📞

Có hẹn với Cao Bằng!

Nguyên An 20:43 | 08/07/2024
"Lên Cao Bằng quê anh, xin em đừng làm lạ, Mời rượu cả chum, mời quả cả cây, Tết tháng Giêng hẹn từ tháng Bảy, Tin nhau không nói nhiều lời".*
Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm tại Nhà khách Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Trường Ninh)

Sự mến khách của những con người miền biên ải, vẻ đẹp của “viên ngọc xanh” núi rừng Việt Bắc, hương vị những món ăn tinh túy từ thiên nhiên vẫn đọng trong tâm trí mỗi chúng tôi khi đoàn trở về Hà Nội sau hai ngày lên Cao Bằng để học, để trải nghiệm thực tế về công tác biên giới, lãnh thổ.

Nằm trong Chương trình bồi dưỡng kỹ năng đối ngoại và tập huấn kiến thức biên giới lãnh thổ dành cho cán bộ quy hoạch, lãnh đạo quản lý do Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Ngoại giao và Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại (FOSET) - Học viện Ngoại giao tổ chức, chương trình tham quan thực tế tỉnh Cao Bằng diễn ra trong hai ngày 5-6/7 mang đến cho các học viên những kiến thức và trải nghiệm bổ ích.

Những đúc kết quý giá

Vượt gần 300 km từ Hà Nội, sau điểm dừng chân tìm hiểu về Ải Chi Lăng (Lạng Sơn), đoàn chúng tôi đến Cao Bằng vào đầu giờ chiều và tham gia ngay chương trình tọa đàm tìm hiểu về công tác biên giới lãnh thổ, sự phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và tỉnh Cao Bằng nhằm xây dựng, duy trì biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Tham dự tọa đàm, về phía Bộ Ngoại giao có sự hiện diện của Đại sứ Hồ Xuân Sơn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Đại sứ Đặng Đình Quý, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Đoàn Văn Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới Việt - Trung, Ủy ban Biên giới quốc gia và các cán bộ của Bộ Ngoại giao - học viên của khóa học.

Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Trường Ninh)

Về phía đại biểu tỉnh Cao Bằng, tọa đàm có sự tham dự của ông Đàm Văn Eng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Cao Bằng; ông Phạm Văn Cao, Giám đốc Sở Ngoại vụ; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, UBND 7 huyện biên giới và các cán bộ Sở Ngoại vụ tỉnh Cao Bằng.

Cả hội trường tầng 3 khách sạn Nhà khách Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh kín người ngồi. Không cần phông nền như một số cuộc tọa đàm thông thường, những người chủ trì và tham gia chương trình cũng không phụ thuộc vào máy chiếu, slide hay bài phát biểu soạn sẵn vì dường như công tác biên giới lãnh thổ đã ngấm vào máu, vào hơi thở.

Gần 4 thập kỷ gắn bó với công tác biên giới lãnh thổ, không thể nhớ hết bao nhiêu chuyến đi thực địa, tham gia bao nhiêu cuộc đàm phán, nhưng nguyên Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn vẫn nhớ như in đường biên ấy dài bao nhiêu cây số, có bao nhiêu cột mốc, cột mốc ấy nằm ở vị trí nào… Với thời gian 8 năm làm Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, đúng vào những thời điểm quan trọng của quá trình đàm phán, phân giới cắm mốc trên bộ với Trung Quốc, Lào và Campuchia, những chia sẻ của Đại sứ Hồ Xuân Sơn về công tác biên giới, lãnh thổ là những trải nghiệm thực tiễn, đúc kết quý giá đối với các đại biểu tham dự tọa đàm.

Các đồng chí chủ trì và diễn giả tại Tọa đàm. (Ảnh: Trường Ninh)

Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh, trong các nhiệm vụ của đối ngoại Việt Nam, có hai nhiệm vụ rất quan trọng, đó là bảo vệ chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và tạo môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển. Cả hai công việc này đều liên quan đến công tác biên giới lãnh thổ, đến các tỉnh biên giới. Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, việc Việt Nam và Trung Quốc đàm phán, ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền và hoàn thành việc phân giới cắm mốc là thành tựu có ý nghĩa lịch sử; là một thời cơ quan trọng nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, buổi tọa đàm “là cơ hội tuyệt vời để các học viên có cảm nhận người biên cương như thế này, đất biên cương như thế này, biên giới lãnh thổ như thế này…”

Bài học thực tiễn

Như kỳ vọng của các đại biểu tham gia buổi tọa đàm, chia sẻ của những người chủ trì và các diễn giả đã giúp các học viên hiểu được ý nghĩa của việc hoàn thành phân giới cắm mốc đến những công việc hiện nay của địa phương, đặc biệt là nhiệm vụ của tỉnh Cao Bằng trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới trên thực địa, quan hệ với địa phương nước láng giềng; việc quản lý đường biên, mốc giới, vận hành hoạt động tại cửa khẩu biên giới ra sao…

Với đường biên giới dài trên 333,3 km, Cao Bằng giáp Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, có lợi thế phát triển kinh tế cửa khẩu với 1 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu song phương và một số cặp cửa khẩu khác sẽ được mở/nâng cấp trong thời gian tới. Cao Bằng là tỉnh có đường biên giới dài nhất trong số 7 tỉnh trên tuyến Việt Nam - Trung Quốc, có tổng số 634 cột mốc, trong đó bao gồm 469 cột mốc chính, 165 cột mốc phụ.

