📞

Cơ hội kết nối hiệu quả giữa cộng đồng pháp lý Việt Nam với quốc tế

Tuấn Việt 14:33 | 15/11/2023
Ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp Tòa trọng tài thường trực (PCA) và Hội Luật quốc tế Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo PCA Việt Nam lần đầu tiên.
Hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm tròn một năm khai trương Văn phòng đại diện PCA tại Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Việt)

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Tổng thư ký PCA Marcin Czepelak và hơn 100 đại biểu đại diện các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội, đại diện các công ty luật, các chuyên gia trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực luật quốc tế.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam đối với các hoạt động của PCA và tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác với PCA, thông qua Văn phòng đại diện của tổ chức này tại Hà Nội.

Tại Nghị quyết kỷ niệm 125 năm PCA, Việt Nam và các nước tại Đại hội đồng LHQ đều ghi nhận vai trò của PCA trong việc thúc đẩy các biện pháp hòa bình, giải quyết tranh chấp quốc tế, bao gồm cả các biện pháp trung gian, hòa giải bên cạnh thủ tục trọng tài.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Tuấn Việt)

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định, Việt Nam đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế, trong bối cảnh quốc tế nhiều bất ổn, xung đột và đối đầu. Đồng thời, chủ trương hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cũng đang đòi hỏi Việt Nam xây dựng hệ thống pháp luật hiệu quả với đội ngũ luật sư có chất lượng và trình độ, hội nhập quốc tế sâu rộng và môi trường pháp lý năng động.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ bày tỏ hy vọng Hội thảo là cơ hội để các cơ quan, tổ chức, giới trọng tài, luật sư Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong việc phòng ngừa và xử lý các tranh chấp quốc tế, đồng thời là diễn đàn để kết nối hiệu quả giữa cộng đồng pháp lý Việt Nam với quốc tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành địa điểm được các nước, tác tập đoàn lựa chọn khi giải quyết tranh chấp trong tương lai.

Tổng Thư ký Toà Trọng tài Thường trực (PCA) Marcin Czepelak phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Tuấn Việt)

Về phần mình, Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, sự đồng hành của các Bộ, ngành trong quá trình hoạt động của Văn phòng PCA tại Hà Nội trong năm qua; đặc biệt là các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao đến trụ sở chính của PCA tại Cung điện Hòa bình tại La Hay, Hà Lan.

Tổng thư ký nhấn mạnh, Hội thảo phản ánh những giá trị cơ bản của PCA là hòa bình, các nguyên tắc pháp lý và thịnh vượng, tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, người hành nghề luật sư, cũng như các doanh nghiệp thảo luận sâu hơn về những diễn biến gần đây trong các thủ tục hòa giải giữa các quốc gia, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài giữa quốc gia và nhà đầu tư, cũng như giữa các doanh nghiệp.

Tổng thư ký vui mừng thông báo kết quả hoạt động tích cực của Văn phòng PCA trong năm qua với gần 30 vụ việc, cũng như các hoạt động kết nối với cộng đồng luật sư, trọng tài tại Việt Nam, bên cạnh các hoạt động đào tạo giải quyết tranh chấp cho các Bộ, ngành và tập đoàn nhà nước trong năm 2023.

Tổng thư ký Czepelak cũng bày tỏ mong muốn biến Hội thảo PCA - Việt Nam thành một sự kiện tổ chức thường niên, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam thành một địa điểm xét xử trọng tài trong các vụ việc do PCA thụ lý.

Nhân dịp này, Tổng thư ký Czepelak cũng gửi lời cảm ơn tới Chính phủ Việt Nam, các Bộ, ngành hữu quan đã quan tâm, hỗ trợ, phối hợp với PCA, đóng góp vào những thành tựu đã đạt được của Văn phòng đại diện PCA tại Hà Nội.

Đồng thời, trong thời gian tới, PCA, thông qua Văn phòng tại Hà Nội, mong muốn phối hợp với các cơ quan Việt Nam để tiếp tục hoàn thiện các quy định về tố tụng trọng tài, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tạo dựng môi trường thuận lợi cho trọng tài quốc tế tại Việt Nam.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại phiên Tìm hiểu các phương pháp xây dựng lòng tin giữa các quốc gia; nhìn lại Vụ hoà giải Biển Timor. (Ảnh: Tuấn Việt)

Sau phần phát biểu, các đại biểu đã tham gia trao đổi, thảo luận về các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các quốc gia thông qua thực tiễn vụ việc hòa giải giữa Timor Leste và Australia; các vấn đề và xu hướng mới trong đầu tư quốc tế hiện nay như chuyển đổi năng lượng; cũng như hiện trạng và triển trọng về trọng tài thương mại quốc tế tại Việt Nam.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm. (Ảnh: Tuấn Việt)