Việt Nam thực sự đang trở thành “tâm điểm” chú ý của các tập đoàn công nghệ cao nói chung, công nghiệp bán dẫn nói riêng. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Mỹ, Âu cấm, Việt Nam có thể “chen chân”?
Mười ngày trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh nhằm hạn chế các công ty trong nước đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, như bán dẫn, vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử, trí tuệ nhân tạo… vào Trung Quốc. Sắc lệnh này yêu cầu các công ty phải báo cáo Chính phủ Mỹ về kế hoạch đầu tư mới vào những lĩnh vực nói trên ở Trung Quốc.
Sau Mỹ, Ủy ban châu Âu (EC) và Anh cũng nghiên cứu để đưa ra động thái tương tự. Họ đang phân tích các động thái của Mỹ và cân nhắc xem có nên hạn chế doanh nghiệp của mình đầu tư vào một số lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc hay không.
Các động thái của Mỹ và châu Âu cho thấy, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng gia tăng. Và chắc chắn, sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới dòng đầu tư toàn cầu, cũng như kinh tế, thương mại của Mỹ, Âu và Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra là, liệu điều này có mang lại cơ hội cho Việt Nam?
“Có thể, nếu các doanh nghiệp Mỹ, Âu cân nhắc việc dịch chuyển đầu tư, sản xuất từ Trung Quốc sang nước thứ ba, trong đó có Việt Nam”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận định.
Trên thực tế, Việt Nam - sau khi trở thành điểm đến của các tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới, đang dần từng bước thu hút được nhiều dự án trong lĩnh vực bán dẫn. Trong đó, Intel là cái tên được nhắc đến trước tiên, với dự án quy mô gần 1,5 tỷ USD tại TP. Hồ Chí Minh. Samsung dự kiến cuối năm nay cũng sản xuất linh kiện bán dẫn tại Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Thái Nguyên. Còn Amkor sẽ đưa nhà máy 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh đi vào hoạt động cuối năm nay.
Thời gian gần đây, một số nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này đã tìm đến và cam kết đầu tư vào Việt Nam. Một trong số đó là Tập đoàn Victory Gaint Technology của Trung Quốc, muốn đầu tư một dự án 400 triệu USD ở Bắc Ninh. Trong khi đó, Tập đoàn Khoa học kỹ thuật năng lượng mới Runergy đã được trao chứng nhận đăng ký đầu tư để xây dựng một nhà máy sản xuất các loại linh kiện điện tử, bán dẫn, như thanh silic, tấm đĩa bán dẫn… tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I (Nghệ An). Dự án có tổng vốn đầu tư 293 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động từ giữa năm 2025.
Trung tuần tháng 7/2023, khi lần đầu tiên đến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh việc trong một thập kỷ qua, Việt Nam nổi lên như một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Ông cũng chia sẻ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển chuỗi cung ứng, bao gồm trong lĩnh vực bán dẫn.
“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là xây dựng khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Mỹ”, Bộ trưởng Janet Yellen nói và cho biết, Mỹ đang làm việc với các quốc gia đối tác để tăng cường đầu tư, trong đó dành một quỹ mới trị giá 500 triệu USD cho các dự án bán dẫn và viễn thông quốc tế theo Đạo luật CHIPS.
Các dự án sản xuất chip bán dẫn mà các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư tại Việt Nam cũng được Bộ trưởng Janet Yellen nhắc đến, trong đó có dự án của Intel tại TP.HCM, của Amkor tại Bắc Ninh và của Onsemi tại Đồng Nai…
Sẵn sàng đón nhận cơ hội “vàng”
Việt Nam thực sự đang trở thành “tâm điểm” chú ý của các tập đoàn công nghệ cao nói chung, công nghiệp bán dẫn nói riêng. Chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm thu hút đầu tư trong lĩnh vực này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được Chính phủ giao nghiên cứu, xây dựng một đề án riêng về thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp bán dẫn.
Dễ hiểu vì sao Chính phủ Việt Nam có động thái như vậy, bởi quy mô thị trường chip toàn cầu đã đạt hơn 600 tỷ USD trong năm 2022 và dự báo tăng lên tới 1.400 tỷ USD vào năm 2029. Rất nhiều quốc gia muốn len chân vào chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp bán dẫn, chứ không riêng gì Việt Nam.
