Back to E-magazine
e magazine
08:30 | 04/10/2021
Đối ngoại tháng 9: Hiệu ứng lan tỏa cả song phương và đa phương

08:30 | 04/10/2021

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh đánh giá, những hoạt động đối ngoại dồn dập trong tháng 9 có ý nghĩa quan trọng, thể hiện một quyết tâm rất lớn của Lãnh đạo Việt Nam và tạo ra một hiệu ứng lan tỏa.
Đối ngoại tháng 9: Hiệu ứng lan tỏa cả song phương và đa phương

Tháng 9, hoạt động đối ngoại Việt Nam trở lại sôi động với 2 chuyến xuất ngoại thành công của Lãnh đạo cấp cao: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Cuba và dự kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 76 tại New York, Mỹ từ ngày 18-24/9; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Vienna, Áo và thăm một số nước châu Âu từ ngày 5-11/9.

Đại sứ đánh giá như thế nào về ý nghĩa của những chuyến thăm trong bối cảnh hiện nay?

Đối ngoại tháng 9: Hiệu ứng lan tỏa cả song phương và đa phương

Trong tháng qua, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp không chỉ ở Việt Nam. Một số nước dường như cho thấy một ánh sáng lóe ra khi có được những chiến lược kiểm soát. Thế nhưng, Đông Nam Á thời gian qua lại trở thành tâm dịch của thế giới. Những hoạt động đối ngoại dồn dập trong tháng 9 có ý nghĩa quan trọng, thể hiện một quyết tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Thứ nhất, chúng ta đang kiểm soát đại dịch, hướng tới đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế, do vậy, cần phải mở rộng các hoạt động về hội nhập cũng như hợp tác quốc tế.

Với hai hoạt động cấp cao kể trên, có thể nhận thấy Việt Nam đã tham gia hoạt động đối ngoại ở hai trung tâm chính trị, quốc tế lớn nhất thế giới là Liên hợp quốc và châu Âu. Thông qua các chuyến thăm này, Việt Nam kết hợp thăm các bạn bè truyền thống như Cuba nhưng cũng mở rộng tiếp xúc với các đối tác khác mà do tình hình dịch bệnh hơn một năm qua chưa thể triển khai. Cùng một lúc, các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã thực hiện đan xen các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương.

Thứ hai, Việt Nam có chủ trương triển khai quyết liệt những đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó Việt Nam chủ trương độc lập, tự chủ đi đôi với đa dạng hóa, đa phương hóa và là bạn, đối tác tin cậy; đóng góp có trách nhiệm vào các hoạt động của thế giới. Các hoạt động đối ngoại thời gian qua và dồn dập trong tháng 9 cho thấy rất rõ điều đó.

Thứ ba, Việt Nam đang định hướng chiến lược phát triển quyết liệt từ nay đến năm 2030-2045, đưa Việt Nam tới một vị thế mới. Đó là khát vọng phát triển của Việt Nam, gia tăng hội nhập, đóng góp vào các chương trình nghị sự của thế giới như hòa bình, phát triển, biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh, giải quyết thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, vốn là những mẫu số chung của các nước trên thế giới và LHQ.

Đối ngoại tháng 9: Hiệu ứng lan tỏa cả song phương và đa phương
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76.

Thứ tư, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, vị thế và đóng góp trách nhiệm đối với thế giới và khu vực. Tại LHQ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có những phát biểu quan trọng, trước hết là tại Đại hội đồng, nơi tập hợp đông đủ các quốc gia, tuyên bố chính sách và những đường lối lớn nhất trong hợp tác quốc tế. Tại đây, Việt Nam đã chia sẻ tiếng nói về các vấn đề toàn cầu mà thế giới cùng quan tâm.

Điểm nhấn lớn nhất tại LHQ thông qua chuyến thăm vừa qua là Việt Nam ủng hộ hòa bình và phát triển, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030; ủng hộ luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương, trong đó LHQ đóng vai trò trung tâm.

Thời gian qua, đâu đó cũng đã nổi lên xu hướng coi nhẹ chủ nghĩa đa phương, thậm chí là cả luật pháp quốc tế. Đây là lúc Việt Nam cùng với các quốc gia khẳng định lại tầm quan trọng của hai yếu tố quan trọng này.

Thời điểm làm Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ tháng 1/2020, chúng ta cũng đã đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế. Tháng mở đầu năm kỷ niệm 75 năm thực hiện Hiến chương LHQ, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề ưu tiên trong tháng là thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Sáng kiến được đưa ra nhằm góp phần thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác đa phương trong duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.

Bên cạnh đó, tại LHQ lần này, Việt Nam cùng với các nước đã cùng chia sẻ những cách tiếp cận phòng, chống đại dịch Covid-19, nhấn mạnh “không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn”. Các nước dù giàu hay nước nghèo đều hỗ trợ lẫn nhau, nhất là trong vấn đề vaccine.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã gặp lãnh đạo nhiều quốc gia, các tổ chức quốc tế cũng như cộng đồng các doanh nghiệp tại Mỹ. Có hai điểm nhấn quan trọng thông qua các cuộc gặp, trước hết là chung tay phòng, chống dịch bệnh và thúc đẩy ngoại giao vaccine; bên cạnh đó là tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Đối ngoại tháng 9: Hiệu ứng lan tỏa cả song phương và đa phương
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến đại diện Tập đoàn T&T trao tặng 1 triệu bộ kit xét nghiệm RT PCR Covid-19, tổng trị giá 6 triệu Euro, tương đương 162 tỷ đồng.

