Hồn ẩm thực Việt nơi xứ lạ
Lê Xuân Thanh – Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Osnabrueck (CHLB Đức)
Là một nghiên cứu sinh, tôi có may mắn được công tác, học tập và du lịch tại nhiều nước châu Âu như Thụy Sỹ, Pháp, Đức. Ở tất cả các thành phố tôi từng đến đều có người Việt Nam sinh sống và học tập. Mỗi người Việt Nam dù ở nơi đâu cũng đều có chung một niềm tự hào dân tộc, thể hiện rõ nét qua sự tham gia tích cực vào hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Hình thức hoạt động quảng bá Việt Nam ở mỗi thành phố rất đa dạng. Tuy vậy, giới thiệu các món ăn Việt có lẽ là cách thức trực tiếp nhất và để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với các bạn bè quốc tế. Vào dịp nghỉ lễ hay dịp cuối tuần, nghiên cứu sinh Việt Nam thường tổ chức nấu nướng các món ăn truyền thống, đặc trưng của quê nhà như phở, nem rán, nem cuốn, bánh bao… mời các bạn bè trong trường thưởng thức. Ai cũng yêu thích và dành nhiều tình cảm cho món ăn Việt. Đặc biệt là các giáo sư và bạn bè người Đức, họ luôn là fan “ruột” của ẩm thực Việt Nam.
Điều ngạc nhiên thú vị là hầu như thành phố nào tôi từng đi qua đều có cửa hàng ăn uống của người Việt và thường xuyên có nhiều khách ngoại quốc đến thưởng thức. Riêng ở Thủ đô Berlin có hẳn một tổ hợp siêu thị về dịch vụ và ẩm thực (quy mô to gấp nhiều lần Big C Thăng Long) với tên gọi Đồng Xuân, thu hút rất đông khách ngoại quốc ghé thăm. Vào dịp Giáng Sinh và Tết Nguyên đán, mỗi khi có hội chợ ẩm thực của người Việt, lượng khách quốc tế đến tham dự còn đông hơn cả khách Việt.
Bên cạnh ẩm thực, các hoạt động giới thiệu về văn hóa Việt Nam cũng thường xuyên được tổ chức, đặc biệt là ở Paris. Mỗi dịp Tết cổ truyền, cộng đồng người Việt ở đây lại tập hợp tổ chức Ngày Việt Nam với các hoạt động như biểu diễn thời trang dân tộc, ca hát, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, biểu diễn giao hưởng thính phòng. Tại đây, cứ hai năm lại tổ chức một cuộc thi Miss Xuân dành cho các nữ sinh viên, du học sinh Việt Nam tại Pháp. Người giành được danh hiệu cao nhất của cuộc thi chính là một “đại sứ du lịch” của Việt Nam.
Khi con người làm nên thương hiệu quốc gia
Trương Mỹ Linh - Du học sinh Đại học Avignon (Pháp)
Không biết có phải do duyên số hay tình cờ mà nhiều người tôi gặp trên đất Pháp, nơi tôi đang sinh sống và học tập, đều từng ít nhất một lần đến Việt Nam. Và khi biết tôi là người Việt, họ không ngừng kể cho tôi nghe về những chuyến đi đó, những điều bất ngờ khi họ tiếp xúc với người Việt Nam. Một giáo sư kể rằng ông từng đến Việt Nam từ rất lâu và có không ít kỉ niệm muốn chia sẻ. Ông bảo, có thể kiếp trước ông là người Việt nên kiếp này duyên nợ với Việt Nam còn nhiều và ông chắc chắn sẽ quay trở lại Việt Nam trong một ngày không xa.
Đã rất nhiều lần, tôi được nghe từ bạn bè quốc tế rằng điều họ thích nhất khi đến với Việt Nam chính là con người nơi đây. Tại sao không phải là một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử nổi tiếng nào đó như các nước khác mà lại là con người? Phải chăng chính sự hiếu khách, nhiệt tình và chân chất ở con người Việt Nam đã khiến họ lưu luyến, phải lòng đất nước nhỏ bé hình chữ S. Và phải chăng chính con người Việt Nam là một trong những yếu tố góp phần tạo nên thương hiệu một Việt Nam tươi đẹp, thân thiện và mến khách?!
Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào trên thế giới
Hoàng Thủy Chung - Phóng viên báo Vietnamnet
Câu hỏi “Phụ nữ Việt Nam có điểm gì để phân biệt với phụ nữ thế giới?” đặt ra trong cuộc thi Hoa hậu vừa rồi, và câu trả lời của thí sinh sau đó đoạt vương miện, đã gây ra không ít tranh cãi trong dư luận. Vậy Việt Nam có gì khác với thế giới? Hay Việt Nam có cần khác với thế giới không?
Nhờ nghề nghiệp của mình, tôi có cơ hội được đi một số nước. Dù thế giới này đã “phẳng” hơn rất nhiều, nhưng mỗi quốc gia vẫn là một câu chuyện riêng biệt có sức hút đối với sự tò mò của những người đến từ các quốc gia khác. Trong khi tôi luôn có hàng chục câu hỏi về những đất nước xa xôi, thì những người bạn quốc tế cũng có bấy nhiêu thắc mắc về Việt Nam.
