Nhỏ Bình thường Lớn

Có một “thời hoa lửa”...

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trôi qua 63 năm nhưng những hồi tưởng của một người lính Điện Biên năm xưa vẫn đầy cảm xúc. Người lính ấy giờ là Nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn, nguyên giảng viên khoa tiếng Nga trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
TIN LIÊN QUAN
tin nhap 20170512090102 Miền đất truyền cảm hứng
tin nhap 20170512090102 Thi xe đạp thồ Điện Biên Phủ - điểm nhấn tại Lễ hội Hoa Ban 2017
tin nhap 20170512090102
Nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.

Thời ấy, ông Sơn là Trung đội trưởng Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 chiến đấu suốt 38 ngày đêm trên đồi A1. Đã ở tuổi 85 nhưng ông còn rất minh mẫn. Mái tóc bạc, nụ cười hiền và đôi mắt sáng ấy vẫn đọng lệ mỗi khi nghĩ đến chuyện chiến đấu xưa. Ông trải lòng: “Tôi chỉ là người lính bình thường, không có chiến công đặc biệt. Tôi không kể lịch sử chiến dịch, cũng không kể về diễn biến mà kể những mẩu chuyện người lính ở Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316 đã chiến đấu như thế nào, đã sống ra sao trong suốt 56 ngày đêm ấy”.

Nắm cơm lăn lóc ra chiến hào

Đêm 24/1/1954, sắp sửa sang ngày Tết ông Táo, Trung đoàn 174 đã chiếm lĩnh trận địa, triển khai đội hình để đợi giờ nổ súng. Anh em háo hức chờ đợi hiệu lệnh tiến công, nghĩ đến chuyện không lâu nữa bộ đội sẽ được vào Điện Biên ăn tết với bà con, mọi giá rét của mùa Đông như tiêu tan. Bất ngờ, thời gian như chậm lại khi hiệu lệnh rút quân được phát ra thay vì tiến công như dự tính ban đầu, chuyển từ lối “đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”.

Hoa đào phai, đào thắm đã nở rộ, những người lính trẻ lại nghĩ đến Tết. Cũng như bao anh em khác, ông Sơn nhớ mẹ, nhớ em và Hà Nội da diết. Trong ký ức của người lính Điện Biên xưa vẫn không quên được những ngày tạm gác súng để cầm cuốc xẻng đào giao thông hào. Quân số chiến đấu được báo cáo lên ban chỉ huy, mỗi chiến sĩ được giao khoán đào 2m giao thông hào mỗi đêm. Trong đêm rét thấu da thấu thịt, sương muối xuống, mồ hôi vã ra đẫm áo, các anh vẫn cần mẫn đào, đào đến đâu ngụy trang đến đấy.

Nhưng mỗi tấc đất chiến hào đã phải trả bằng máu. Cả ngày lẫn đêm, địch bắn phá bằng súng cối và đại bác. Hầu như đêm nào quân ta cũng có thương vong. Cuốc xẻng vẫn nguyên mà quân số cứ giảm dần. Ngày đầu, mỗi đại đội được phát 100 cuốc xẻng nhưng hôm sau chỉ còn 80 người, rồi đến hôm sau nữa chỉ còn khoảng 60. Những đôi tay chiến sĩ đã tạo ra con hào trục uốn lượn ngoằn ngoèo, chằng chịt thành hệ thống, ngày càng vươn sát gần đồn địch.

Mải mê đào hào, mùa Xuân trôi qua, mùa Hạ đã đến lúc nào chẳng hay. Cuối tháng Ba, cái nắng bắt đầu chói chang. Trước trận đánh mới, văn công ra chiến hào để dành tặng những lời ca, điệu múa cho các chiến sĩ cảm tử.

Chuẩn bị cho trận mở màn đánh đồi A1 ngày 30/3/1954, dẫu đau lòng nhưng trước đó, Ban chỉ huy vẫn phải dự kiến số người thương vong để chuẩn bị vải liệm làm công tác liệt sĩ và cáng đưa anh em hy sinh về. Ông nhớ như in hình ảnh những người lính chân chất trước khi xung phong ngồi gói quần áo và đồ dùng cá nhân vào ba lô, trên đó ghi vội: “Nếu tôi hy sinh thì gửi về cho mẹ tôi ở…”.

