Sau hơn 2 tháng “dậy sóng”, nhóm cổ phiếu ngân hàng bắt đầu có nhịp điều chỉnh trong những phiên từ đầu tháng 6 đến nay. Việc xuất hiện các nhịp điều chỉnh sau một chu kỳ tăng giá được cho là điều khó tránh khỏi, nhất là trong bối cảnh tình trạng nghẽn lệnh trên HOSE vẫn chưa được tháo gỡ triệt để. Tuy nhiên, xét về dài hạn, cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm được đánh giá khả quan nhất trên thị trường chứng khoán.
Theo ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích đầu tư Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset, sau hơn 2 tháng thị giá tăng mạnh bình quân từ 50-70% so với trước đó, đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng chắc chắn sẽ có sự chững lại. Đồng thời sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn, dòng tiền có thể dịch chuyển sang các nhóm ngành khác trong tháng 6.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, trong dài hạn, cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm cổ phiếu tích cực nhất trên thị trường chứng khoán. Trong giai đoạn 2021-2022, ngành tài chính nói chung hay ngân hàng nói riêng là ngành có triển vọng tăng trưởng kinh doanh tích cực nhất so với các doanh nghiệp niêm yết khác.
Đặc biệt, ngành ngân hàng sẽ có kết quả kinh doanh tăng mạnh bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhờ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng nới lỏng tiền tệ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Trong một báo cáo gần đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cũng cho rằng, kết quả kinh doanh quý II/2021 của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ nền so sánh thấp. Bên cạnh đó, thông tin về việc phê duyệt hạn mức tín dụng mới tại hàng loạt các ngân hàng tư nhân (sau khi những ngân hàng này đã chạm mức trần tín dụng được cấp và đang xin thêm hạn mức) và các kế hoạch phát hành thêm, chia cổ tức nhằm tăng vốn đặc biệt ở nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ là những sự kiện đáng chú ý trong thời gian tới.
Theo VDSC, trong năm 2021, ngành ngân hàng sẽ chứng kiến một chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, dự báo tăng trưởng 27% so với năm 2020, bất chấp diễn biến của dịch bệnh. Sự lệch pha này đến từ chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước nhằm giảm tác động của dịch bệnh như môi trường lãi suất thấp cùng chính sách tiền tệ mở rộng và các yếu tố được thúc đẩy bởi dịch bệnh như xu hướng cắt giảm mạnh chi phí.
Mặt khác, sau một thời gian im ắng, trong năm 2021, hầu hết các ngân hàng đều lên kế hoạch tăng vốn để đáp ứng yêu cầu Basel II (Hiệp ước Basel phiên bản thứ hai). Thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho thấy, trong năm 2021 có khoảng 16 ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ đáng kể.
Cụ thể, vốn điều lệ tại các ngân hàng này theo kế hoạch tăng 82.700 tỷ đồng, tăng 31% so với 2020; trong đó, có khoảng 75% tăng qua chia tách cổ phiếu; 22% từ phát hành riêng lẻ hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu, còn lại là thông qua phát hành ESOP (phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động). Do tác động pha loãng lợi nhuận là không đáng kể, việc tăng vốn được cho là yếu tố nâng đỡ cho vận động giá cổ phiếu ngân hàng cho đến cuối năm 2021.
Ở góc độ định giá, VDSC cho biết, hệ số định giá P/B của ngành đang cao hơn mức bình quân 5 năm hai lần so với độ lệch chuẩn. Việc nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh trong thời gian qua cho thấy thị trường đã phản ánh rất tích cực với đà tăng trưởng lợi nhuận và khả năng duy trì của môi trường lãi suất thấp.
Vì vậy, các chuyên gia của VDSC lưu ý, mức định giá này đặt trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra sẽ là yếu tố quan trọng mà các nhà đầu tư cần cân nhắc trước khi giải ngân mới. VDSC khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế mua đuổi nhóm ngân hàng trong tháng 6.
Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể nắm giữ những cổ phiếu ngân hàng đáp ứng nhiều tiêu chí về tăng trưởng, bộ đệm dự phòng, định giá vẫn ở mức hợp lý…