Lễ ký kết biên bản ghi nhớ cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam. |
Ngày 17/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, với sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam đã tổ chức Lễ thông báo chương trình Học bổng Đại sứ 2021 dành cho sinh viên Việt Nam.
Chương trình Học bổng Đại sứ 2021 gồm 113 suất học bổng cho các sinh viên Việt Nam tới Ấn Độ theo học chương trình đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại 4 trường đại học của Ấn Độ, bao gồm Integral (Lucknow), Viện công nghệ công nghiệp Kalinga (Bhubaneshwar), Đại học Rishihood (Haryana) và Đại học Sharda (Noida).
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Phạm Sanh Châu đánh giá cao và ủng hộ sự tích cực tương tác, tiếp cận của các trường đại học Ấn Độ, chủ động tạo ra các cơ hội cho sinh viên Việt Nam. Đại sứ cũng bày tỏ mong muốn, với chương trình Học bổng Đại sứ, nhiều sinh viên Việt Nam sẽ tới học tập và trải nghiệm văn hóa Ấn Độ. Và trong tương lai, đây có thể là những sứ giả giúp quảng bá Ấn Độ như một điểm đến giáo dục tiềm năng.
Sự kiện có sự tham dự của các nhà ngoại giao ASEAN (Indonesia, Brunei, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Philippines) cùng các nhà giáo dục của Ấn Độ (các trường đại học ký MoU và Đại học Delhi) và đại diện một số trường đại học, phổ thông của Việt Nam (FPT, Trường quốc tế Việt Nam, Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng).
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu phát biểu trong lễ công bố Chương trình học bổng Đại sứ năm 2021. |
Cũng trong lễ công bố chương trình Học bổng Đại sứ, phiên thảo luận mở trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề “Tiềm năng và thách thức với việc Ấn Độ trở thành điểm đến du học cho các sinh viên ASEAN” đã diễn ra sôi nổi.
Tại phiên thảo luận, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ Vũ Thế Cường chỉ ra bên cạnh những thế mạnh về đào tạo IT, kỹ thuật; hệ thống trường đại học trải rộng khắp, tương đối phổ biến với các sinh viên từ châu Phi và Đông Âu, giáo dục Ấn Độ còn một số rào cản để trở nên phổ biến hơn với khối ASEAN như sự khác biệt trong ẩm thực và giá trị học bổng được trao, nhất là khi đặt trong thế so sánh với các học bổng từ các quốc gia khác.
Đại biện Đại sứ quán Brunei nêu lên vấn đề mức độ công nhận chất lượng của các trường tại Ấn Độ khá khó khăn cho việc theo dõi, đánh giá do có nhiều cấp được quyền công nhận, từ thành phố, bang đến chính quyền trung ương. Trong khi đó, Tham tán Đại sứ quán Indonesia nêu lên vấn đề về công nhận bằng cấp và cơ sở hạ tầng.
Đặc biệt, vấn đề thủ tục trong quá trình đăng ký học bổng cũng như trong và sau khi kết thúc khóa học được coi là rào cản lớn nhưng có khả năng giải quyết trong tương lai gần. Đây cũng là cách tiếp cận trong các MoU được ký kết tại sự kiện này.
Giáo sư Lochan từ Đại học Delhi, trường đại học hàng đầu Ấn Độ, chịu trách nhiệm kết nối, thúc đẩy hợp tác với các nước, trong đó có ASEAN, đặc biệt đánh giá cao sự kiện này, thể hiện sự dẫn dắt của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ khi lần đầu tiên có một sự kiện hội tụ được nhiều đại diện đại sứ quán các nước ASEAN cùng thảo luận về thúc đẩy hợp tác giáo dục.
Trao đổi giúp các bên thấy được vấn đề và thúc đẩy việc tìm kiếm giải pháp, điều mà các chương trình học bổng chính phủ Ấn Độ chưa làm được ở mức hiệu quả nhất. Giáo sư Lochan bày tỏ sự trân trọng nỗ lực của các bên để khuyến khích các trường đại học Ấn Độ chủ động hợp tác quốc tế.
Điểm nhấn của chương trình Học bổng Đại sứ 2021 là 13 suất học bổng toàn phần bao gồm ăn ở và 10 suất học bổng toàn phần học phí. Bên cạnh đó, với nỗ lực làm việc của Đại sứ quán, quy trình ứng tuyển của các học sinh, sinh viên Việt Nam sẽ được đơn giản hóa một số bước so với quy trình áp dụng cho các sinh viên Ấn Độ, nơi “cuộc chiến” vào đại học cũng không kém phần khốc liệt so với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam.
Đại sứ Phạm Sanh Châu và các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm sau lễ công bố học bổng và phiên thảo luận hợp tác giáo dục Ấn Độ-ASEAN ngày 17/3. ( |
Chương trình Học bổng Đại sứ 2021 ưu tiên các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; dân tộc thiểu số; thuộc các nhóm yếu thế. Với đối tượng ưu tiên như vậy, chương trình có một số học bổng không yêu cầu ứng cử viên phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để giảm gánh nặng tài chính. Các bước dịch thuật giấy tờ được Đại sứ quán hỗ trợ một phần. Cấu trúc hồ sơ cũng bao gồm bài luận, là cơ hội thể hiện khát khao học tập và kế hoạch tương lai của sinh viên
Một số nhóm ngành ngành được khuyến khích đăng ký bao gồm y học và công nghệ dược (Đại học Integral), kĩ thuật (KIIT), quản trị lãnh đạo và thiết kế (Đại học Rishihood) và khoa học nhân văn (Đại học Sharda).
Cơ cấu Chương trình học bổng Đại sứ 2021: I. Đại học Integral (Lucknow): 6 suất Đại học và Thạc sĩ - 1 suất 100% học phí + ăn + ở - 2 suất 100% học phí + ở - 3 suất 100% học phí II. Viện công nghệ công nghiệp Kalinga: 75 suất (bao gồm cả Tiến sĩ) - Đại học và Thạc sĩ: 55 suất + 2 suất 100% học phí + 15 suất 75% học phí + 18 suất 50% học phí + 20 suất 25% học phí - PhD: 20 suất + 3 suất 100% học phí + 17 suất 50% học phí III. Đại học Rishihood: 10 suất - 10 suất 100% học phí + ăn + ở - Hỗ trợ tài chính thêm cho sinh viên khuyết tật IV. Đại học Sharda: 22 suất - 2 suất 100% học phí - 10 suất 70% học phí - 10 suất 50% học phí - 2 suất 100 học phí cho khóa học một học kỳ |