Trong phiên họp tại thành phố Strasbourg của Pháp ngày 15/2, các nghị sĩ châu Âu đã thông qua CETA với 408 phiếu thuận, 254 phiếu chống và 33 phiếu trắng.
Như vậy, các thỏa thuận thương mại trong khuôn khổ hiệp định này nếu nhanh chóng thì sẽ được thực thi vào tháng 3/2017.
Tuy nhiên, theo quy định, CETA cần phải được quốc hội tất cả các nước thành viên EU, Canada và nghị viện một số chính quyền khu vực thông qua mới chính thức có hiệu lực.
Đối với Canada, CETA là thỏa thuận thương mại lớn và có tham vọng nhất mà nước này đạt được. (Nguồn: Getty Images) |
Một khi có hiệu lực, CETA sẽ kết nối EU - một trong những thị trường lớn nhất thế giới gồm 500 triệu dân, với Canada - nền kinh tế rất năng động và lớn thứ 10 toàn cầu. Hàng hóa thông thương giữa hai bên sẽ được giảm tới 99% thuế suất. CETA cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương tăng thêm 12 tỷ Euro mỗi năm đồng thời giúp tạo ra nhiều việc làm mới trên cả hai bờ Đại Tây Dương. Hiệp định này sẽ không ảnh hưởng đến quyền hạn của các chính phủ trong vấn đề điều tiết lợi ích công, đặc biệt là đối với các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội.
Đối với Canada, CETA là thỏa thuận thương mại lớn và có tham vọng nhất mà nước này đạt được, bao gồm hầu hết các lĩnh vực trong quan hệ thương mại kinh tế song phương Canada - EU, trong đó có thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư, thu mua chính phủ. Hiệp định này cũng bao gồm những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm và vượt ra khỏi những hiệp định thương mại truyền thống của Canada.
Ngoài ra, việc ký kết CETA với EU còn có thể giúp Canada tăng thu nhập thêm 12 tỷ USD/năm. Với EU, CETA là hiệp định thương mại đầu tiên của EU với một quốc gia thành viên Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) và là nền tảng cho một thị trường hợp nhất xuyên Đại Tây Dương.
Cơ hội mới
Năm 2009, EU và Canada đã đạt được thỏa thuận CETA về mặt nguyên tắc nhằm thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều tăng thêm 20%, tạo ra 80.000 việc làm mới cùng các cơ hội cho người dân Canada cũng như các nước EU.
Tuy nhiên, trong suốt 7 năm đàm phán, CETA đã vấp phải sự phản đối của người dân các nước EU do lo ngại CETA là mối đe dọa đối với nền dân chủ, nhà nước pháp quyền, các lĩnh vực y tế, môi trường, dịch vụ công cũng như quyền của người tiêu dùng và quyền của người lao động, đồng thời là yếu tố củng cố quyền lực cho các công ty đa quốc gia. Các tổ chức công đoàn thì lo ngại về sự suy giảm các quyền xã hội nếu các hiệp định được thông qua vì còn nhiều băn khoăn về vấn đề tổ chức sắp xếp xã hội khi bị áp đặt bởi các điều khoản của hiệp định. Vì thế, hàng loạt cuộc biểu tình và tuần hành quy mô lớn đã diễn ra trên khắp châu Âu trong thời gian qua. Những người phản đối CETA đã trình lên Nghị viện châu Âu bản kiến nghị với hàng triệu chữ ký của công dân châu Âu, yêu cầu các nghị sĩ châu Âu phản đối hiệp định này. Các nghị sĩ vùng Wallonie của Bỉ cũng đã bỏ phiếu chống lại CETA, buộc thời gian ký kết hiệp định phải lùi lại.
Việc EP thông qua CETA sẽ cho phép áp dụng phần lớn các nội dung của hiệp định này đồng thời mở ra khả năng đàm phán để ký kết các hiệp định thương mại tự do giữa EU với các đối tác trong tương lai. (Nguồn: The Maritime Executive) |
Các chuyên gia phân tích cho rằng, nếu CETA không được ký kết, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào chính sách thương mại của EU, vốn đang loay hoay trong vấn đề Anh rời khỏi EU hay còn gọi là Brexit. Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại, bà Cecilia Malmström, từng cho rằng nếu EU không thể ký một thỏa thuận tốt với Canada - một trong những đồng minh thân cận của khối này, thế giới sẽ đặt câu hỏi rằng liệu EU có phải là đối tác đáng tin cậy hay không. Ngoài ra, nếu CETA thất bại, EU khó có thể hy vọng đạt được Hiệp định tự do thương mại xuyên Đại Tây dương (TTIP) với Mỹ.
Để tránh cho EU phải hứng chịu một thất bại trên phương diện ngoại giao, dưới sức ép của 27 chính phủ trong liên minh đã ủng hộ CETA, ngày 28/10/2016, với 58 phiếu thuận và 5 phiếu chống, Nghị viện vùng Wallonia của Bỉ đã thông qua Hiệp định CETA. Các nghị sĩ của vùng Wallonia đã bỏ phiếu ủng hộ CETA, một ngày sau khi các chính trị gia Bỉ đạt được thỏa thuận phá vỡ sự bế tắc liên quan đến Hiệp định này. Trước đó, ngày 27/10, Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho biết những người đứng đầu các vùng và cộng đồng ngôn ngữ của nước này đã đưa ra văn bản chung nhằm xoa dịu những lo ngại của vùng Wallonia về việc nhập khẩu mặt hàng nông nghiệp và một hệ thống giải quyết tranh chấp gây nhiều tranh cãi. Ngày 29/10, Bỉ đã chính thức ký thông qua Hiệp định CETA giữa EU và Canada, mở đường cho lễ ký kết chính thức hiệp định lịch sử này, thúc đẩy hoạt động thương mại giữa hai đối tác lớn này.
Ngày 30/10/2016, tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Canada diễn ra ở thủ đô Brussels của Bỉ, hai bên đã chính thức ký kết hiệp định CETA.
Việc EP thông qua CETA sẽ cho phép áp dụng phần lớn các nội dung của hiệp định này đồng thời mở ra khả năng đàm phán để ký kết các hiệp định thương mại tự do giữa EU với các đối tác trong tương lai.