Chuyến đi châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng có những mục tiêu tương đồng như chuyến đi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trong đó có việc thúc đẩy ngoại giao đa phương, hợp tác chống dịch, ngoại giao vaccine và hợp tác phát triển kinh tế, phục hồi chuỗi cung ứng hậu đại dịch… Châu Âu đang quan tâm nhiều hơn tới gắn kết với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ASEAN, vì vậy, chúng ta hoàn toàn ủng hộ xu hướng này.

Tháng 9 với những hoạt động đối ngoại dồn dập giúp chúng ta có cơ hội nhìn lại 1,5 năm qua khi Việt Nam luôn cố gắng duy trì nhịp độ các hoạt động đối ngoại dù trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh. Nổi bật, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, năm đầu tiên trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Việt Nam vẫn tiếp tục đan xen tổ chức các hoạt động đối ngoại cả trực tuyến lẫn trực tiếp. Khối lượng đoàn ra, đoàn vào cho thấy nhu cầu hợp tác giữa Việt Nam với các nước ngày càng đan xen và có xu hướng nhân lên. Trong hợp tác, các nước đều coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam.

Như vậy, đối ngoại tháng 9 đã tạo ra được một hiệu ứng lan tỏa trên cả bình diện song phương và đa phương.

Đối ngoại tháng 9: Hiệu ứng lan tỏa cả song phương và đa phương

Từ đó, Đại sứ đánh giá như thế nào về đối ngoại đa phương của Việt Nam, qua đó nhìn nhận về vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế?

Nhìn lại chiều dài ngoại giao đa phương của Việt Nam, có thể thấy rằng ngoại giao đa phương luôn gắn với nền ngoại giao chung. Theo đó, Việt Nam vừa tăng cường vị thế và lợi ích quốc gia; đóng góp vào các vấn đề chung; tăng cường hội nhập với khu vực và thế giới.

Ngoại giao đa phương của Việt Nam đã phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; đa tầng nấc và đa chiều. Chúng ta tham gia vào các tổ chức quốc tế toàn cầu như LHQ, các tổ chức trực thuộc của LHQ; các tổ chức liên khu vực như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), các tổ chức khu vực như ASEAN, các cơ chế ASEAN+…, các tổ chức đa phương chuyên môn.

Việt Nam ngày càng đóng góp thực chất và hiệu quả hơn và các tổ chức đa phương. Điển hình, tại LHQ, Việt Nam đã tham gia nhiều cơ quan quan trọng của LHQ như Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ (ECOSOC), Hội đồng Nhân quyền; Việt Nam chủ trì Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2017, Chủ tịch ASEAN năm 2020, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ…

Có thể khẳng định, Việt Nam tham gia vào ngoại giao đa phương là tham gia vào xây dựng hợp tác quốc tế, nghị sự quốc tế và luật chơi quốc tế.

Đối ngoại tháng 9: Hiệu ứng lan tỏa cả song phương và đa phương

Thế giới đang đối mặt với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đòi hỏi các quốc gia phải hợp tác với nhau từ những vấn đề như biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến giải quyết xung đột.

Ngoại giao đa phương vừa tạo điều kiện cho Việt Nam tranh thủ hợp tác tốt hơn, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, Việt Nam đóng góp có trách nhiệm vào công việc chung của thế giới, qua đó nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Ngoại giao vaccine đã được lồng ghép trong hai chuyến đi cấp cao. Đại sứ nhận định như thế nào về ngoại giao vaccine của Việt Nam thời gian qua?

Đại dịch đòi hỏi các nước trên thế giới phải hợp tác với nhau. Các nước đều nhận thức chung rằng để ứng phó với đại dịch cần một cách tiếp cận phù hợp, trong đó vaccine là cốt yếu dù chưa phải là “chìa khóa vạn năng”.

Nguồn cung vaccine hiện nay vẫn còn khan hiếm, vì vậy, việc tranh thủ nguồn cung vaccine cho Việt Nam nhằm vừa phòng chống dịch vừa bảo đảm các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế là vô cùng quan trọng. Ở nhiều cấp khác nhau, thời gian qua, Việt Nam đã liên tục vận động bằng nhiều hình thức, những chuyến đi cấp cao trong tháng 9 cũng là một hình thức vận động vaccine. Việt Nam đã vận động qua nhiều cuộc điện đàm, trao đổi giữa các nhà lãnh đạo trong các cuộc gặp gỡ cấp cao, thông qua tham dự các cuộc họp quốc tế. Chủ trương của Việt Nam là tranh thủ mọi nguồn cung vaccine.

Việt Nam có thể tiếp cận vaccine thông qua cơ chế COVAX và đã tranh thủ hiệu quả cơ chế này, tuy nhiên cũng đẩy mạnh nguồn cung vaccine thông qua cơ chế thương mại.

