Quốc kỳ Azerbaijan (trái) và Armenia tại trạm kiểm soát ở khu vực biên giới giữa hai nước, ngày 18/6/2021. (Nguồn: AFP) |
Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia Armenia, ông Grigoryan khẳng định, tiến trình đàm phán đang được thực hiện một cách hết sức tích cực.
Quan chức an ninh Armenia chia sẻ: “Nếu chúng ta có thể duy trì được cường độ này và nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế để đạt được tiến triển, thì sau đó sẽ xuất hiện cơ hội có được hiệp định hòa bình vào cuối năm nay”.
Trước đó, ngày 3/6, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã có cuộc trò chuyện ngắn tại lễ nhậm chức của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Ankara.
Hôm 1/6, hai bên cũng đã gặp nhau ở gần thủ đô Chisinau của Moldova để thảo luận về tiến trình hòa bình và phân định biên giới.
Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều đang cố gắng thúc đẩy mục tiêu xây dựng nền hòa bình lâu dài giữa Armenia và nước láng giềng Azerbaijan, vốn rơi vào vòng xoáy của 2 cuộc xung đột trong 30 năm qua, liên quan tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Nagorno-Karabakh.
Nagorno-Karabakh là khu vực nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào nước này.
Căng thẳng gia tăng giữa hai nước láng giềng lên tới đỉnh điểm với cuộc xung đột kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.
Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tiến hành hàng chục cuộc gặp cấp cao, nhưng chưa tìm được biện pháp hòa giải phù hợp cho các các vấn đề, trong đó có việc phân định biên giới và trao đổi tù nhân.
Quan hệ giữa hai nước càng trở nên căng thẳng sau khi ngày 23/4 vừa qua, Azerbaijan thiết lập một trạm kiểm soát trên tuyến đường bộ duy nhất (Hành lang Lachin) đi qua lãnh thổ nước này và nối Armenia với khu vực Nagorno-Karabakh.