Việt Nam có khá nhiều lợi thế, không phải chỉ vì đang quy tụ nhiều dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm cả các dự án trong lĩnh vực bán dẫn, mà còn vì đang sở hữu một trữ lượng đất hiếm rất lớn (khoảng 22 triệu tấn), thậm chí được xếp hàng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Đất hiếm chính là một loại nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn, cũng như nhiều loạt linh kiện, sản phẩm khác của cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc chiến thương mại toàn cầu căng thẳng thời gian qua ít nhiều có liên quan đến đất hiếm và sản xuất bán dẫn.
Một thông tin tích cực là, sau chuyến thăm Việt Nam mới đây của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, hai bên đã đạt được các thỏa thuận về việc hợp tác thành lập trung tâm chuỗi cung ứng Việt Nam - Hàn Quốc về đất hiếm và khoáng sản cốt lõi.
Theo chia sẻ của ông Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT Tập đoàn FPT, mặc dù có trữ lượng lớn, nhưng cả năm 2022, Việt Nam chỉ xuất khẩu đất hiếm được 4.300 tấn, trị giá khoảng 200 triệu USD - một con số rất ít ỏi. Vì thế, nếu thỏa thuận hợp tác với Hàn Quốc được triển khai, sẽ mang lại cơ hội rất lớn cho Việt Nam.
“Việt Nam đang dần trở thành tâm điểm cung cấp đất hiếm mới của thế giới. Việc Hàn Quốc muốn thành lập trung tâm chuỗi cung ứng Việt - Hàn về đất hiếm và khoáng sản cốt lõi chính là để Hàn Quốc và các nước phương Tây giảm sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu”, ông Đỗ Cao Bảo nhận định.
Khai thác được đất hiếm sẽ là một trong những cơ hội “vàng” để Việt Nam thu hút được nhiều hơn đầu tư của các tập đoàn nước ngoài, trong đó có Âu, Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao nói chung, công nghiệp bán dẫn nói riêng. Tuy vậy, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, mặc dù cơ hội là có, nhưng điều quan trọng, Việt Nam sẽ chuẩn bị và sẵn sàng đến đâu?
Thông tin gần đây cho biết, Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội đón một dự án hàng tỷ USD trong lĩnh vực bán dẫn của một “đại gia” công nghệ. Lý do không chỉ là vấn đề nguồn nhân lực, mà còn vì những chính sách hỗ trợ của Việt Nam liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.
“Nếu không sớm có chính sách phù hợp với thông lệ và đủ sức cạnh tranh quốc tế liên quan đến việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ khó thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, các dự án quy mô lớn”, GS-TSKH. Nguyễn Mại đã nói như vậy và chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục cải thiện, như sở hữu trí tuệ, tính minh bạch của chính sách, vấn đề “tham nhũng vặt”, hay sự rườm rà của thủ tục đầu tư…
Chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh điều này!
| Thắt chặt cơ hội giao thương giữa các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản (SIE) lần thứ 10 tại Hà Nội và Triển lãm quốc tế về Công ... |
| Cộng đồng doanh nghiệp WEF: Việt Nam là điểm đến đầu tư và tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài Với các chính sách, biện pháp quyết liệt của Chính phủ để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho Việt Nam, cộng đồng doanh ... |
| Dệt may Việt Nam mất dần lợi thế, để vuột cơ hội về tay Bangladesh, Ấn Độ Nhiều doanh nghiệp dệt may không khỏi lo lắng khi đơn hàng đang có sự dịch chuyển từ Việt Nam sang Bangladesh, Ấn Độ… bởi ... |
| Triển lãm kép VME-SIE: Cơ hội giao thương cho doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản trong ngành công nghiệp hỗ trợ Hơn 200 nhà sản xuất, phân phối kinh doanh, chế tạo máy móc đến từ 20 quốc gia đã tham dự triển lãm kép về ... |
| Tận dụng các FTA sẵn có, doanh nghiệp bông Australia nhìn thấy cơ hội từ thị trường Việt Nam Phái đoàn thương mại bông sợi Australia đến thăm Việt Nam với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các nhà sản xuất bông sợi ... |