📞

Chuyện về hai diễn viên trẻ có chiều cao nổi bật được chọn đóng vai Bác Hồ

15:29 | 02/09/2019
Nam diễn viên Mạnh Trường và Minh Đức là hai diễn viên có cơ may được chọn đóng vai Bác Hồ thời trẻ nhờ ngoại hình đẹp và chiều cao nổi bật. Đây là vai diễn đầu tiên của họ trong phim điện ảnh và cũng là vai diễn khiến họ không thể quên.    

Trong kho tàng điện ảnh cách mạng Việt Nam có rất nhiều bộ phim gây ấn tượng mạnh khi làm về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Hẹn gặp lại Sài Gòn, Hà Nội mùa Đông năm 1946, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (Trung Quốc), Vượt qua bến Thượng Hải, Thầu Chín ở Xiêm, Nhà tiên tri... Mỗi bộ phim tái hiện về chân dung và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ ở mỗi thời điểm và góc nhìn khác nhau.

Với các diễn viên, việc được hoá thân vào vai Bác Hồ là một niềm vinh dự lớn lao nhưng cũng là những thử thách không nhỏ. Đặc biệt, với các diễn viên trẻ thì việc hoá thân vào Bác Hồ còn là cả một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp diễn xuất của mình.

Trong số các diễn viên từng thể hiện thành công vai Bác Hồ như: Trần Lực, Tiến Hợi, Minh Hải, Minh Đức, Mạnh Trường, Bùi Bài Bình thì Mạnh Trường và Minh Đức là hai diễn viên trẻ được đóng vai Bác Hồ khi còn ở tuổi khá trẻ.

Hai diễn viên Mạnh Trường và Minh Đức đóng vai Bác Hồ khi còn trẻ. (Nguồn: Dân trí)

Giảm 6 kilogam trong gần một tháng để đóng vai Nguyễn Ái Quốc

Mạnh Trường vào vai Nguyễn Ái Quốc trong bộ phim Thầu Chín ở Xiêm. Phim tái hiện những năm tháng hoạt động cách mạng của Bác Hồ từ 1928 - 1929 ở Xiêm (Thái Lan) với bí danh Thầu Chín. Ở đây, người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Ái Quốc đã xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.

Lí do Mạnh Trường được chọn vào vai này theo chia sẻ của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng là bởi ở thời điểm đó nam diễn viên này cùng độ tuổi với Bác. Thêm nữa, Mạnh Trường có ngoại hình cao ráo, có thần thái của một lãnh tụ. Quan trọng nhất là anh có đời sống nghiêm túc, diễn xuất tốt, có chiều sâu và chắc chắn.

Mạnh Trường cho biết, khi đang quay phim Đường lên Điện Biên thì đạo diễn phim Bùi Tuấn Dũng gọi anh đến chia sẻ dự án đang ấp ủ về cuộc đời của Bác Hồ và ngỏ ý mời anh nhận vai Nguyễn Ái Quốc. Lúc đó, nam diễn viên khá ngỡ ngàng và lo lắng vì được hoá thân hình tượng Bác Hồ là một vinh dự lớn nhưng sợ bản thân sẽ không thể nào thể hiện ra được cái chất của Bác.

Mạnh Trường đã phải giảm tới 6kg để vào vai Nguyễn Ái Quốc trong thời gian hoạt động cách mạng ở Thái Lan. (Nguồn: Dân trí)

Và khi chính thức nhận lời tham gia, anh đã buộc phải giảm tới 6kg trong vòng chưa đầy một tháng để có ngoại hình hao hao của Bác ở thời kỳ này. Để có thể giảm được số cân như mong muốn trong một thời gian khá “gấp gáp”, nam diễn viên đã buộc phải thực hiện chế độ ăn kiêng và tăng cường tập thể dục. Có những thời điểm, Mạnh Trường gần như bị lả đi… vì đói khi đang quay phim.

Quan trọng hơn, để vào được vai Bác Hồ trong phim, nam diễn viên sinh năm 1985 đã phải tìm hiểu nhiều sách báo, tư liệu, xem các bộ phim về Bác do các diễn viên đi trước từng thể hiện.

