phải tiếp tục tập hợp lực lượng, vận động dân chúng và chờ thời chứ không theo vết xe đổ trên.
Vấn đề ở đây chỉ là tránh vết xe đổ là một chuyện và đi lối đường khác có tới đích được không và khi nào mới tới đích lại là chuyện hoàn toàn khác.