📞

Coi Việt Nam như người bạn lâu năm, Azerbaijan mong muốn duy trì quỹ đạo quan hệ song phương ngày càng tốt đẹp

Thu Trang 16:47 | 23/09/2022
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Azerbaijan (23/9/1992-23/9/2022), Thứ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Elnur Mammadov đã có cuộc phỏng vấn với báo TG&VN.
Thứ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Elnur Mammadov phát biểu tại Hội thảo “30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Azerbaijan: Lịch sử và triển vọng”, ngày 19/7. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Việt Nam và Azerbaijan có tình hữu nghị truyền thống gắn bó bất kể khoảng cách địa lý xa xôi. Thời gian qua, theo Thứ trưởng, trong quan hệ hợp tác chính trị của hai nước có những cột mốc đáng nhớ nào?

Mối quan hệ Việt Nam-Azerbaijan là cả một quá trình lịch sử truyền thống lâu đời. Lịch sử này bắt đầu từ thời Liên Xô, đánh dấu bởi chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Azerbaijan năm 1959 và chuyến thăm cấp nhà nước của lãnh đạo Azerbaijan Heydar Aliyev tới Việt Nam năm 1983.

Mối quan hệ hai nước sang một trang mới sau khi Azerbaijan tách khỏi Liên Xô đầu thập niên 90. Nhìn lại 10 năm gần đây, quan hệ này càng được củng cố bởi sự thành lập Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam năm 2013 và chuyến thăm chính thức của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev năm 2014 với sự tiếp đón nồng hậu của Việt Nam. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sau đó cũng đã có một chuyến thăm hồi đáp năm 2015.

Từ năm 2015 đến nay, hai nước đã tổ chức hai kỳ họp Ủy ban liên chính phủ Việt Nam-Azerbaijan. Chúng ta đã có vòng tham vấn chính trị lần thứ nhất giữa hai Bộ Ngoại giao năm 2019, và trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7 vừa qua của tôi, chúng ta đã tổ chức thành công tham vấn chính trị lần thứ hai.

Tôi cho rằng về mặt quỹ đạo, các mối quan hệ của chúng ta đã đi theo xu hướng rất tích cực và hy vọng điều này sẽ tiếp tục trong những năm tới.

Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước cũng đã có những thành tựu đáng khích lệ. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Hai bên đã hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực trong quá khứ và tiếp tục hợp tác đến nay. Một lĩnh vực hợp tác truyền thống là năng lượng và mối quan hệ bền chặt giữa các công ty dầu khí quốc doanh, điển hình là Công ty Dầu khí Nhà nước Azerbaijan (SOCAR) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), trong buôn bán dầu thô và các sản phẩm dầu khác.

Để nói về hợp tác kinh tế, một thực tế quan trọng là kim ngạch thương mại hai chiều giữa Azerbaijan và Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay đã tăng gấp 3 lần. Trong cả năm 2021, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 160 triệu USD.

Chúng tôi có rất nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Azerbaijan, có thể kể đến mô hình khu phức hợp thương mại “một điểm đến” giúp xử lý các văn bản hành chính, ưu đãi thuế, miễn thế hải quan. Ngoài ra, có những khu kinh tế tự do đang được thành lập ở Azerbaijan mà chúng tôi dự định sẽ giới thiệu với các đối tác Việt Nam.

Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Azerbaijan và chúng tôi hy vọng rằng trong thời gian tới số lượng doanh nghiệp và khoản đầu tư nước ngoài vào quốc gia chúng tôi sẽ còn tăng thêm.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Azerbaijan ngày 19/7. (Ảnh: Tuấn Anh)

Azerbaijan đánh giá thế nào về năng lực dẫn dắt và đi đầu của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á?

Chúng tôi coi Việt Nam trước hết như một người bạn lâu năm của Azerbaijan. Đồng thời, Việt Nam còn là một nền kinh tế bùng nổ trong khu vực, các chỉ số kinh tế gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Điều này đảm bảo tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Azerbaijan.

Một điều khác mà chúng tôi nhắc tới hôm nay là vai trò của Azerbaijan như một quốc gia trung chuyển. Trong những năm gần đây, chúng tôi đã bắt đầu định vị Azerbaijan như một trung tâm hậu cần vận tải khu vực. Có một số tuyến đường trung chuyển quốc tế và hành lang vận tải đi qua lãnh thổ của Azerbaijan, và một trong số đó là tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspian vận chuyển hàng hóa từ Đông Á sang Tây Âu và ngược lại.

Chúng tôi đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng giao thông, cụ thể là Azerbaijin đã xây dựng cảng thương mại quốc tế Baku trên biển Caspi. Chúng tôi sở hữu đội tàu thương mại lớn nhất trên biển Caspi và đã xây dựng tuyến đường sắt Baku-Tbilisi-Kars nối Azerbaijan với Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhờ những phát triển này, chúng tôi tin rằng hai nước chúng ta hiện có nhiều cơ hội hơn nữa để mở rộng hợp tác kinh tế.

Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa PetrovVetnam và SOCAR được ký nhân chuyến thăm Azerbaijan của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2015. (Nguồn: Petro Times)

Azerbaijan có kế hoạch gì để tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác song phương và đa phương, cùng góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định trên thế giới?

Từ trước đến nay, hai bên luôn ủng hộ vị trí và hỗ trợ các ứng cử viên của nhau trong các tổ chức quốc tế.

Năm 2019, Azerbaijan được bầu làm Chủ tịch Phong trào Không liên kết (NAM). Đây là nhóm các quốc gia lớn thứ hai sau Liên hợp quốc với 120 quốc gia thành viên.

Năm nay, nhiệm kỳ Chủ tịch NAM của chúng tôi được gia hạn thêm một năm (đến cuối năm sau) với sự ủng hộ nhất trí của tất cả các nước. Chúng tôi đã đề xuất một số sáng kiến với tư cách là Chủ tịch NAM, nhằm phát triển năng lực thể chế cho tổ chức.

Năm ngoái, chúng tôi đã tổ chức mạng lưới thanh niên cho các đại diện trẻ đến từ tất cả các quốc gia thành viên, sau đó chúng tôi thiết lập mạng lưới nghị viện làm nền tảng chung cho các nghị sĩ.

Cuộc họp thứ hai của mạng lưới nghị viện NAM đã được tổ chức tại thủ đô Baku vào tháng 6-7 năm nay và các quốc gia thành viên đã thông qua phương thức làm việc, cờ và biểu tượng chung của mạng lưới.

NAM là một trong những nền tảng chính mà Azerbaijan và Việt Nam hợp tác. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quan tâm đến việc mở rộng hợp tác với ASEAN. Vì vậy, tôi hy vọng sẽ được thảo luận với phía Việt Nam về chương trình nghị sự song phương và quốc tế của chúng ta trong thời gian tới.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc và Thứ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Elnur Mammadov chứng kiến lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Học viện Ngoại giao Việt Nam và Học viện Ngoại giao Azerbaijan ngày 19/7. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

(thực hiện)