Quốc Vương Saudi Arabia Salman bin Abdul-Aziz Al Saud năm nay đã 82 tuổi nhưng vẫn quyết định thực hiện chuyến công du hiếm hoi kéo dài cả tháng, bắt đầu hôm 26/2, đến 7 nước châu Á gồm Malaysia, Indonesia, Brunei, Nhật Bản, Trung Quốc, Maldives và Jordan. Đây là chuyến thăm đặc biệt không chỉ vì có rất nhiều điều thú vị xung quanh nó mà còn bởi tham vọng của Quốc Vương Salman.
Những con số thú vị
Đây là chuyến đi đầu tiên của Quốc Vương Saudi Arabia tới Nhật Bản và Indonesia trong gần 50 năm qua, cũng là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo cao nhất Saudi Arabia đến Malaysia trong một thập kỷ trở lại đây.
Trong chuyến thăm lịch sử tới châu Á lần này, Quốc Vương Salman mang theo hành lý với tổng trọng lượng lên tới 459 tấn, trong đó có 2 chiếc xe limousine siêu sang Mercedes-Benz và 2 thang máy điện để phục vụ riêng cho Quốc vương. Công ty không vận PT Jasa Angkasa Semesta phải điều động hơn 570 nhân viên để đáp ứng nhu cầu vận chuyển và quản lý khối lượng hành lý khổng lồ trên.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đón tiếp Quốc Vương Saudi Arabia Salman bin Abdul-Aziz Al Saud. (nguồn: The Japan Times) |
Đến Malaysia, Quốc Vương Salman mang theo 600 người tháp tùng. Nhưng con số này vẫn chưa là gì khi có tới gần 1.500 người, trong đó gồm 10 Bộ trưởng và 25 Hoàng tử, sẽ đi cùng Quốc Vương khi ông thực hiện chuyến công du gây chú ý đến Indonesia - một trong những tâm điểm quan trọng nhất trong chuyến thăm châu Á lần này của người trị vì Saudi Arabia.
Với sự quan tâm khá lớn của cộng đồng quốc tế, câu hỏi được đặt ra là: Vì sao Quốc Vương Salman lại chọn thực hiện một chuyến công du rầm rộ với lực lượng hùng hậu như vậy vào thời điểm này?
Đa dạng hóa nền kinh tế
Trước tiên, Saudi Arabia đang tìm cách để đa dạng hóa nền kinh tế, tránh bị phụ thuộc quá mức vào dầu mỏ. Quốc gia Trung Đông này đang đối mặt với thách thức kép khi phải tiến hành cải cách kinh tế trong thời điểm chịu tổn thất vì giá dầu liên tục sụt giảm. Châu Á là lựa chọn tốt khi Saudi Arabia đang muốn thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài vào các lĩnh vực công nghệ, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo và nhiều ngành phi dầu mỏ khác.
Trong chặng dừng chân đầu tiên tại Malaysia, Quốc Vương Salman đã đem về cho Saudi Arabia 7 biên bản ghi nhớ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác về xây dựng, hàng không với tổng trị giá lên tới 3 tỷ USD.
Saudi Arabia muốn phát triển quan hệ làm ăn với châu Á còn vì mục tiêu giữ chân khách hàng, đặc biệt là Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Riyadh muốn bảo đảm rằng họ vẫn là nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu cho Bắc Kinh. Hiện nay, phần lớn nguồn dầu mỏ mà Trung Quốc nhập khẩu vẫn từ Saudi Arabia nhưng Nga và Iran đang có dấu hiệu giành lợi thế khi Bắc Kinh đầu tư vào hai mỏ dầu ở hai nước này.
Quốc Vương Salman đến châu Á còn vì một lý do khá đặc biệt. Ông muốn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong khu vực vào việc mua 5% cổ phiếu được bán ra trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco, dự kiến diễn ra năm 2018. Chỉ với 5% số cổ phần được chào bán, Saudi Aramco ước tính có thể huy động được 100 tỷ USD. Đây được đánh giá là vụ niêm yết lớn nhất thế giới từ trước đến nay dù vẫn còn có những hoài nghi về giá trị chính xác của Tập đoàn Saudi Aramco.
Mở rộng ảnh hưởng
Một lý do nữa khiến Saudi Arabia hướng tới châu Á xuất phát từ Mỹ. Washington vốn là đồng minh truyền thống mạnh nhất của Riyadh cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị. Tuy nhiên, chính sách “nước Mỹ là trên hết” của Tổng thống Donald Trump đã khiến giới chức Saudi Arabia cảm thấy bất an và điều này giải thích tại sao Quốc Vương Salman lại đến thăm châu Á trước khi có kế hoạch đến Washington.
Quốc Vương Salman muốn mở rộng ảnh hưởng của Riyadh tại khu vực, trong bối cảnh liên minh chống khủng bố của Saudi Arabia đang nhận được cú hích khi nhiều nước có thể sẽ tăng cường tham gia thực chất vào đây. Ngoài ra, tìm đến các quốc gia có đông người Hồi giáo sinh sống như Indonesia và Malaysia, Saudi Arabia không chỉ muốn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại mà còn cả vấn đề tôn giáo, người hành hương và trường học.
Có thể thấy, việc Quốc Vương Saudi Arabia dành hẳn một tháng để công du châu Á là điều hoàn toàn dễ hiểu và cần thiết phải như vậy. Những chặng dừng chân tiếp theo của ông ở Brunei, Nhật Bản, Trung Quốc, Maldives và Jordan dự đoán sẽ chứng kiến thêm nhiều thỏa thuận lớn được ký kết.