Các đồng chí chủ trì và diễn giả tại Tọa đàm. (Ảnh: Trường Ninh)

Ông Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Cao Bằng cho biết: Đại hội đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2000 - 2025 xác định có 3 nhiệm vụ đột phá: Phát triển du lịch - dịch vụ bền vững; phát triển nông nghiệp thông minh và phát triển kinh tế cửa khẩu. Đây là những nhiệm vụ liên quan đến công tác biên giới rất nhiều. Do vậy, Sở Ngoại vụ với vai trò là cơ quan chuyên môn của tỉnh đã tích cực phối hợp với Bộ Ngoại giao và các sở, ngành địa phương liên quan tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại, góp phần xây dựng và duy trì đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Về công tác quản lý biên giới, Giám đốc Sở Ngoại vụ Cao Bằng Phạm Văn Cao chia sẻ: Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng rất quan tâm coi trọng phát triển quan hệ với Trung Quốc, trong đó có tỉnh Quảng Tây. Tỉnh tích cực tham gia các cơ chế giao lưu cấp tỉnh, ráo riết triển khai các thỏa thuận giữa hai bên. Trong quá trình trao đổi, giải quyết các vấn đề phát sinh trên biên giới luôn luôn trên tinh thần hợp tác và tuân thủ đầy đủ các hiệp định về quản lý biên giới, quy chế quản lý biên giới và biên bản thỏa thuận hai bên.

Không chỉ dừng lại ở các cơ chế giao lưu cấp tỉnh, theo ông Phạm Văn Cao, trong những năm qua, giao lưu ở các huyện biên giới diễn ra sôi nổi và thực chất. Hầu hết các huyện của Cao Bằng đều sang các huyện biên giới khác của Trung Quốc tham dự các chương trình giao lưu kết nghĩa. Huyện Hà Quảng mời huyện Nà Po, thành phố Tịnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc sang giao lưu. Thông qua Chương trình kết nghĩa xóm bản, các huyện đều có xóm, bản biên giới kết nghĩa.

Đóng góp vào công tác đối ngoại, giao lưu nhân dân phải kể đến vai trò quan trọng của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Cao Bằng, trong đó có Hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc tỉnh Cao Bằng. Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh Cao Bằng Đàm Văn Eng cho biết: Quan hệ giao lưu nhân dân giữa các địa phương tỉnh Cao Bằng và Quảng Tây (Trung Quốc) diễn ra rất sôi động. Làm tốt công tác quản lý biên giới không chỉ giúp chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống tội phạm xuyên biên giới… mà còn tạo điều kiện cho giao lưu nhân dân. “Bản chất của giao lưu xóm bản biên giới hai bên, nhất là những nơi kết nghĩa chính là đối ngoại nhân dân, là nền tảng để xây dựng biên giới thực sự hữu hảo, hữu nghị, đoàn kết, tạo điều kiện tăng cường giao lưu kinh tế”, ông Eng nhấn mạnh.

Chuyến thực địa ý nghĩa

Ngày thứ hai ở Cao Bằng, đoàn xuất phát đến thác Bản Giốc, cách trung tâm thành phố Cao Bằng hơn 70 cây số. Qua đèo Mã Phục, đèo Khau Liêu, lướt qua những dãy núi đá vôi cao sừng sững, những ruộng ngô vàng vào mùa thu hoạch, những đồng giong riềng hoa đỏ… đoàn đến thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh lúc trời bắt đầu đổ nắng gắt.

Thác Bản Giốc - Đức Thiên nhìn từ phía Việt Nam. (Ảnh: Nguyên An)

Và chương trình tập huấn, bồi dưỡng về biên giới lãnh thổ trên thực địa thực sự bắt đầu! Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn và Đặng Đình Quý chia sẻ về quá trình đàm phán về Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), về chặng đường hai bên Việt Nam-Trung Quốc đi đến thống nhất vận hành thí điểm khai thác du lịch tại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) từ ngày 15/9/2023 vừa qua.

(Từ trái qua) Đại sứ Hồ Xuân Sơn, Đại sứ Đặng Đình Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới Việt - Trung Đoàn Văn Nam, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Cao Bằng Phạm Văn Cao và đại diện Trạm kiểm soát thác Bản Giốc. (Ảnh: Chí Trung)

Giám đốc Sở Ngoại vụ Cao Bằng Phạm Văn Cao, nguyên Bí thư huyện Trùng Khánh, giới thiệu cặn kẽ cho các thành viên trong đoàn về những thuận lợi, khó khăn trong vận hành mô hình hợp tác bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc).