Mặt trời vừa lặn, đơn vị xuất phát tiến công địch. Sau một đêm đánh trận, cả đại đội 100 người nhưng chỉ còn khoảng 40 người trở về. Thương đồng đội, nhiều anh bỏ ăn. Cơm nắm lăn lóc trên miệng hào. Anh nuôi nước mắt ràn rụa: “Nắm cơm cho chúng nó mà chẳng thằng nào ăn cả, bỏ lăn lóc thế này thì nấu để làm gì?”.

tin nhap 20170512090102
Những người lính Việt Nam cầm cờ trên nóc hầm chỉ huy của tướng De Castries ngày 7/5/1954. (Nguồn: AFP)

Hình ảnh các anh nuôi hy sinh khi tiếp tế cho anh em khiến ông ám ảnh mãi. Điện Biên những ngày tháng 3, tháng 4 ấy, nắng gay gắt, không một bóng cây còn sống sót để che mát, tay bỏng rát mỗi khi chạm vào khẩu súng.

Các anh nuôi gánh cơm và nước theo chiến hào lên tiếp tế cho anh em trên đồi A1. Địch biết chắc chắn chỗ ấy thế nào anh nuôi cũng đi qua nên cứ nhằm bắn phá. Anh nuôi gục xuống, cơm nước tung tóe trộn nhau. Anh nuôi khác lại lên nhưng tiếp tục bị bắn. Hình ảnh anh nọ chồng lên anh kia khiến anh em ở trên đồi nhìn xuống thương quá, không cầm được nước mắt nên gọi điện: “Thôi, đừng mang gì lên nữa, thà khát còn hơn, chết khát còn hơn. Lên thằng nào chết thằng ấy thì lên làm gì nữa?”.

Anh nuôi than: “Nấu cơm thì không thằng nào ăn. Đưa cơm nước lên cho anh em cũng hy sinh chẳng thà chúng tôi ra chiến đấu. Chết khi khẩu súng cầm trong tay còn hơn là chết khi đưa cơm nước”. Rồi các anh nuôi quyết định ra chiến đấu.

Ông Sơn nhận định: “Không có trận đánh nào, không có chiến dịch nào mà anh nuôi chết nhiều như ở đồi A1”. Họ chết ở ngay nút giao thông trước khi mang được cơm, nước lên đỉnh đồi cho đồng đội của mình.

38 ngày đêm và “4 không”

Đến giờ, nhắc đến cái khát, ông Sơn vẫn rùng mình. Những ngày trên đồi A1, suốt 38 ngày đêm gần như anh em không ngủ bởi tiếng súng đạn cứ đì đoàng không ngớt. Ông tâm sự: “Thiếu nước nên 38 ngày đêm ấy chúng tôi không đánh răng, không rửa mặt, không tắm và không thay quần áo”. Sau này, những người lính đồi A1 năm nào vẫn còn đùa: “Chúng ta đã phá kỷ lục thế giới về… bẩn”.

Trên một quả đồi, ta một nửa, địch một nửa giằng co nhau từng tấc đất. Một hôm, dù của địch rơi vào mình nhưng không phải lương thực, không phải vũ khí mà là thư từ. Thấy một lọn tóc phụ nữ kẹp vào bì thư, ông Sơn nghĩ đây là thư của vợ hoặc người yêu gửi cho một Trung úy Pháp. Cảm động, ông báo cáo với Tiểu đoàn trưởng Dũng Chi. Tiểu đoàn trưởng dùng bộ đàm gọi cho bên kia, yêu cầu họ cử người đến đầu chiến hào nhận thùng thư về đọc. Câu chuyện nhỏ đó chỉ là một trong những “ô cửa” cảm xúc mỗi khi ông Sơn nghĩ về Điện Biên Phủ.

Trong kí ức của ông, khi ở trên một ngọn đồi khô, bom dội xung quanh đồi A1 tạo ra những cái ao lỗ chỗ. Từ tháng 4 trở đi, mưa xuống khiến ao đầy nước. Đêm đêm, những người lính trẻ mang tất cả các vật dụng ra để lấy nước uống mà không hay biết có hai lính Tây bị ngã lộn xuống chết dưới ấy. Ông mỉm cười: “Tôi đã từng uống nước Tây chết như thế đấy”.

