Nghị lực của người “nhiều vai”
Nói chuyện với chị, nếu không để ý, người đối diện sẽ khó phát hiện được chị gặp khó khăn khi nghe và hiểu được người đối thoại chỉ qua cử động môi. Với sức nghe tai trái 115 dB (mức độ mất thính lực tối đa của con người là 120 dB), tai phải 93 dB, nhưng nhờ nỗ lực học cách đọc tín hiệu môi mà chị có khả năng giao tiếp gần như người nghe bình thường.
Sau một trận sốt năm 6 tuổi, cô bé Phương Hạnh bỗng dưng mất khả năng nghe. Tuy nhiên, với tinh thần ham học hỏi và không đầu hàng số phận, chị vẫn đến trường như bao người bạn đồng trang lứa khác. Chị Hạnh đã học qua thời phổ thông với điểm số các môn học rất tốt. Chị nhận được sự hỗ trợ của gia đình, sự cảm thông của nhà trường và bạn bè để vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập. Cô bé Hạnh tự tin bước lên giảng đường khoa Hóa, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh khóa 1988-1993.
Chị Dương Phương Hạnh tại một hội thảo về quyền người khuyết tật tổ chức tại Thái Lan, tháng 10/2016. (Ảnh:H.A) |
Tưởng con đường học vấn của chị suôn sẻ nhưng ít ai biết chị đã nỗ lực như thế nào để có thể đi trên hành trình đó như cách những người nghe bình thường bước đi. “Đặc biệt, lên bậc đại học, giảng đường rộng nên ngồi bên dưới, tôi hầu như không nghe gì. Thời đó, sách vở cũng không nhiều”, chị Hạnh chia sẻ. Tự học, tự tìm hiểu, mày mò nghiên cứu qua nhiều nguồn khác nhau là cách chị Hạnh “xoay xở” để trở thành kỹ sư hóa.
Nhưng con đường sự nghiệp của một người khả năng nghe không bình thường làm việc trong môi trường của những người nghe bình thường cũng không ít rào cản. Dù muốn giúp đỡ nhưng các đồng nghiệp của chị cũng không biết giúp như thế nào và ai cũng có công việc của mình cần phải hoàn thành. Chị Hạnh tâm sự: “Kỹ sư hóa mà không nghe được thật khó. Nhiều khi người khác hỏi mà không hiểu được, phải nhờ dịch lại và việc phải dịch lại làm người ta hiểu là không biết. Nhiều khi công việc của người đồng nghiệp bị gián đoạn vì phải giúp mình nên chị được yêu cầu phải làm nhiều việc hơn nữa”.
Bởi thế, chị Hạnh luôn tạo cho mình thói quen phải làm nhiều việc cùng lúc để tồn tại, không làm được sẽ mất việc. Thời gian làm việc của chị thường là từ thứ Hai đến Chủ Nhật, từ sáng sớm cho đến 11 giờ đêm. Cho đến bây giờ, khi đã là Giám đốc, chị vẫn giữ thói quen đó, thậm chí thời gian dành cho công việc còn nhiều hơn.
Mọi việc đều có thể
Gặp chị trong một Hội thảo về quyền người khuyết tật do Ủy ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR) tổ chức tại Thái Lan, chị khiến nhiều người bất ngờ bởi sự tin toát lên trong mọi tình huống.
Với vị trí người thuyết trình (speaker) trong một phiên của Hội thảo, chị tự tin trình bày bằng tiếng Anh về mô hình giáo dục dành cho người khiếm thính của CED, nhận được sự quan tâm của các đại biểu đến từ nhiều quốc gia trong khối ASEAN. Chị luôn tìm cách cách để “lên tiếng” ở các diễn đàn liên quan đến người khuyết tật để chia sẻ với thế giới về đời sống của người khiếm thính Việt Nam, về những việc họ đang làm, về những khó khăn, thiếu thốn họ đang đương đầu. Chị xem đó như là cơ hội để làm cầu nối cho những người khiếm thính Việt Nam.
Đặc biệt, nhiều lần chị nhấn mạnh “Everything is possible” (Mọi việc đều có thể), trong khi nói chuyện với các đối tác, nhấn mạnh trong các slide thuyết trình hay trong tờ rơi về Trung tâm. Chị bảo, câu này nghe có vẻ sáo mòn hay khẩu hiệu nhưng thực ra đó là tâm niệm, là quyết tâm không chùn bước trước khó khăn của chị và cũng là một sự khích lệ tinh thần cho những người đồng cảnh ngộ với chị.
Hình ảnh chị ngồi trên bàn chủ tọa, tự tin trình bày bằng tiếng Anh, trước rất nhiều đại biểu quốc tế đã là một minh chứng cho điều đó. Chị Hạnh cho biết, trước đây, thậm chí nói bằng tiếng Việt trước một ít người cũng đã là thử thách với chị: “Đôi khi chị nói dài dòng, không rõ ý, câu trả lời bắt nguồn từ khía cạnh mình suy nghĩ chứ không phải hướng tới câu trả lời”.