Buổi trao đổi trên thực địa diễn ra trước tòa nhà Trạm kiểm soát thác Bản Giốc. (Ảnh: Quang Huy)

Các thành viên trong đoàn có dịp được ngắm thác Bản Giốc từ nhiều góc độ, thăm Trạm kiểm soát thác Bản Giốc, được giải thích về ý nghĩa từng con số trên các cột mốc...

Hẹn ngày gặp lại!

Chị Tống Thị Thanh Thủy, cán bộ Cục Ngoại vụ chia sẻ: “Chuyến đi thực tế và những chia sẻ của hai Đại sứ, lãnh đạo Sở Ngoại vụ, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Cao Bằng, lãnh đạo huyện Trùng Khánh đã đem đến cho các cán bộ ngoại giao chúng tôi những kiến thức quý báu và những trải nghiệm hết sức bổ ích, giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về ý nghĩa chiến lược của các địa phương vùng biên giới cũng như những khó khăn, vất vả của chính quyền địa phương, của các chiến sĩ và dân quân trong việc bảo vệ vững chắc vùng “phên dậu” của Tổ quốc”.

Sau chuyến tham quan thực tế, dường như các thành viên trong đoàn đều định sẵn kế hoạch trở lại mảnh đất vùng Việt Bắc này. Trước khi lên xe rời Trùng Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới Việt - Trung, Ủy ban Biên giới quốc gia Đoàn Văn Nam vẫn bận rộn trao đổi với chuyên viên Phòng Quản lý biên giới, Sở Ngoại vụ Cao Bằng Nông Thị Yến về chương trình tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về công tác biên giới lãnh thổ cho các cán bộ, công chức tỉnh Cao Bằng diễn ra trong những ngày tới. Trung bình mỗi năm có khoảng 10 chuyến công tác lên Cao Bằng, có khi đi thực địa biên giới cả tháng, cũng dễ lý giải tại sao, Cao Bằng lại thân thuộc với anh Nam đến thế!

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Trạm kiểm soát thác Bản Giốc. (Ảnh: Trưởng Ninh)

Anh Nguyễn Tuấn Khanh, cán bộ Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO cho biết, năm 2018, anh đang công tác tại Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, được vinh dự hỗ trợ Đoàn tỉnh Cao Bằng sang Paris dự Kỳ họp Hội đồng chấp hành UNESCO công nhận Công viên địa chất non nước Cao Bằng là công viên địa chất toàn cầu UNESCO; kể từ khi được công nhận, UNESCO và các chuyên gia quốc tế đánh giá cao công tác bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng. Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng và Bộ Ngoại giao đồng chủ trì Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới công viên địa chất khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ ngày 8-15/9/2024 tại tỉnh Cao Bằng. Khanh chia sẻ, chắc rằng tháng 9 này, anh cũng sẽ trở lại Cao Bằng!

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao nhiều lần nhấn mạnh, đối ngoại địa phương là một binh chủng hợp thành quan trọng của đối ngoại. Bộ Ngoại giao đề cao tinh thần phụng sự, luôn coi trọng hỗ trợ, hướng dẫn và đồng hành cùng các địa phương trong tất cả các lĩnh vực ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, biên giới lãnh thổ, truyền thông đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước, bảo hộ công dân... Trong các trao đổi của của Lãnh đạo Sở Ngoại vụ tỉnh Cao Bằng, Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Cao Bằng cũng luôn nhấn mạnh sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực, sự phối hợp tích cực của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, của Ủy ban Biên giới quốc gia và các đơn vị khác trong Bộ đối với công tác đối ngoại của tỉnh.

Với nhiều thành viên trong đoàn, hai ngày ở Cao Bằng mới chỉ kịp hiểu một số nét chấm phá trong bức tranh thủy mặc của vùng đất này. Khu di tích Pác Bó, Khu di tích Kim Đồng, động Ngườm Ngao, núi Mắt Thần, chợ phiên Bảo Lạc… bao nhiêu địa danh lịch sử, thắng cảnh thiên nhiên, các làng nghề, các mô hình phát triển kinh tế đáng được ghé thăm, cần được kết nối, giới thiệu rộng rãi đến bạn bè quốc tế. Đây cũng chính là thế mạnh, là nhiệm vụ của các cán bộ ngoại giao!

Và có thể tin chắc rằng, những kiến thức quý thu nhận được từ chuyến đi thực địa Cao Bằng sẽ là hành trang quý báu cho các bộ Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác đối ngoại của mình.

* Lời bài hát "Mời anh lên Cao Bằng quê em", thơ: Y Phương, nhạc: Thuận Yến.