Niềm vui của người Việt khi thi đậu Quốc tịch. (Ảnh: Nguyễn Hoàng Linh) |
Cùng các cộng đồng người Việt xa xứ khác trong vùng Trung Âu, cộng đồng người Việt tại Hungary hình thành từ đầu những năm 90 thế kỷ trước, khi bắt đầu có những “cánh én” đầu tiên can đảm lựa chọn nơi này làm quê hương mới, với rất nhiều suy tư, sự đánh đổi và nỗ lực vượt khó.
Thế hệ thứ nhất ấy, gồm một số cựu du học sinh, nghiên cứu sinh từng học tập tại Hungary, nhưng ngày càng được bổ sung khi bà con từ trong nước qua tìm cách sinh kế, chủ yếu tập trung vào công việc kinh doanh, đa phần tại các khu chợ.
Hội nhập, hai từ nhọc nhằn!
Theo thời gian, con số người Việt định cư và sinh sống lâu dài tại Hungary hiện ước tính chừng 8.000, đa số tương đối ổn định về công việc, khả năng tài chính, có điều kiện để tâm hơn cho việc giáo dục, dạy dỗ các thế hệ kế tiếp.
Với một bộ phận đáng kể bà con người Việt tại Hungary, đây là lúc có thể chú trọng hơn tới một số giá trị tinh thần nhưng để làm được thì rất khó khăn và gian nan - đó là hội nhập với sở tại, đồng thời gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam.
Lý do của những trắc trở trong hội nhập thì rất nhiều, có cả khách quan và chủ quan, chủ yếu xuất phát từ thực tế cuộc sống của các cộng đồng Việt hiện tại. Tại Hungary, rất đặc biệt, yếu tố quyết định mang tính thúc đẩy lại đến từ chính quyền bản địa, khi quy định việc sở hữu những kiến thức hội nhập căn bản là điều kiện tiên quyết cho phép nhập tịch.
Kể từ năm 1993, Luật Quốc tịch Hungary quy định người ngoại quốc muốn nhập tịch Hung, ngoại trừ một số ngoại lệ nhỏ, cần phải có chứng chỉ xác nhận đã qua kỳ sát hạch những kiến thức Hiến pháp cơ bản, mà bà con Việt thường gọi là “kỳ thi Quốc tịch”.
Ngoài đòi hỏi khả năng sử dụng và giao tiếp tiếng Hung ở mức căn bản, kỳ thi còn yêu cầu thí sinh phải nắm được kiến thức nền tảng về lịch sử, chính trị, pháp luật, sự vận hành các nhánh quyền lực và bộ máy hành chính, cũng như lịch sử văn hóa, nghệ thuật, khoa học... của Hungary.
40 câu hỏi được đưa ra cho các thí sinh chuẩn bị còn bao hàm những thông tin về các định chế chính yếu nhất của thế giới và châu Âu, những quyền lợi và nghĩa vụ công dân, những điều cần biết về nước Hung, người Hung... đặt cơ sở cho sự hội nhập toàn diện của người ngoại quốc tại Hungary. Dù muốn hay không, yêu cầu của phía bạn đặt bà con vào thế phải lựa chọn, nếu muốn gắn bó lâu dài với nước bản địa thì phải học, khi nhiều người đã rời ghế nhà trường vài chục năm. Với không ít người, đây là trở ngại tưởng chừng rất khó vượt qua!
Người Việt giao lưu với ký giả Hungary. (Ảnh: Nguyễn Hoàng Linh) |
Cố gắng vô bờ bến
Đó là cảm tưởng của rất nhiều bà con, đã qua những khóa học Quốc tịch, trở thành người có hai quê hương sau khoảng thời gian dài nỗ lực và bươn chải có khi phải tính bằng nhiều thập niên trên xứ người.
Mong muốn nhập tịch của bà con cộng đồng dấy lên một cách rộng rãi từ gần 15 năm nay, khi nước sở tại có chính sách tương đối cởi mở và ưu ái với người Việt trong vấn đề quốc tịch. Sự học hỏi thời gian đầu mang tính cá nhân, nhưng dần dần nhu cầu gia tăng, xuất hiện những nhóm học, thoạt tiên được thu xếp ngay tại khu chợ Việt.
Để phục vụ nhu cầu vừa học, vừa làm của đa số, lớp học trong những năm đầu tiên theo hồi tưởng của nhiều học viên rất gần gũi và dễ thương, như có người đang học phải chạy về để giao hàng.
Một ghi chép từ nhiều năm trước đã ghi nhận lớp học: “Đó là một căn phòng không lớn lắm, và xét về bài trí bàn ghế, thiết bị... thì đủ chỗ cho chừng năm sáu người ngồi học... Dĩ nhiên, đây không phải là căn phòng xây cho một lớp học. Ấy thế mà, nhiều tháng qua, nó trở thành lớp học thực sự của biết bao sĩ tử, tuổi tác rất khác biệt: có bạn tuổi teen, trông như tài tử Hàn Quốc, có chị thì “hay đợi vài năm nữa cho tới 60 đỡ phải đi học”.
Để phục vụ việc học của các học viên đa phần làm việc ngoài chợ, không tìm đâu ra một địa điểm thích hợp hơn thế. Dù nóng bức hay lạnh thấu xương, căn phòng đã là nhân chứng của bao nỗ lực ghê gớm, nhiều khi khởi đầu ở mức “i-tờ”, cho tới khi kết thúc 40 câu nhọc nhằn. Để rồi, có những bạn đã thi xong, còn bảo “mãi vẫn thấy nhớ”.
Có những bạn đã nhận quốc tịch, còn muốn trở lại với bầu không khí của những ngày xưa, và sẻ chia kinh nghiệm học hành và thi cử của mình cho lớp “đàn em”. Hiếm có nơi nào gần gũi và thân thương như thế...