Những người bạn trong khu vực ASEAN quen thuộc với Việt Nam hơn, nhắc đến Việt Nam họ sẽ nói ngay về bóng đá, vịnh Hạ Long, Biển Đông... Vì Việt Nam là một phần của ASEAN. Nhưng với các nước khác, ở những châu lục khác, Việt Nam vẫn còn là một hình ảnh tương đối mờ nhạt trong ấn tượng của họ về thế giới.
Tôi vô cùng tự hào khi những người bạn ngoại quốc thốt lên "Ho Chi Minh! Vo Nguyen Giap! Dien Bien Phu!" khi nghe tôi nói mình đến từ Việt Nam. Nhưng cũng không khỏi chạnh lòng khi gặp những câu hỏi kiểu như “Người Việt Nam ăn thịt chó phải không?”...
Tôi luôn cảm thấy có trách nhiệm, của một nhà báo, của một người Việt Nam, giải đáp những thắc mắc và đính chính hiểu nhầm về Việt Nam của bạn bè quốc tế, bằng cách miêu tả những điều đang diễn ra trên đất nước mình, hoặc trực tiếp chỉ cho họ thấy bức tranh thật trong trường hợp họ đặt chân đến Việt Nam.
Nhưng tôi phải thừa nhận việc đó rất khó. Tôi không chọn cách nói theo sách vở để đưa đến họ những thông tin “kinh điển” về Việt Nam, mà để họ tự cảm nhận về Việt Nam qua những thông tin thực tế...
Bản thân tôi mỗi khi đi nước ngoài đều đọc trước thông tin về đất nước đó nhưng khi đã đến tận nơi, trải nghiệm thực sự cuộc sống ở đó, tôi mới có được những hiểu biết in đậm trong tâm trí để mang về nhà. Điều đó cũng xảy ra khi tôi đón một người nước ngoài đến Việt Nam và thực sự giao tiếp với họ.
Chúng ta hay nghĩ về người Đức kỷ luật, chính xác, người Nhật chỉn chu, chăm chỉ, người Mỹ năng động, táo bạo... Bản thân tôi khi nghĩ về người Việt Nam có thể ra cả một danh sách chứ không chỉ một hai đặc điểm. Tôi muốn bạn bè thế giới khi nghĩ về người Việt Nam cũng không chỉ bó hẹp trong một hai khuôn khổ.
Thay vì đóng khung Việt Nam là thế này, là thế kia, tôi muốn bạn bè quốc tế thấy người Việt Nam luôn sẵn sàng đón nhận những điều hay của thế giới, khắc phục những hạn chế của mình, luôn học tập, luôn tiến bộ.
Mà có lẽ đó chính là đặc điểm lớn nhất của người Việt Nam. Và để trả lời cho một câu hỏi tương tự ở đầu bài, người Việt Nam không khác biệt so với thế giới, Việt Nam không thua kém bất cứ một đất nước nào trên thế giới cả.
Một Hà Nội đẹp từ những điều giản đơn
Trần Quang Tuấn - Trưởng nhóm Người Hà Nội (Humans of Hanoi)
Cách đây một năm, qua một cuộc gặp tình cờ với một người bạn, tôi đã nảy ra ý tưởng lập nên một trang web riêng dành cho những người Hà Nội và những người yêu Hà Nội. Thật bất ngờ khi chia sẻ với những người bạn có cùng đam mê nhiếp ảnh, mọi người đều nhiệt tình hưởng ứng. Vậy là Humans of Hanoi ra đời.
Mỗi tuần, nhóm 20 người thường dành vài tiếng ngày Chủ nhật gặp nhau, cùng chia sẻ những trải nghiệm của mình rồi lại chia ra rong ruổi khắp phố phường Hà Nội để chớp được những khoảnh khắc đẹp, hay đơn giản chỉ là một câu chuyện giản dị, đời thường.
Những câu chuyện và nhân vật của chúng tôi rất đa dạng, đó có thể là những chia sẻ đầy lạc quan của một anh thợ bán than, sự cô đơn của một cụ bà trong chính ngôi nhà của mình, những nụ cười ngây thơ trong trẻo của các em nhỏ… nhưng tất cả đều mang một thông điệp cuộc sống rất ý nghĩa.
Thông qua những bức ảnh và câu chuyện với những mảng màu sắc khác nhau, chúng tôi muốn truyền tải đến các bạn bè quốc tế một thông điệp rằng Hà Nội không chỉ đẹp bởi danh lam thắng cảnh mà đẹp từ những điều giản đơn nhất, bình dị nhất, từ những con người bình thường nhất. Chúng tôi cũng muốn những bạn bè nước ngoài biết đến hình ảnh một Hà Nội khác, bên cạnh một Hà Nội cổ kính và thâm trầm còn là một Hà Nội với những gương mặt đời thường cùng những nét văn hóa riêng biệt, độc đáo.
Giang Ly (thực hiện)