Ông bảo, từ khi chuẩn bị chiến dịch cho đến ngày 7/5, có những chiến sĩ không nhìn thấy bóng dáng phụ nữ, không được nghe tiếng trẻ con khiến tâm lý nặng nề. Muốn nghe thấy tiếng phụ nữ, họ phải xung phong đi lấy gạo, luồn rừng đi về phía sau trận địa tới gần 20 cây số. Ở đó, có các cô dân công gánh gạo tiếp lương. Có cô hò: “Cả đoàn em chẳng yêu ai/Yêu anh bộ đội có hai cái nồi…”.

Dòng chảy ký ức về ngày ấy cứ tuôn trào, ông lại nhớ về những cơn mưa lớn cuốn theo lá cây, cát sỏi, cành cây. Các giao thông hào bỗng chốc trở thành những con mương lầy lội, nhão nhoét, nước đục ngầu. Ngày ấy, điều khiến cho ông sợ nhất là phải di chuyển trong chiến hào. “Chúng tôi rất dễ dẫm vào đồng đội của mình. Đó là những người bị thương còn chưa kịp đưa đi cứu chữa hoặc đã hy sinh nhưng chưa kịp mai táng, tất cả còn đang nằm ở dưới chiến hào. Mà khi di chuyển trong chiến hào, không còn cách nào khác chúng tôi buộc phải dẫm vào các đồng đội mà nước mắt lã chã rơi”, ông Sơn nghẹn ngào.

Những người chiến sĩ trào nước mắt khi đôi dép của họ vừa dẫm lên bùn đất lại phải dẫm lên cả máu, cả thịt của đồng đội mình. Không cầm được lòng, ông lại kéo đôi kính ra, đưa tay lau hàng nước mắt, rồi kể tiếp: “Khi trở về hầm nghỉ ngơi, chúng tôi phải tháo giày dép ra, gạt bùn đất dính máu thịt của đồng đội. Khi ăn, chúng tôi phải bọc tay vào mảnh vải dù, vì tay bẩn không có nước rửa, cầm cơm nắm mà ăn”.

“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”

Nói về sự ác liệt của chiến tranh, ông bộc bạch: “Trên đồi A1, quân ta hy sinh hơn 3.000 người. Chẳng phải mỗi tấc đất ấy đều có máu của đồng đội tôi sao?”. Lặng lẽ quay đi để giấu giọt nước mắt, ông hỏi: “Cháu đã lên Điện Biên chưa? Nếu lên đồi A1, các cháu cắm hương vào bất cứ chỗ nào, chắc chắn nơi đó đều đã có người nằm xuống”. Người kể mắt ngấn nước, người nghe mắt cũng đỏ hoe. “Chính tay tôi đã chôn cả trăm đồng đội, nhiều người không còn nguyên vẹn. Trung đoàn 174 tiến công đồi A1 tất cả ba lần. Sau mỗi đợt tiến công lại phải bổ sung tân binh, có anh mới ra hôm trước, hôm sau đã hy sinh”.

Dừng giây lát, ông rưng rưng: “Tôi sống đến nay đã 85 rồi nhưng các đồng đội tôi đã chết ở độ tuổi 20, máu họ đã thấm đỏ từng tấc đất, từng ngọn cỏ trên đồi A1. “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” là vậy đấy. Bao nhiêu người ngã xuống để mình có hôm nay. Có rất nhiều người còn nằm đâu đó trong lòng đất, ở một cái hào, một khe núi, một bìa rừng nào đó, khi hy sinh thì được vùi vội xuống. Chính vì điều đó, tôi đã luôn khắc khoải, không yên lòng”.              

tin nhap 20170512090102
Chiêm ngưỡng 11 di tích quốc gia đặc biệt vừa được xếp hạng

Ngày 23/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 6) 11 di tích.

tin nhap 20170512090102
Chuyến hành quân đặc biệt

Một cuộc gặp gỡ thú vị đã diễn ra giữa Đại tá Phạm Phú Bằng và hai anh lính Pháp trong một chuyến hành quân ...

tin nhap 20170512090102
“Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”

Là tên cuộc trưng bày nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2014), diễn ra từ ngày 5-18/5 tại Đại ...

Yến Nguyệt