📞

Cô giáo mở những lớp học không biên giới

Nguyệt Anh 15:04 | 15/12/2020
Bằng tâm huyết và sự sáng tạo, cô giáo Hà Ánh Phượng - giáo viên Việt Nam đầu tiên vào top 10 giáo viên toàn cầu 2020, đã kết nối học sinh của mình với giáo viên và học sinh nước ngoài, mở ra những lớp học không biên giới, cho học sinh thực hiện các dự án quốc tế như 'nói không với ống hút nhựa', 'phòng chống bạo lực trên không gian mạng'...
Cô giáo Hà Ánh Phượng là giáo viên Việt Nam đầu tiên lọt top 10 Giáo viên toàn cầu 2020. (Ảnh: NVCC)

Cứ như vậy, khoảng cách địa lý dường như thu hẹp, những học trò của cô giáo Hà Ánh Phượng từ vườn chuối vẫn có thể trở thành công dân toàn cầu.

Động lực nào và ý tưởng đến từ đâu khiến cô thay đổi mô hình lớp học truyền thống thành lớp học không biên giới?

Tôi luôn nghĩ tiếng Anh là sinh ngữ, bất kỳ ai học nó đều cần môi trường để được giao tiếp. Ban đầu tôi chỉ tổ chức giao lưu trực tuyến dưới hình thức nói chuyện về văn hóa để học sinh làm quen trong một học kỳ. Sau đó tôi nghĩ tại sao không linh hoạt?

Tôi sử dụng mô hình lớp học đảo ngược: cho các em nghiên cứu bài vở và làm bài tập trước, sau đó mới kết nối với lớp học của các bạn nước ngoài. Có lần các em Việt Nam biểu diễn quan họ, còn các bạn Indonesia thuyết trình về một nhạc cụ dân tộc. Các em trao đổi rất vui và có những kiến thức vượt ngoài sách giáo khoa.

Kết nối và “đi” trên 40 quốc gia, cô trò đã học được những gì?

Việc để học trò tự tin nói chuyện với người nước ngoài không phải dễ dàng. Tôi nhớ buổi học trực tuyến đầu tiên, tôi đã kết nối học trò với một thầy giáo người Brazil về chủ đề bóng đá. Nhưng khi thầy giáo xuất hiện trên màn hình, học trò của tôi rất ngại ngùng, bối rối.

Hôm sau, thay vì chỉ kết nối với giáo viên, tôi nhờ thầy giáo người Brazil này sắp xếp một buổi gặp gỡ với những học sinh bằng tuổi người Brazil. Dần dần, học trò không còn cảm thấy e ngại mà hào hứng, nhập cuộc hơn trong những tiết học xuyên biên giới.

Có thể nói, cô trò học được những giá trị tích cực như văn hóa tự học, tự nghiên cứu, văn hóa chia sẻ. Thay vì thờ ơ, học sinh đã chia sẻ tích cực và hưởng ứng, học được cách làm việc theo nhóm, chủ động bày tỏ quan điểm của mình. Trong lớp dường như không có khoảng lặng. Giáo viên chỉ đóng vai trò điều phối từng công đoạn, còn học sinh sẽ được làm chủ nội dung.

Cứ như vậy, lứa học sinh của tôi đã “đi” trên 40 quốc gia, chúng tôi đã học được văn hóa tự học, văn hóa chia sẻ, sự tự tin, những kỹ năng giải quyết vấn đề để xây dựng một cộng đồng học tập tích cực.

Cô giáo Hà Ánh Phượng nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: Vietnamnet)

Việt Nam đã trải qua nhiều lần cải cách giáo dục, từ kinh nghiệm của bản thân, cô góp ý gì để học sinh Việt có thể bước ra thế giới một cách nhanh và dễ dàng hơn?

Giáo dục là vũ khí mạnh nhất thay đổi được thế giới. Với tôi, giáo dục không chỉ dạy kiến thức mà hướng đến phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của một con người. Bản thân tôi luôn tâm niệm người làm giáo dục phải không ngừng học để tránh bị tụt hậu. Ngoài ra tôi luôn trong tâm thế chia sẻ kiến thức.

Thế kỷ 21 đưa ra cho học sinh rất nhiều thách thức và cả những cơ hội. Tôi nghĩ, quan trọng là học sinh cần phải tự tin, linh hoạt trong mọi tình huống. Có thể không cần giỏi tất cả các môn, nhưng ít nhất các em phải giỏi một lĩnh vực nào đó, chẳng hạn em không giỏi toán nhưng giỏi mỹ thuật.

Đồng thời, các em phải không ngừng học hỏi, trau dồi và phát triển chuyên môn. Giáo viên cũng vậy, giống cái mốc định vị của mỗi người với thế giới này. Nếu một người hờ hững về chuyên môn, không có kiến thức sẽ mờ nhạt, không có điểm nhấn trong xã hội, không có điểm nhấn trong đám đông.