Nhận ra các điểm yếu của mình, chị Hạnh tích cực tham gia các khóa đào tạo, chủ động học và thay đổi cách giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp bằng tiếng Anh. “Nếu đặt bản thân mình vào trường hợp không nghe được, chỉ có thể nhìn qua chuyển động môi của người khác để nắm bắt thông tin, thì việc học ngoại ngữ giống như bạn trèo lên một bức tường cao không giới hạn vậy. Chỉ vậy thôi đã đủ hiểu chị có quyết tâm mạnh mẽ như thế nào", Lương Minh Tâm, một chuyên viên làm việc tại Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) cho biết.
Nhờ khả năng ngoại ngữ tốt và một tấm lòng luôn đau đáu với cộng đồng khiếm thính Việt Nam, chị kết nối được với rất nhiều bạn bè, đối tác nước ngoài làm việc trong cùng lĩnh vực. Dần dần, chị có rất nhiều cơ hội tham gia các hội thảo, các khóa đào tạo, tham gia các hoạt động của các tổ chức dành cho người khuyết tật. Hiện chị là Chủ tịch Liên đoàn người nghe kém châu Á – Thái Bình Dương.
Luôn suy nghĩ tích cực
Đã và đang trải nghiệm những khó khăn mà người khiếm thính gặp phải, chị Hạnh hiểu hơn ai hết những rào cản mà cộng đồng người khiếm thính đang phải vượt qua: “Khiếm thính là một khuyết tật ẩn nên cộng đồng không hiểu để giúp đỡ. Người khiếm thính (bao gồm người điếc, nghe kém) gặp rào cản về ngôn ngữ, bị thái độ kỳ thị. Hơn nữa, năng lực để hỗ trợ cho người khuyết tật của các cơ quan, tổ chức chưa cao, chưa có sự kết nối đồng bộ. Bản thân phụ huynh của những trẻ khiếm thính thường nghĩ số phận của con họ không thay đổi được hoặc trách nhiệm nhà nước phải lo – càng tăng thêm khó khăn cho người khiếm thính, khiến họ trở nên tự ti”.
Chị Dương Phương Hạnh chăm sóc một em nhỏ bị khiếm thính trong chuyến đi thực tế. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam) |
Biết khó khăn là vậy nhưng chị chưa bao giờ cho phép mình đổ lỗi những thất bại của bản thân vì mình là người khuyết tật. Ở chị, luôn tràn đầy một tinh thần lạc quan, nhiệt huyết và thái độ sống tích cực. Là Giám đốc điều hành của CED nhưng thực tế chị kiêm rất nhiều vai: là giáo viên, thông dịch, viết dự án gây quỹ, điều phối dự án, tìm nguồn hỗ trợ tài chính...
Được xem là doanh nghiệp xã hội đầu tiên và duy nhất của Việt Nam do chính người khiếm thính thành lập và phục vụ người khiếm thính, cung cấp các dịch vụ xã hội, giáo dục chuyên nghiệp, “bà chủ” của CED vẫn luôn trăn trở để tổ chức của mình có thể độc lập vươn lên mà không có sự trợ giúp của nhà nước: “Tôi đã từng rất buồn khi đọc email của một học sinh nói rằng tại vì đôi tai khuyết tật mà em thất bại trong cuộc sống. Đừng bao gờ đổ thừa tại khuyết tật. Chính khó khăn là điều kiện và cơ hội cho chúng ta phát triển”.
Tấm lòng với người khiếm thính
Với trái tim đồng điệu cùng những người khiếm thính, chị đã và đang làm nhiều việc để giúp đỡ, thay đổi những số phận không may mắn: hỗ trợ hết sức để trẻ nghèo có máy trợ thính đeo; nỗ lực tối đa để dạy ngôn ngữ ký hiệu cho người nghe bình thường; giới thiệu học nghề và giới thiệu việc làm miễn phí; chia sẻ về khiếm thính để cộng đồng có thể làm việc và hiểu về người khiếm thính nói chung và người điếc, nghe kém nói riêng.
Trong các ưu tiên của chị, việc giúp đỡ để trẻ em nghèo có máy trợ thính được quan tâm hàng đầu: “Máy trợ thính rất quan trọng đối với người khiếm thính. Không có máy đồng nghĩa với việc bị cô lập với thế giới của những người nghe bình thường. Tôi đi tìm những máy đã qua sử dụng ở châu Âu, ở Mỹ, kêu gọi các cá nhân, tổ chức hỗ trợ”. Đến nay, CED đã tặng trên 200 máy đã qua sử dụng, 200 máy mới cho những người khiếm thính. Chị Hạnh cho biết, hiện đang có gần 1.000 đơn của phụ huynh gửi đến CED xin được hỗ trợ máy trợ thính cho trẻ khiếm thính.
Chị biết, để cộng đồng người khiếm thính Việt Nam bớt đi những rào cản và thiệt thòi, chị sẽ vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, với những người từng tiếp xúc và làm việc với chị - người luôn lắng nghe “bằng mắt và tim” – tin rằng chị sẽ thực hiện được những tâm nguyện mà chị dành cho cộng đồng người khiếm thính.