Đối ngoại tháng 9: Hiệu ứng lan tỏa cả song phương và đa phương
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ bàn giao vaccine và trang thiết bị y tế từ chuyến công tác Cuba và tham dự Phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, tối ngày 25/9 tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Chúng ta đã và đang liên hệ với nhiều công ty sản xuất vaccine lớn của thế giới, thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ để có thể tự chủ vaccine. Những thỏa thuận của Việt Nam như hợp đồng đã có giữa tập đoàn Vingroup với Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ), hay các dự kiến hợp tác với các hãng dược như Sputnik (của Nga), Sinopharm (của Trung Quốc) đang tạo ra những nguồn lực, cơ hội mới cho Việt Nam có thể tự sản xuất vaccine trong tương lai. Việt Nam cũng đang tự nghiên cứu sản xuất vaccine. Càng tự cường được vaccine thì Việt Nam càng chủ động trước đại dịch, vốn có thể còn kéo dài và có thể tham gia chuỗi cung ứng vaccine trong khu vực và trên thế giới.

Sự tương hỗ giữa các quốc gia trước đại dịch đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đầu đại dịch, Việt Nam có lợi thế sản xuất các vật tư y tế như khẩu trang, áo bảo hộ… đã trợ giúp cho các nước láng giềng và nhiều nước lớn khác. Do vậy, hợp tác chống dịch hay hợp tác vaccine lúc này là hợp tác y tế và nhân đạo, rất quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh.

Có thể nói, hai chuyến xuất ngoại cũng là sự trở lại với ngoại giao truyền thống. Là người gắn bó nhiều thập niên với ngoại giao Việt Nam, Đại sứ nhìn nhận như thế nào về giá trị của ngoại giao truyền thống, dù trong khủng hoảng?

Thế giới ngày càng phát triển, gia tăng tùy thuộc, tương tác, giao lưu trên tất cả các lĩnh vực. Khoa học công nghệ giúp nhân loại có những đột phá cả về phương cách triển khai đối ngoại, có nhiều cách để giao lưu với nhau. Chúng ta đang sống trong thời kỳ của ngoại giao hỗn hợp, tích hợp đa phương tiện, cả ngoại giao truyền thống (trực tiếp) và ngoại giao trực tuyến thông qua sự hỗ trợ của những phương tiện số hiện đại nhất.

Trong bối cảnh đại dịch, ngoại giao trực tuyến đã giúp các kênh liên lạc giữa các quốc gia được duy trì, kể cả các hội nghị quốc tế hay hoạt động song phương.

Khi đại dịch dần qua, các hoạt động đối ngoại thông qua trực tuyến hay công nghệ số sẽ vẫn được duy trì, trong trường hợp khẩn cấp, bất cứ thời điểm nào.

Tuy nhiên, ngoại giao trực tiếp vẫn có ưu thế riêng của mình, các bên không chỉ có thể trao đổi những vấn đề lớn mà còn có thể trao đổi những vấn đề riêng tư, tin cậy nhất, tạo cơ hội cho các nhà ngoại giao, đặc biệt là các lãnh đạo cấp cao có những tương tác về cá nhân.

Thông qua ngoại giao truyền thống, các bên cũng có thể tháo gỡ những khúc mắc, nhạy cảm nhất mà ngoại giao trực tuyến khó có thể giải quyết được. Trong các vấn đề như biên giới biển đảo, các vấn đề có liên quan tới khung luật pháp quốc tế, khi các nhà lãnh đạo gặp gỡ trực tiếp để trao đổi, tương tác thì có thể dễ dàng tìm ra điểm tương đồng hơn. Với những hội nghị đa phương, để có thể thúc đẩy được các gói đồng thuận thì không thể thiếu được ngoại giao truyền thống.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Thực hiện: Phương Hằng

Thiết kế: Phạm Anh Tuấn

Ảnh: TTXVN, Báo TG&VN

Đọc thêm

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

"Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Brazil 112 năm trước chính là biểu tượng cho sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc. Dù cách xa nửa vòng trái đất, nhưng nhân dân hai nước đã có những điểm chung..." Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam trước thềm chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

‘Nước Mỹ trên hết’, ‘chia sẻ trách nhiệm’, ‘áp lực tối đa’, ‘cây gậy và củ cà rốt’… sẽ là những cách tiếp cận mới trong chính sách đối ngoại mang ‘thương hiệu’ riêng của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác 8 ngày với gần 80 hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đạt được kết quả tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương.
Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18-20/8, Đảng, Nhà nước Trung Quốc thu xếp đón tiếp đặc biệt trọng thị, bố trí các biện pháp lễ tân, an ninh cao nhất theo nghi thức chuyến thăm cấp Nhà nước với nhiều biệt lệ, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

"Những thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua có những dấu ấn to lớn, quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại.
'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

Việc Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ nhất quán, phù hợp với việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cụ thể hóa các cam kết để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả hai nước. Chính việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp đẩy nhanh việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, phù hợp với chiến lược friend-shoring của Mỹ để sắp xếp lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia an toàn và đáng tin cậy.