Vậy người thầy phải thay đổi như thế nào để thích nghi, theo cô?

Tôi quan niệm, khi thầy cô thay đổi, học sinh sẽ thay đổi. Do đó, tôi luôn nỗ lực hết mình để dạy học bằng các phương pháp sáng tạo. Tôi mong các em luôn chủ động, tự tin, để sẵn sàng bắt kịp và hòa nhập với sự phát triển tri thức toàn cầu.

Tôi nghĩ, trước tiên người thầy cần một tinh thần học hỏi cao và phải thay đổi quan điểm, phải có niềm tin trong quá trình thay đổi. Người thầy phải áp dụng linh hoạt những bài học này kết hợp với sách giáo khoa.

Trong sách giáo khoa có chủ đề văn hóa giao tiếp, sẽ so sánh Việt Nam với một quốc gia khác trên thế giới, như Việt Nam với Singapore, Việt Nam với Indonesia. Với những tiết học này có thể mời những học sinh hoặc giáo viên của quốc gia đó để mình hiểu thêm về nội dung sách giáo khoa đang viết, chứ không đơn thuần là kết nối để giao tiếp, để vui chơi hay giới thiệu về văn hóa.

Ví dụ, khi học đến bài đọc về Dangdut – một loại nhạc dành cho giới trẻ của Indonesia, thay vì để học sinh đứng lên đọc bài, tìm ra ý chính, sau đó trả lời các câu hỏi trong sách là hoàn thành yêu cầu, tôi lại kết nối các em với lớp học ở Indonesia để tạo ra một buổi chia sẻ về sự khác nhau giữa quan họ và nhạc Dangdut. Học sinh cả hai nước sẽ cùng trình diễn, múa hát cho nhau nghe. Vì thế, ai cũng cảm thấy thích thú và hào hứng.

Cô trò chụp ảnh kỷ niệm. (Ảnh: NVCC)

Nhiều năm trở lại đây, người ta nói nhiều đến cụm từ “công dân toàn cầu”, “hội nhập quốc tế”, “chuyển đổi số”. Theo cô, học sinh của mình đang thiếu và yếu những kỹ năng gì?

Học sinh của tôi thiếu những kỹ năng như giải quyết vấn đề, văn hóa đọc, văn hóa chia sẻ. Trong quá trình học, các em đã học hỏi được rất nhiều từ học sinh nước ngoài để thay đổi.

Một trong những điều tôi hay nói cho học sinh của mình là chúng ta đang sống trong bối cảnh hội nhập quốc tế, hòa nhập nhưng đừng hòa tan. Trong quá trình thiết kế những bài giảng cho học sinh của mình, tôi luôn nhấn mạnh việc các em học hỏi được cái hay cái đẹp của các bạn. Tuy nhiên, các em cũng phải quảng bá được vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, đây cũng là cơ hội để các em tìm hiểu thêm, củng cố thêm văn hóa của nước mình.

Trong mắt nhiều người, cô như một “đại sứ giáo dục”. Vậy cô muốn truyền cảm hứng gì đến các giáo viên khác?

Tôi nghĩ câu chuyện của mình được truyền thông ưu ái rất nhiều nên cũng tạo ra nguồn năng lượng tích cực cho các thầy cô giáo khác. Từ đó để mọi người hiểu rằng không phải chỉ những thầy cô giáo ở thành phố hay nơi có nền kinh tế phát triển mới có thể làm nên những điều tuyệt diệu cho học sinh của mình.

Tôi luôn có niềm tin, các em học sinh dân tộc thiểu số hoàn toàn có khả năng học ngoại ngữ. Chỉ cần được trao cơ hội, bất kỳ học sinh nào cũng có thể phát huy được khả năng của bản thân. Và dù ở đâu, học trò cũng đều được thừa hưởng một nền giáo dục tốt nhất.

Cảm ơn cô!

Hà Ánh Phượng là giáo viên Việt Nam đầu tiên vào top 10 và cũng là người trẻ tuổi nhất được Ban Tổ chức Giải thưởng giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize 2020) do Varkey Foudation lựa chọn, cùng với 9 giáo viên khác đến từ Italy, Brazil, Vương quốc Anh, Mỹ, Nam Phi, Nigeria, Ấn Độ, Malaysia và Hàn Quốc.

Cô Hà Ánh Phượng là giáo viên tiếng Anh Trường THPT Hương Cần, tỉnh Phú Thọ, đã có nhiều sáng kiến tổ chức thành công mô hình lớp học xuyên biên giới, tổ chức nhiều chương trình giảng dạy miễn phí cho học sinh trong và ngoài nước, và nhiều chương trình liên quan đến dạy tiếng Anh có ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương.

(thực hiện)