Công nghiệp điện tử là một trong những ngành thu hút được nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc. (Ảnh minh họa). |
Đây là hiệp định có khoảng thời gian đàm phán ngắn nhất và là hiệp định lớn đầu tiên được ký kết trong năm 2015.
Triển vọng sáng cho nông thủy sản
15.000 tấn tôm/năm xuất khẩu sang Hàn Quốc sẽ được miễn thuế, thuế suất một số mặt hàng nhạy cảm như tỏi, gừng sẽ được giảm 200%... chính là những ví dụ điển hình về cơ hội "nhìn thấy" của nông sản Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc. Ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - Trưởng đoàn đàm phán VKFTA nhận định, VKFTA được ký kết, cơ hội mở ra với mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn.
Cụ thể, theo hiệp định, Hàn Quốc tự do hóa hơn 95% số dòng thuế nhập khẩu các loại hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí. Đáng chú ý, số dòng thuế Hàn Quốc cắt giảm cho Việt Nam nhiều hơn số dòng thuế Hàn Quốc cắt giảm cho các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia khoảng 5%, giúp tăng đáng kể sức cạnh tranh, khả năng thâm nhập của hàng Việt vào thị trường Hàn Quốc.
Việt Nam cũng là đối tác đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với sản phẩm đặc biệt nhạy cảm đối với nước này như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang (hiện có thuế nhập khẩu từ 241-420%). Riêng mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với hạn ngạch 10.000 tấn mỗi năm và tăng dần trong năm năm đến 15.000 tấn/năm, trong khi Việt Nam chỉ được miễn thuế 2.500 tấn/năm trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho mười nước ASEAN.
"Ngoài ra, các quy định về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ chế về thủ tục thông quan, thuận lợi hóa thương mại và các quy định khác về môi trường, chính sách cũng thông thoáng và minh bạch hơn, tạo thuận lợi cho nhóm hàng xuất khẩu, đặc biệt là nhóm hàng nông thủy sản của Việt Nam", ông Sơn cho biết thêm.
Hút dòng vốn đầu tư
Không chỉ tạo cơ hội cho xuất khẩu, VKFTA được ký kết còn mở ra cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư rất lớn từ Hàn Quốc, đặc biệt là các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử, điện lạnh, tiêu dùng…
Thời gian qua, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với số liệu tính đến tháng 3/2015 là 38,1 tỷ USD và 4.200 dự án. Còn theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kê hoạch và Đầu tư), trong năm 2014, vốn từ Hàn Quốc tiếp tục đổ vào các dự án đầu tư tại Việt Nam, thể hiện qua 505 dự án cấp mới và 179 dự án tăng vốn tại Việt Nam, nâng tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng vốn là 7,32 tỷ USD, chiếm 36,2% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.
Cách đây ít ngày, tờ AJU Business Daily của Hàn Quốc đưa tin, Samsung Display đang cân nhắc chuyển hoạt động sản xuất màn hình LCD từ Hàn Quốc sang Trung Quốc hoặc Việt Nam. Nếu Samsung Display chọn Việt Nam thì sắp tới Việt Nam sẽ thu hút thêm một dự án tỷ USD, tiếp theo Dự án Samsung ở TP. Hồ Chí Minh với vốn đầu tư 1,4 tỷ USD.
Nhìn từ góc độ doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư thành công như Samsung, Hyundai, KumhoAsiana, Lotte… có thể thấy dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc đổ vào Việt Nam đang mở rộng và Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) đối với doanh nghiệp Hàn Quốc đầu năm 2015, 49% trong tổng số 540 doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia khảo sát về môi trường đầu tư tại 32 quốc gia có tốc độ tăng trường hàng năm hơn 3% trong ba năm qua đều khẳng định có kế hoạch phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong năm 2015 nhờ cơ hội đang mở ra từ các thỏa thuận tự do hóa thương mại mà Việt Nam tham gia.
Ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại: Bộ Công Thương đã có sự chuẩn bị chu đáo để phổ biến kịp thời nội dung của Hiệp định tới doanh nghiệp, kể cả cộng đồng người dân để nắm bắt cũng như tiếp cận được cơ hội. Trước hết, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu nhằm kịp thời nắm bắt các cam kết cụ thể của Hiệp định. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao năng lực để đáp ứng được thị trường, thị hiếu và đặc biệt là tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể tiếp cận được thị trường. GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài: Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Hàn Quốc không chỉ đầu tư vào dệt may mà còn nhiều ngành công nghiệp mà chúng ta quan tâm như điện tử - điện lạnh, điện dân dụng... VKFTA được ký kết sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên, đóng vai trò như cú hích lớn cho nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam cũng như doanh nghiệp Hàn Quốc đang muốn đầu tư tại Việt Nam. Doanh nghiệp nào còn băn khoăn về việc đầu tư vào Việt Nam thì sau khi Hiệp định được ký kết, họ chắc chắn sẽ lựa chọn Việt Nam. VKFTQ gồm 17 chương, 208 điều, 15 phụ lục và 1 thỏa thuận thực thi quy định. Các nội dung chính gồm thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ (bao gồm các phụ lục về dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, di chuyển thể nhân), đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa hải quan, phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại điện tử, cạnh tranh, hợp tác kinh tế, thể chế và pháp lý.
Phan Mích