Những năm của đại dịch Covid-19, do không thể tập trung nên các khóa học đều chuyển sang trực tuyến. Được sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật, chất lượng các bài học còn có phần được gia tăng, sự thuận tiện và chủ động về thời gian và địa điểm có phần hơn hẳn so với thời kỳ học trực tiếp tại lớp.
Song song với các khóa học, một diễn đàn trên mạng mang tên “Nhóm Quốc tịch - Tìm hiểu nước Hung” ra đời từ sáu năm nay, quy tụ trên 300 thành viên đã và đang theo học chương trình quốc tịch, trong đó nhiều bạn đã nhập tịch Hung.
Người Việt tham gia lớp học để thi Quốc tịch. (Ảnh: Nguyễn Hoàng Linh) |
Vị thế một cộng đồng dân tộc thiểu số
Xuất phát điểm đơn thuần là một khóa học mang tính thời điểm để đáp ứng nhu cầu xin quốc tịch của bà con, nhưng Nhóm Quốc tịch có kỳ vọng hơn như thế: làm dấy lên phong trào tìm hiểu kiến thức và hội nhập, không chỉ về kinh doanh, học vấn, mà còn cả trong đời sống văn hóa, xã hội và chính trị của nước Hung và châu Âu.
Xa hơn, Nhóm hỗ trợ sự hội nhập và tăng cường hiểu biết, giúp ích và khiến cuộc sống của mỗi thành viên có ý nghĩa hơn nhằm kết nối cộng đồng, tham gia các sinh hoạt chung cùng khoảng 25 hội, đoàn người Việt khác.
Các cựu học viên tâm sự, nhiều kiến thức trong biển thông tin của khóa học tất nhiên cũng phai nhạt với thời gian. Nhưng vẫn đọng lại trong mỗi người cái “chất” của sự học hỏi, rằng cái “được” không chỉ là một chứng chỉ, mà đáng kể là hiểu được nhiều hơn về đất nước và con người Hungary. Nhiều thành viên của Nhóm, bước đầu, đã có dịp tham gia các sinh hoạt mà trước đây đa số cảm thấy rất xa lạ, như theo dõi và trao đổi về các kỳ bầu cử của Hungary, giao lưu với giới ký giả Hung hoặc thường xuyên quan tâm tới tình hình nước bạn.
Hoạt động của Nhóm cũng đã được đưa tin trên truyền thông trong nước, từ thành công trong các kỳ thi cho đến vấn đề quốc tịch nằm trong nỗ lực hội nhập nói chung của kiều bào. Nhóm tin tưởng rằng mỗi thành viên, trên cương vị công dân nước sở tại, có thể đóng góp nhiều hơn cho quê hương Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với mong muốn Nhà nước Hungary công nhận người Hung gốc Việt là cộng đồng dân tộc thiểu số, điều được nhắc tới nhiều trong hội đàm mới đây với nước bạn của Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam.
Trong các lễ tuyên thệ quốc tịch, chính giới Hungary vẫn thường nhấn mạnh là người nhập tịch tuy trở thành một phần của đất nước Hung, có thể tự hào và chia sẻ ngọt bùi với quê hương mới, nhưng đừng bao giờ quên quê mẹ, cội nguồn trong sâu thẳm trái tim của mỗi người vì họ đã chào đời ở đó, ông cha yên nghỉ ở đó. Nhập tịch, như thế, đối với hơn 6 triệu người Việt ở nước ngoài, có thể là bước đi đáng kể trong quá trình hội nhập với xã hội nước sở tại, có tác động trực tiếp tới những lợi ích của mỗi người trong đời sống, sinh hoạt và công việc.
Ở góc nhìn tổng thể hơn, một mong ước có thể có phần xa xôi là trong tương lai, cộng đồng Việt tại Hung nói riêng, cũng như các cộng đồng Việt sinh sống trong vùng Trung Âu nói chung, còn có thể vươn lên hội nhập sâu cả về xã hội và chính trị, sẽ có những đại diện gốc Việt thành công không chỉ trong kinh doanh và học vấn, mà còn cả trong đời sống văn hóa, nghệ thuật và đặc biệt là chính trị. Bởi lẽ, hội nhập về chính trị là cách tốt nhất khiến diện mạo cộng đồng được cải thiện, Việt Nam được để tâm và tôn trọng ở nước ngoài.
| Ấn tượng Ngày văn hoá Việt Nam tại thành phố Zalaegerszeg, Hungary Ngày văn hoá Việt Nam tại Zalaegerszeg 2023-sự kiện có quy mô lớn nhất từ trước tới nay do Đại sứ quán Việt Nam tại ... |
| Sôi động ngày hội tiếng Việt ở Hungary Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary sẽ luôn đồng hành, ủng hộ và kêu gọi các Hội đoàn người Việt chung tay góp sức ... |
| Cánh cửa du học Hungary rộng mở đối với sinh viên Việt Nam Ngày 25/10, Hội thảo giáo dục đại học Hungary đã diễn ra tại Đại học Quốc gia Hà Nội, nhân chuyến thăm và làm việc ... |
| Ra mắt bộ phim truyện hợp tác lần đầu tiên giữa Hungary và Việt Nam ‘Hoa Táo nở’ Bộ phim “Hoa táo nở” là một sản phẩm hợp tác văn hoá nghệ thuật quan trọng trong những năm gần đây giữa Việt Nam ... |
| Làm báo cộng đồng, nhuận bút trả bằng đam mê Nổi tiếng trong cộng đồng người Việt, tờ báo Nhịp cầu thế giới (NCTG) với tuổi đời 22 năm tại Hungary do chủ biên Nguyễn ... |