Phim đã hoàn thành và công chiếu khá lâu nhưng mỗi khi nhắc đến vai diễn này, Mạnh Trường đều dấy lên một niềm hạnh phúc. Hạnh phúc bởi trong những năm tháng làm nghề, không phải ai cũng có được cơ hội lớn lao thể hiện hình tượng của Bác.

Hạnh phúc hơn khi mỗi một thử thách, mỗi một áp lực… khi đóng vai diễn này đều giúp anh trưởng thành hơn. Đặc biệt là anh cũng luôn nhắc nhở mình phải giữ lối sống nghiêm túc để không bị dính bất cứ điều tiếng nào làm ảnh hưởng đến hình tượng Bác Hồ mình từng thể hiện.

Đóng vai thầy giáo Nguyễn Tất Thành khi đang là sinh viên

Năm 2010, bộ phim Nhìn ra biển cả ra mắt công chúng nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ phim nói về thời gian thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy tại trường Dục Thanh - Phan Thiết vào những năm đầu thế kỷ 20.

Trải qua quá trình tìm kiếm diễn viên ở cả 3 miền, cuối cùng đạo diễn Vũ Châu đã chọn diễn viên trẻ Minh Đức, khi đó đang là sinh viên của Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Nam diễn viên này có chiều cao 1m74 lại sinh ra ở TP Vinh, Nghệ An nên rất phù hợp với yêu cầu của vai diễn.

Minh Đức đóng vai thầy giáo Nguyễn Tất Thành khi cậu mới 22 tuổi. (Nguồn: Dân trí)

Theo đạo diễn Vũ Châu chia sẻ thì việc chọn Minh Đức cho vai thầy giáo Nguyễn Tất Thành là một lựa chọn đúng nhất. Trước hết là nam diễn viên này có bản lĩnh của một người được đào tạo trong trường lớp. Bên cạnh đó, Minh Đức có ngoại hình đẹp mà đây là tiêu chuẩn quan trọng vì Bác Hồ thời trẻ rất đẹp.

Minh Đức kể, thời điểm đoàn phim tìm kiếm vai diễn, cậu thuộc nhóm đến thử vai sau cùng. Ở lần diễn thử đầu tiên, đạo diễn Vũ Châu chỉ gật đầu nói “tạm được”. Buổi thứ hai, vì đã được học trong trường lớp nên nam diễn viên diễn xuất khá tự tin trước ống kính. Lần cuối cùng, khi thử về cả trang phục, tác phong, thần thái... mọi người vỗ tay khen ngợi. Thế là anh được chọn vào vai thầy giáo Nguyễn Tất Thành.

Cái khó đầu tiên của Minh Đức khi vào vai diễn này là do trước đó chưa có phim nào làm về thời niên thiếu của Bác Hồ nên anh không có nhiều tư liệu để tham khảo.

Nam diễn viên xứ Nghệ vừa tham khảo cùng lúc nhiều nguồn sách, kể cả sách người Pháp đương thời viết về Bác, vừa phải nghe qua lời kể của nhiều người, đối chiếu thêm các nguồn tài liệu đoàn phim tìm được.

Đặc biệt, do yêu cầu nên nam diễn viên đã phải học thêm tiếng Pháp từ một người giỏi tiếng Pháp trong đoàn phim, học thư pháp từ đạo diễn Vũ Châu và học võ cổ truyền từ thầy Thích Minh Đức ở Huế. Dẫu vậy, trước khi bước vào quay, nam diễn viên cũng mất nhiều đêm trằn trọc vì suy nghĩ và lo lắng.

Cho đến bây giờ, những kỷ niệm về thời gian đóng bộ phim này vẫn còn rõ mồn một trong ký ức của Minh Đức. Cảnh quay khó nhất của phim là lúc thầy giáo Nguyễn Tất Thành làm thông ngôn bằng tiếng Pháp cho nông dân trong cuộc biểu tình chống sưu cao thuế nặng, rồi cảnh quay mang lại nhiều sự thú vị nhất cho Minh Đức là cảnh thầy giáo Nguyễn Tất Thành đi biểu tình cũng như dạy học trò đá bóng... đều được nam diễn viên gói gém cất giữ như một phần ý nghĩa của tuổi trẻ.

(theo Dân trí)