Hội thảo “Tăng trưởng xanh và các cơ hội thương mại cho Việt Nam” (Ảnh: A.L) |
Ý tưởng về “tăng trưởng xanh” đã được đề xuất trong Hội nghị các Bộ trưởng lần thứ 5 về Môi trường và Phát triển khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2005, tổ chức tại Seoul – Hàn Quốc. Trong gần 10 năm qua, tăng trưởng xanh đã trở thành một mô hình tăng trưởng kinh tế mới được nhiều quốc gia, đặc biệt trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương áp dụng và nhiều tổ chức quốc tế tham gia.
Mô hình tăng trưởng xanh đã hỗ trợ phát triển kinh tế gắn liền với giảm thiểu tác động môi trường thông qua tối thiểu hóa chất thải, khí thải nhà kính, sử dụng tài nguyên bền vững. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đang phát triển đã quyết tâm theo đuổi mô hình tăng trưởng xanh.
Chính phủ Việt Nam đã thông qua “Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” vào tháng 9/2012 và “Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2014-2020” vào tháng 3/2014. Theo đó, Bộ Công Thương đang xây dựng “Chương trình hành động thực hiện tăng trưởng xanh của Bộ Công Thương giai đoạn 2015-2020”.
Khẳng định chiến lược tăng trưởng xanh sẽ mở ra nhiều cơ hội thương mại cho Việt Nam, TS. Phạm Nguyên Minh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho biết, thực hiện tăng trưởng xanh sẽ mở ra nhiều cơ hội thị trường đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có lợi cho môi trường như hàm lượng carbon thấp, sử dụng năng lượng tái tạo; các sản phẩm đạt chứng chỉ bền vững như dệt may và da giày trong sản xuất công nghiệp; các sản phẩm nông sản hữu cơ trong nông nghiệp; các sản phẩm gỗ đạt chứng chỉ bền vững trong lâm nghiệp; các sản phẩm thủy sản đạt chứng chỉ bền vững về đánh bắt nuôi trồng, khai thác và chế biến.
Đối với các doanh nghiệp, thực hiện tăng trưởng xanh sẽ giúp phát triển kinh doanh bền vững, nâng cao được năng lực cạnh tranh bởi các doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ tiên tiến phù hợp với các tiêu chuẩn bền vững. Cùng với đó, xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, cũng sẽ là sức ép để doanh nghiệp phải tự đổi mới công nghệ, sản xuất ra sản phẩm thân thiện với môi trường hơn, đáp ứng tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Hiện nhiều doanh nghiệp đã hướng việc sản xuất theo hướng bền vững hơn để đảm bảo vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục và Tài nguyên môi trường, Bộ kế hoạch và Đầu tư nhận định, chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam sẽ là một thách thức đối với những doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình ứng dụng công nghệ cũng như việc bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục xúc Tiến thương mại Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang hoàn tất dự thảo kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Riêng đối với lĩnh vực công thương cũng đã áp dụng các giải pháp chủ yếu khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng đảm bảo về môi trường, hỗ trợ tiếp cận thị trường cho các sản phẩm đáp ứng yêu cầu đó. Đồng thời, tổ chức các đợt xúc tiến thương mại theo hướng tiết kiệm năng lượng đáp ứng yêu cầu xúc tiến thương mại xanh, khuyến khích hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận được yêu cầu mới .
Tại Hội thảo, các chuyên gia từ các Bộ, ngành đã giới thiệu tổng quan về chiến lược và kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh của Việt Nam, phân tích các cơ hội thương mại đến từ mô hình tăng trưởng xanh, tập trung phân tích cơ hội thị trường đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ môi trường, carbon thấp và năng lượng tái tạo; các sản phẩm xanh; các sản phẩm đạt chứng chỉ bền vững như dệt may và da dày trong công nghiệp, các sản phẩm nông sản hữu cơ trong nông nghiệp...
Ngoài ra, Hội thảo cũng tập trung vào các vấn đề liên ngành như tiêu dùng xanh và nhãn xanh; thương mại và môi trường trong hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển bền vững nguồn vốn tự nhiên trong bối cảnh thực hiện tăng trưởng xanh.
Diễn Tú