📞

Có gì trong Sách Trắng Brexit?

10:58 | 13/03/2017
Mới đây, Chính phủ Anh đã công bố Sách Trắng Brexit về các ưu tiên trong đàm phán Brexit của Anh.

Kể từ khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) hồi tháng 6/2016, đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh đã luôn phải hứng chịu những chỉ trích gay gắt do sự không chắc chắc xung quanh vấn đề này. Phe đối lập liên tục chỉ trích cách tiếp cận của Thủ tướng Anh Theresa May đối với vấn đề Brexit, khẳng định rằng cách tiếp cận này sẽ gây ra những thiệt hại vô cùng lớn.

Mặc dù Bộ trưởng phụ trách Brexit David Davis ban đầu đã bác bỏ ý tưởng soạn thảo Sách Trắng Brexit, song Chính phủ Anh cuối cùng đã công bố một tài liệu về các ưu tiên trong đàm phán Brexit của Anh với hy vọng sẽ làm sáng tỏ vấn đề rắc rối này. Sách Trắng thực sự nói gì? Mặc dù tài liệu này dài 75 trang, song các thông tin được đánh giá là còn “rất sơ sài” so với mục đích: “Để Chính phủ có thể đạt được kết quả tốt nhất trong các cuộc đàm phán, chúng ta cần giữ vững lập trường và đôi lúc cần cẩn thận trước các bình luận công khai”.

Tài liệu về các ưu tiên trong đàm phán Brexit của Anh. (Nguồn: Reuters)

Về luật pháp

Tất cả các luật lệ sẽ không thay đổi cho đến ngày Điều 50 Hiệp ước Lisbon được kích hoạt và sau đó Chính phủ Anh sẽ phải quyết định xem cần giữ lại và thay đổi những điều luật nào. Điều này nằm trong Dự luật Hủy bỏ Lớn – một dự luật chưa được ban hành, cho phép luật pháp EU được chuyển đổi sang luật nội địa cho đến khi có những thay đổi thích hợp. Tuy nhiên, những người phản đối Chính phủ Anh lo sợ dự luật này sẽ áp dụng những điều khoản Henry VIII (cho phép văn bản dưới luật có thể thay đổi, hủy bỏ hoặc bổ sung văn bản luật) vào các luật lệ hậu Brexit, trong khi vẫn tránh được sự giám sát theo quy định của Nghị viện.

Bên cạnh đó, Sách Trắng Brexit khẳng định quyền của người lao động sẽ được bảo vệ. Sách Trắng nêu rõ “luật về việc làm của Anh có những quy định còn vượt trên cả những tiêu chuẩn trong luật pháp EU”, nên Brexit sẽ không gây ra bất kì ảnh hưởng tiêu cực nào.

Về chính sách nhập cư

Tự do đi lại sẽ chấm dứt. Theo Chính phủ Anh, kiểm soát việc nhập cư và tự do đi lại của công dân Anh và công dân EU chi phối lẫn nhau bởi "tình trạng nhập cư khó có thể kiểm soát toàn diện nếu người dân từ EU vẫn có thể tự do đến Anh”.

Quan điểm chung giữa Anh và EU về chính sách nhập cư có kiểm soát này dường như còn rất mơ hồ: “Chúng ta sẽ tạo ra một hệ thống nhập cư cho phép chúng ta kiểm soát số lượng dân di cư, cũng như tạo ra những điều tươi sáng nhất cho đất nước này, như một phần để tạo ra một tương lai ổn định và thịnh vượng cùng với EU và những đối tác châu Âu khác”, Sách Trắng Brexit viết.

Ngoài ra, Sách Trắng cũng đã phác thảo những tham vọng để “bảo vệ công dân EU đang sống ở Anh cũng như công dân Anh đang sống ở các quốc gia thành viên EU khác”. Sách Trắng cho biết, Chính phủ Anh sẽ hoàn thành nỗ lực đàm phán Brexit trong khoảng thời gian hai năm theo quy định, song giới chuyên gia cho rằng điều này khó có thể khả thi.

Thủ tướng Anh Theresa May với quyết tâm theo đuổi một Brexit cứng. (Nguồn: Daily Squat)

Về thương mại tự do

Chính phủ Anh không mong đợi nước mình sẽ trở thành một phần của thị trường chung nữa, song họ vẫn muốn “tiếp tục theo đuổi nó thay vì tạo ra một mối quan hệ đối tác chiến lược mới với EU”. Điều đó có nghĩa là việc khai thác các khía cạnh của thỏa thuận về thị trường chung sẽ khiến quá trình Anh rời EU trở nên dễ dàng hơn. Anh sẽ không tận dụng bất kì thỏa thuận thương mại hiện hành nào mà được một nước khác sử dụng nữa (giống như mô hình của người Bắc Âu). Do đó, Anh sẽ tìm cách để tăng cường giao thương với các nước ngoài EU, chẳng hạn như Trung Quốc và Brazil, những nước mà theo Anh “đã thể hiện sự quan tâm của họ trong việc đẩy mạnh mối quan hệ thương mại” với Anh. “EU vẫn là một đối tác thương mại quan trọng với Anh, song tầm quan trọng của các thị trường khác ngoài EU đang tăng lên đáng kể”, Sách Trắng Brexit viết.

Liệu Anh có phải đóng góp cho ngân sách EU?

Khả năng là có. Mặc dù Anh sẽ không phải trả phí như một nước thành viên nữa, song vẫn có những chương trình mà Anh đã cam kết sẽ chi trả trước khi rời EU cũng như những chương trình trong tương lai. Sách Trắng khẳng định: “Có những chương trình của châu Âu mà chúng tôi có thể muốn tham gia. Nếu vậy, việc đóng góp một khoản cũng là điều hợp lý”. 

(theo newstatesman.com)