Cô Phạm Thị Bích Hạnh (hàng trước, thứ ba từ trái sang) tại giảng đường cùng các sinh viên của mình. |
Sinh năm 1957 và lớn lên ở Hà Nội, cô Phạm Thị Bích Hạnh có bằng cử nhân kinh tế Đại học Tổng hợp Hà Nội và từng làm việc tám năm ở Viện Kinh tế thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Cuối năm 1989, việc được cử sang Đức làm nghiên cứu sinh đã đưa cô đến với công việc hoàn toàn mới mẻ nhưng nhiều ý nghĩa tại thành phố Berlin…
Nơi tiếng Việt được nuôi dưỡng
Với công việc chính là dạy học và phiên dịch Việt – Đức, cô Phạm Thị Bích Hạnh có một cuộc sống gia đình rất êm đềm với mức thu nhập đủ sống ở mức trung bình trong xã hội Đức. Lý do đưa cô đến việc giảng dạy tiếng Việt là vào năm 1994, khi đang làm nghiên cứu sinh tại Viện Đông Nam Á, cô được Viện trưởng mời vào nhóm dạy tiếng Việt cấp tốc cho một nhóm sinh viên Đức đã tốt nghiệp sang Việt Nam thực tập theo chương trình học bổng của Đức.
Lúc này, cô Hạnh cảm thấy hơi e ngại vì bản thân chưa từng dạy tiếng Việt, lại dạy cho những người Đức, trong khi tiếng Đức cũng chưa thuần thục. Và rồi, sau mấy năm là trợ giảng, cô trở thành giảng viên chính thức.
Tiếng lành đồn xa, từ hơn 10 năm trở lại đây, cô giáo Hạnh luôn được nhiều trường đại học và cơ quan của Chính phủ Đức mời dạy tiếng Việt và giành được tình cảm yêu mến của các học sinh, sinh viên tại đây.
Theo cô Hạnh, không khí tại các lớp học của cô luôn sôi nổi. Cô đã sử dụng phương pháp kết hợp nghe-nói-đọc-viết, lấy người học làm trung tâm để họ chủ động trong việc luyện tốt các kỹ năng. Khi giảng dạy, cô Hạnh vận dụng các chủ đề rất thực tiễn như: chào hỏi, làm quen, gọi taxi, trong công sở, đi thăm một gia đình người Việt, đăng ký đi du lịch, hỏi đường, khám bệnh, đăng ký hộ khẩu tạm trú… mang lại nhiều hứng thú, thiết thực cho người học.
Ý thức được làm công việc "tay ngang" nên cô Hạnh đã phải tự học rất nhiều từ các sách giảng dạy tiếng Việt của các tác giả viết bằng tiếng Đức và các chuyên gia giảng dạy ở Việt Nam. Tuy thu nhập từ việc dạy học không bằng phiên dịch, nhưng cô vẫn dành nhiều tâm huyết cho việc dạy học hơn.
Không chỉ yêu thích công việc, mỗi giờ dạy tiếng Việt đều mang lại cho cô Hạnh niềm hứng khởi mạnh mẽ. Cô mong muốn truyền đạt được cái hay cái đẹp của tiếng Việt đến với các sinh viên. Theo cô, các sinh viên Đức có mục tiêu rõ ràng là học tiếng Việt để đi thực tập ở Việt Nam nên học rất chăm chỉ và đạt kết quả tốt.
Cô Hạnh cho biết, lớp học tiếng Việt hiện nay ở Đại học Tổng hợp Humboldt - Universitat zu Berlin có 13 sinh viên, trong đó có người gốc Việt (chiếm khoảng 45%). Các em đều rất hòa đồng với môi trường học tại Đức. Trong lớp, những học sinh này thường học tốt hơn nên luôn giúp đỡ nhiệt tình các bạn người Đức.
Sứ giả của văn hóa truyền thống
Với cô Hạnh, mỗi buổi lên lớp còn mang cho cô niềm tự hào về tiếng mẹ đẻ. Mỗi chủ đề bài giảng của cô đều có phần “Đất nước” giúp cho các sinh viên hiểu được về phong tục, tập quán, danh lam thắng cảnh, lịch sử, nền văn hóa và các dân tộc Việt Nam. Trên bục giảng, cô mong muốn giống như một sứ giả có thể truyền tải được văn hóa truyền thống Việt Nam tới các sinh viên Đức, đặc biệt là khơi dậy ý thức về nguồn cội trong các sinh viên gốc Việt.
Tuy nhiên, việc tiếp thu văn hóa truyền thống của thế hệ kiều bào thứ hai, thứ ba ở từng người rất khác nhau. Cô trăn trở: “Nhiều bố mẹ do bận bịu công việc, không coi trọng việc giáo dục con cái hướng về cội nguồn dẫn đến nhiều em không biết tiếng Việt, thậm chí còn không thích người Việt…”, cô Hạnh chia sẻ.
Cũng theo cô, khó khăn khác nữa là cộng đồng người Việt ở Berlin bao gồm rất nhiều thành phần khác nhau. Tuy nhiên, họ đang cố gắng gắn kết lại, giúp đỡ nhau trong làm ăn, sinh sống bằng các hội đoàn, hội đồng hương… Các hội đoàn này đã chú ý đến việc dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho các thế hệ thứ hai, thứ ba dù các lớp học vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng cũng như chất lượng.
Hiện tại, chính quyền ở một số quận của thành phố Berlin đã quan tâm đến vấn đề dạy tiếng Việt cho người gốc Việt và đã đưa tiếng Việt vào giảng dạy ở nhiều trường. Cô Hạnh cho rằng đó chính là tín hiệu tốt đẹp cho tương lai của người Việt và văn hóa Việt tại Đức.
Là người mẹ có con trai sinh sống tại Đức từ năm 7 tuổi, cô Hạnh hiểu những khó khăn của quá trình hơn 20 năm giáo dục con để không quên đi nguồn cội. Con trai cô đã học xong thạc sỹ ở Berlin, hiện là nghệ sĩ guitar cổ điển vừa đi giảng dạy vừa biểu diễn ở Đức và các nước châu Âu khác. Bên cạnh tiếng Đức phổ thông, anh vẫn nói tiếng Việt thành thạo và vẫn hiểu được các phong tục, văn hóa truyền thống.
Phương pháp giáo dục con trai của cô Hạnh rất đơn giản, “chỉ cần khi ở nhà, bố mẹ dùng tiếng Việt trong giao tiếp là cháu đã hiểu được phần nào. Gia đình tôi luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ với họ hàng ở Việt Nam. Cứ khoảng 4-5 năm một lần, cả gia đình tôi lại sắp xếp về Việt Nam. Vào những ngày Tết, ngày lễ của Việt Nam, tôi đều giải thích cho con hiểu về ý nghĩa sâu sắc của các phong tục truyền thống”.
HẢI THANH